TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long: Khơi thông “điểm nghẽn” liên kết du lịch

Thứ Tư, 25/10/2023 | 15:27

Hạ tầng phục vụ du lịch (DL) chưa đáp ứng, doanh nghiệp lữ hành “đói” thông tin về điểm đến, thiếu sản phẩm - dịch vụ về đêm để giữ chân du khách… là những rào cản khiến các chương trình DL liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Tại hội nghị đánh giá tình hình liên kết DL vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra tại Bạc Liêu, các đơn vị chức năng và doanh nghiệp đã ngồi lại bàn giải pháp để khơi thông “điểm nghẽn” trong mối liên kết này.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch và doanh nghiệp lữ hành 14 tỉnh, thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: H.T

SỐNG ĐỘNG PHƯƠNG NAM

Cách đây gần 4 năm, từ khát vọng phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đặt viên gạch đầu tiên cho mối liên kết bằng lễ ký kết hợp tác tại Bạc Liêu. Kể từ đó, các địa phương tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm - dịch vụ, các doanh nghiệp lữ hành thi nhau mở ra nhiều tua tuyến kết nối du khách với các điểm đến. Hành trình xuôi về Phương Nam ngày càng sống động khi có 80 chương trình tua được khai thác, kéo theo đó là lượng khách đặt tua, doanh thu DL dần tăng lên.

Bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh về vùng đất Chín Rồng, 3 trục tuyến liên kết được hình thành để mời gọi du khách về khám phá, trải nghiệm. Đó là các tuyến “Non nước hữu tình”, “Sắc màu vùng biên” và “Những nẻo đường phù sa”. Trong đó, “Những nẻo đường phù sa” với sự góp mặt của các điểm đến Bạc Liêu có số lượng tua nhiều nhất.

Cùng với các địa phương liên kết, Bạc Liêu góp phần mang đến cho du khách những sản phẩm đậm chất miền Tây sông nước, những công trình kiến trúc lưu dấu ấn lịch sử, văn hóa vùng đất và con người phương Nam.

Các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh khảo sát Khu du lịch Điện gió Hòa Bình 1 để thiết kế tua tuyến.

BIẾN TRÙNG LẮP THÀNH THẾ MẠNH

Với điều kiện tự nhiên sông nước, miệt vườn gần như tương đồng, các tỉnh miền Tây trong mắt du khách luôn bị trùng lắp về sắc màu DL. Điều này cũng được các sở DL, sở VH-TT&DL và doanh nghiệp nhìn nhận tại hội nghị đánh giá các chương trình liên kết DL vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều quan trọng là phải tìm cho được cái khác biệt trong nét hao hao của DL các tỉnh, thành ĐBSCL.

Ông Cao Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm DL nội địa Công ty Cổ phần DL Bến Thành, bày tỏ: “Chúng ta không sợ sự tương đồng, bởi đó là điều hiển nhiên, mà phải xem nó là thế mạnh để khai thác. Vì sao người miền Tây đi DL ở các tỉnh Tây Bắc vốn có điều kiện tự nhiên, khí hậu giống nhau nhưng không thấy trùng lắp, ngược lại du khách phía Bắc về miền Tây cũng không thấy ngán. Vấn đề cần quan tâm nhất là đầu tư cho tốt sản phẩm có tính dẫn dắt, định hướng thị trường. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ dựa vào sản phẩm dẫn dắt đó để thiết kế tua kết nối với các điểm đến khác”.

Xét ở góc độ người thiết kế hành trình tua và góc độ du khách, bà Trần Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Cổ phần Vietluxtour mong rằng khi nhắc tới một địa phương thì có những sản phẩm đóng đinh với nơi đó. Làm sao để DL tâm linh của Bạc Liêu khác với tỉnh bạn, DL sinh thái của Vĩnh Long không giống với nơi khác… là bài toán cần có lời giải.

Bà Bùi Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở DL TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Việc phát triển sản phẩm DL liên tuyến trong thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thông qua khai thác thô các tài nguyên DL nên chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa to lớn của vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, mỗi địa phương phải xây dựng các chính sách kích cầu hấp dẫn để tạo chuỗi liên kết cộng hưởng, tăng giá trị thụ hưởng cho thị trường khách quốc tế lẫn nội địa. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ dòng khách 2 chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh để đẩy mạnh trao đổi, khai thác dòng khách của các doanh nghiệp”.

DL ĐBSCL sẽ mãi là “cô gái đẹp ngủ trong rừng” nếu không tận dụng và phát huy được tiềm năng, lợi thế độc đáo vốn có. Liên kết chính là chìa khóa để con tàu DL vươn ra biển lớn. Muốn vậy, các địa phương phải tính toán xem tỉnh nào sẽ tập trung đầu tư cho sản phẩm chủ lực nào để tạo ra khác biệt cho DL địa phương, cho vùng.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.