Tình quê

Thứ Tư, 30/10/2013 | 15:10

“Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”, hồi còn nhỏ chắc ai cũng ít nhiều nghe được câu hát ru này. Lớn đến thì con gái, tôi nghe câu này mà phập phồng vu vơ, lấy chồng xa chắc… buồn.

Nhưng khi lấy chồng xa rồi tôi mới biết cái may mắn của mình là được làm người con của hai quê. Dẫu cái quê chồng ấy chẳng mấy cách xa đến đỗi “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu” như trong câu hát…

Quê chồng không xa lắm với nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi, nhưng đủ để tôi phân biệt được sự khác biệt ở chốn thị thành và nơi đồng bưng. Khác cả về không gian, hoàn cảnh sống cho đến cả cách cư xử, đối đãi, tình người với nhau.

Nói là chốn thị thành, thật ra cách đây vài năm về trước, nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng chỉ là một thị xã nhỏ bé, đường sá thì ngoằn ngoèo với ổ gà, ổ voi, nhà cửa có nhiều cái coi được, có cái cũng lụp xụp, nghèo xác xơ… Còn giờ, phố thị nhà cửa mọc san sát, quy hoạch thành từng khu trông đẹp không thua những thành phố lớn, đường lộ thì thẳng thớm, sạch trơn. Nhưng riêng trong cảm nhận của tôi, xóm mới đã lấy đi những cái mà chỉ xóm cũ tôi ngày trước có được. Ở trong cái xóm cũ ấy, láng giềng thân thích, thương nhau như người trong dòng họ. Những người lớn tuổi được xem như cây đa, cây đề của xóm, bọn hậu thế chúng tôi thường gọi các ông bà cao niên ấy bằng thứ, bác Hai, bác Ba, chú Năm, cô Sáu; kêu riết rồi muốn quên luôn cái tên cúng cơm của họ. Xóm cũ từ lúc được quy hoạch lại, một số gia đình nằm trong diện giải tỏa trắng, chuyển đi nơi khác sinh sống, đổi lại nhiều người lạ hoắc về xóm cũ làm láng giềng mới. Không biết tại không gian sống mới, tại mối quan hệ mới hay tại… cái gì khác mà tình làng nghĩa xóm ở cái xóm mới bây giờ không còn như xóm cũ. Nhà bên này có đám tiệc, giỗ quảy thì tự mà tổ chức, không ai tiếp ai, thậm chí có khi còn không mời nhau. Cánh cửa là vật vô tri bảo vệ tài sản mỗi nhà nhưng cũng là bức tường vô hình ngăn cách tình làng nghĩa xóm. Quên khóa cửa là ăn trộm nó viếng, cho nên cửa đóng then cài tối ngày, mạnh nhà nào nhà nấy tự giữ tài sản của mình, đâu có chuyện hàng xóm trông ngó dùm nhà cửa nhau như hồi ở xóm cũ. Cho nên có chuyện đùa mà như thật. Ở khu nọ, cả gia đình đóng cửa đi chơi xa, ở nhà bọn trộm mang cả một xe hàng đến dọn tài sản. Nhà kề bên tưởng là người hàng xóm dời nhà nên cũng làm lơ, thế là nhà hàng xóm bị dọn sạch! Tôi nghĩ giá mà có sự quan tâm lẫn nhau một chút, nhà kề bên có thể “phôn” cho láng giềng để hỏi thăm thì đâu đến nỗi trộm dọn nhà một cách… minh bạch giữa ban ngày!

Sông quê êm đềm. Ảnh: C.T

… Mỗi cuối tuần tôi lại được về với quê hương thứ hai - quê chồng, để đắm mình trong không gian đồng quê, làm người đồng quê, ăn chén cơm đồng quê và cảm nhận sâu sắc nghĩa tình của nơi ấy! Không cần máy điều hòa vẫn mát mẻ, thậm chí còn khỏe khoắn hơn nhiều khi “thừa hưởng” được gió trời, hơi nước từ dòng kênh giữa trưa hè oi ả. Bữa cơm trưa thịnh soạn với những món ăn đồng quê, mùa này cá rô dưới kênh nhiều lắm, chỉ cần một mẻ lưới là đủ để làm ba món, canh, kho và nướng. Canh chua cá rô nấu với bông so đũa mọc ở bờ vườn, đọt nhãn lồng đem luộc, bông điên điển đem ướp làm dưa chua chấm cá rô kho tộ thì ăn mãi quên thôi. Cái hương vị đồng quê ngọt ngào ấy làm tôi yêu quê hương thứ hai này ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đất lạ để giờ trở thành thân quen… Mẹ con tôi về quê chắc còn là nỗi… ám ảnh của lũ vịt, gà. Sẵn dịp, ông bà nội cứ bắt chúng mà thết đãi cho con dâu, cháu nội những món ngon…

Con sông trước nhà cũng nên thơ lạ lùng. Nó chứng kiến biết bao niềm vui của những chàng trai ngồi trên xuồng, ngày xưa là chiếc xuồng ba lá chòng chành, bây giờ là xuồng máy chở cô dâu xinh tươi về nhà chồng vào những ngày gió chướng thế này, mùa được xem là mùa no ấm của nhiều gia đình ở quê… Cho nên, hễ mỗi lần về quê, tôi lại có thói quen bắt cha tụi nhỏ lấy chiếc phà tự chế (để đi ruộng phun thuốc, bón phân) chở tụi nhỏ đi một vòng hóng mát, nơi mà cha mẹ chúng mấy năm trước tay còn e ấp trong tay về đây xây hạnh phúc… Những bà con trên bờ thấy tôi là gọi í ới, câu cửa miệng là “về hồi nào vậy bây?” dù họ biết rằng cứ mỗi cuối tuần mới được gặp vợ thằng Út, “con nhỏ làm dâu… kiểng, cuối tuần mới về thăm ba má chồng một lần”, họ thường trêu tôi như thế…

Lần nào cũng vậy, mỗi lần về quê tôi lại cộ đồ trở lên thành phố. Đồ ở đây là những món quà quê, khi là bọc ổi vườn, khi là những bó lá hẹ (loại lá mọc ở dưới ruộng ăn với mắm kho), khi là đòn bánh tét do tự tay má chồng gói, khi là chục trứng gà ba chồng tôi dành dụm, không “để trống” mà để dành cho cháu nội tẩm bổ; lâu lâu là vài chục ký gạo, con gà, con vịt… Ba thường nói: “Không có là bao nhưng đó là cái tình con ạ, gửi tụi con biếu cho bà sui trên ấy ăn lấy thảo”. Con biết mà ba, những thứ ấy nếu quy ra tiền sẽ chẳng là bao, nhưng nói về cái tình thì chắc nó rộng lớn lắm!

Là người con của hai quê, tôi càng quý hơn cái tình quê của những người nhà quê mộc mạc, thứ mà người thị thành hiếm khi có được. Người quê thì ăn nói rổn rảng lắm, có sao, nghĩ sao nói vậy nhưng cái gì cũng nói ra rồi thôi, không để bụng và đối đãi với nhau bằng cái tình chân chất. Về quê chồng nhiều khi tôi cũng tập… rổn rảng, cũng làm cho mình quê mùa hơn một chút từ vẻ bề ngoài cho đến cách ứng xử, nói năng. Nhưng có điều tôi học hoài vẫn chưa giống được, đó là cái bụng rộng lượng, không so tính thiệt hơn và sống có nghĩa có tình, cho nên chắc phải còn học dài dài khi mình là người nửa chợ - nửa quê…

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.