TP. Bạc Liêu: Huy động nhiều nguồn lực cho​ phát triển du lịch

Thứ Sáu, 29/11/2024 | 15:25

Tích cực thực hiện Đề án 01 của UBND TP. Bạc Liêu về Chiến lược phát triển du lịch TP. Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay hoạt động du lịch của TP. Bạc Liêu không ngừng khởi sắc và ngày càng thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan.

Khách sạn Trần Vinh - một trong những địa điểm được đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ cho phát triển du lịch chất lượng cao.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG

Một trong những công tác được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Bạc Liêu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính là tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Nhờ vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch ngày càng được tăng cường, các công trình giao thông từng bước hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, nhất là cải tạo, nâng cấp cầu, đường vào các khu, điểm du lịch. Cụ thể, trong 2 năm qua, thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng 11 hạng mục công trình, dự án từ ngân sách tỉnh và thành phố, với tổng kinh phí gần 756,2 tỷ đồng. Tiểu biểu như: Xây dựng hoàn thành Công viên biển Bạc tại phường Nhà Mát; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cao Văn Lầu; đầu tư sửa chữa một số hạng mục trên Quảng trường Hùng Vương; lắp đặt 3 màn hình Led phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và quảng bá du lịch đến với du khách (Quảng trường Hùng Vương, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, phía trước Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968); xây dựng phần mềm quản lý và ứng dụng bản đồ số ngành Du lịch để tuyên truyền về du lịch TP. Bạc Liêu; đầu tư tu bổ, sửa chữa nhà cổ số 59 (đường Đống Đa, Phường 5); đầu tư và trang bị 3 dàn nhạc ngũ âm cho 3 chùa Khmer (Phường 7, Phường 8 và xã Vĩnh Trạch); đầu tư, trang bị 2 bộ trang thiết bị âm thanh cho Câu lạc bộ đờn ca tài tử phường Nhà Mát và xã Vĩnh Trạch Đông…

Cùng với đó là trình xin chủ trương tỉnh cho đầu tư cải tạo, sửa chữa Công viên 1/5 thuộc Phường 3 và đã được tỉnh thống nhất; trình xin tỉnh cho xây dựng Công viên nhạc nước tại khu vực Trung tâm Hành chính tỉnh. Kêu gọi đầu tư sửa chữa, tu bổ nhà cổ số 29 và di tích đồng hồ Thái Dương gắn với phát triển du lịch; trình xin Sở VH-TT&DL tranh thủ nguồn kinh phí Trung ương đầu tư, sửa chữa các hạng mục tại chùa Xiêm Cán phục vụ du lịch cộng đồng. Qua đó, Trung ương đã cấp cho thực hiện với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Song song đó, một số hạ tầng như: viễn thông, điện, nước, biển chỉ dẫn vào các điểm du lịch cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn.

Thành phố còn tập trung vận động các điểm du lịch tiến hành trùng tu, nâng cấp cơ sở vật chất, nhằm hoàn thiện các điểm du lịch hiện có để kết nối tua, tuyến, thu hút khách du lịch như: đối với khu Quán âm Phật đài thực hiện nâng cấp khuôn viên, mở rộng thêm bãi đỗ xe cho phật tử, khách tham quan; với cụm nhà Công tử Bạc Liêu thì kêu gọi chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án để sớm hình thành khu bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch; vận động Công ty Ô tô Bảo Toàn mở rộng, nâng cấp khu du lịch Nhà Mát; kêu gọi được Công ty TNHH Vận tải - Du lịch Đông Phong đầu tư hệ thống xe điện với số lượng 6 xe điện du lịch trong giai đoạn 1. Tiến hành rà soát, khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn để chỉ đạo xử lý kịp thời nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thường xuyên vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Trong đó, có nhiều cơ sở được xây dựng mới đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định như: Khách sạn Trần Vinh 2 với quy mô 11 tầng, 82 phòng nghỉ; khách sạn Như Toàn, khu bungalow của Khu du lịch Nhà Mát, khách sạn Newplace, khách sạn Hoàng Gia, khách sạn Phụng Hoàng Vũ…

Cùng với tăng cường đầu tư, TP. Bạc Liêu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh ẩm thực, nhà hàng cải tạo lại cơ sở vật chất, tạo không gian thoáng mát, sạch đẹp. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ du khách. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 12 cơ sở kinh doanh mua sắm, ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…

Lễ hội bánh dân gian thu hút khách tham quan, ăn uống và vui chơi. Ảnh: K.T

TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI

Để thu hút ngày càng đông du khách, ngoài phát triển hạ tầng, TP. Bạc Liêu còn gắn kết phát triển du lịch với các hoạt động văn hóa, thể thao và các hội chợ thương mại, lễ hội dân gian… Như sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch; Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn với nhiều hoạt động diễn ra. Trong đó có không gian trình diễn các làng nghề truyền thống, giao lưu trình diễn nghệ thuật truyền thống, trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của Bạc Liêu; hội thi ẩm thực đặc sản nông nghiệp; hội thi tuyên truyền lưu động về du lịch nông thôn… được tổ chức thành công và đã thu hút lượng khách đến TP. Bạc Liêu tăng gấp 10 lần so với những ngày bình thường.

Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán hằng năm, TP. Bạc Liêu đều tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách vui xuân đón tết. Tiêu biểu nhất là Hội xuân “Chợ quê ngày Tết” và tuyến đường hoa thành phố với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: giao lưu ca nhạc đường phố, giao lưu đờn ca tài tử… đã thu hút khoảng 25.000 lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động, góp phần gia tăng lượng khách du lịch hằng năm.

Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức Lễ hội Dạ cổ hoài lang, Lễ hội Quán âm Phật đài và các lễ hội khác nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí để quảng bá, thu hút sự tham gia của người dân và du khách. Phối hợp triển khai Dự án 06 về “Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung: Tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội truyền thống gồm 2 lễ hội chính của đồng bào Khmer là tết Chôl-chnăm-thmây và Oóc-om-bóc tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông). Qua đó nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng nghệ nhân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch của thành phố…

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án 01, TP. Bạc Liêu đã và đang tích cực mời gọi đầu tư cho phát triển du lịch và quyết tâm xây dựng thành phố trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

KIẾT TƯỜNG

Tính đến nay, toàn thành phố có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có 29 khách sạn (3 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 10 khách sạn 1 sao) và nhiều nhà nghỉ, nhà trọ kinh doanh lưu trú. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup đã đầu tư dự án Vincom Shophouse Bạc Liêu với tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng và nhà phố đô thị theo lối kiến trúc cổ điển sang trọng và đẳng cấp, góp phần tạo điểm nhấn nổi bật về mỹ quan đô thị của trung tâm TP. Bạc Liêu đối với du khách.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.