Văn hóa - Nghệ thuật
Truyền dạy Đờn ca tài tử: Tiếng nói người trong cuộc
Câu chuyện truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) là nỗi băn khoăn tồn tại đã lâu và hiện vẫn còn lắm trăn trở từ chính người trong cuộc. Hễ mỗi lần gặp các “bậc thầy” gắn bó trọn cuộc đời mình với nghiệp đờn ca thì “thường trực” vẫn là nỗi âu lo về nguy cơ thất truyền một loại hình âm nhạc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tre sắp tàn nhưng măng chưa mọc
Thầy đờn với nghệ danh “Út Đờn” - tức Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lâm Duy Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện Vĩnh Lợi, chia sẻ: “Tôi học đờn và ca tài tử từ lúc còn nhỏ, đến nay đã trên 50 năm. Tôi cũng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT gần 10 năm. Nhìn lại thời gian học nghề và làm nghề của mình, tôi cảm nhận chưa bao giờ bộ môn nghệ thuật ĐCTT lại được các cấp lãnh đạo quan tâm như lúc này”.
Có phép so sánh này là vì thầy Út Đờn (và nhiều đồng môn trang lứa) đều rút ra rằng, khi xưa, người học và người dạy ĐCTT thường tự tìm đến nhau, học nhau từng ngón đờn bằng cả sự say mê rồi dần thành nghề. Còn bây giờ, “sự quan tâm của các cấp lãnh đạo” chính là việc học đờn, học ca có hẳn trường lớp đàng hoàng! Ở thời đại công nghệ số, những người thích tìm hiểu về ĐCTT còn có thể tự mày mò lên mạng để học nữa. Ấy vậy mà, “chúng ta đang thấy ít dần đi những thế hệ trẻ đam mê ĐCTT”, NNƯT Duy Minh đúc kết.
Cùng nỗi niềm cho câu chuyện tương lai của ĐCTT, NNƯT Nguyễn Văn Phúc - một thầy đờn của TX. Giá Rai, băn khoăn về sự thiếu hụt nghệ nhân đờn. Từng đi giao lưu ĐCTT nhiều nơi, anh Phúc cho rằng: “Khắp nơi đều có CLB ĐCTT hoặc những đội nhóm những người yêu thích ĐCTT. Tuy vậy, đa số toàn là những người biết ca các bài bản Tổ mà thiếu người đờn, có nhóm phải hùn tiền thuê người đờn ở nơi khác lại. Tôi cũng biết một số CLB đông thành viên, nhưng chỉ có 5 - 7 người biết ca đúng bài, số còn lại thì họ chơi vui vẻ là chính, ca còn sai điệu, rớt nhịp rất nhiều”.
Không chỉ là nơi tập hợp những người cùng sở thích, nhiều câu lạc bộ Đờn ca tài tử còn kiêm nhiệm vụ phục vụ du khách ở các điểm tham quan tại Bạc Liêu. Trong ảnh: Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Vườn sinh thái Kim Cương biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: C.T
Trao truyền để không thất truyền
Rất cần thiết phải nối dài hành trình trao truyền để không thất truyền nghệ thuật ĐCTT, thế nhưng truyền nghề ra sao để hiệu quả?
Từng trực tiếp tập huấn ĐCTT trong 3 năm qua ở các nơi trên địa bàn tỉnh, theo NNƯT Nguyễn Văn Phúc thì cần có những lớp khác nhau, chẳng hạn lớp dạy riêng cho những người yêu thích ca tài tử (mới biết ca), lớp nâng cấp từ biết ca khá nâng dần lên các bài bản khác nhau. Đưa ĐCTT vào trường học thì đòi hỏi các thầy cô phải am hiểu tường tận về nhạc lý của các bài bản Tổ khi dạy trực tiếp cho học sinh”.
Cũng theo NNƯT Nguyễn Văn Phúc, tỉnh cần mở nhiều cuộc thi, giao lưu ĐCTT để tạo sân chơi cho các nghệ nhân; hỗ trợ nguồn kinh phí cho một số CLB ĐCTT sinh hoạt thường xuyên ở một số điểm du lịch và khu di tích quốc gia nhằm duy trì hoạt động và tập dợt các bài bản mới phục vụ du khách.
Còn NNƯT Lâm Duy Minh thì trăn trở: “Nhiều năm qua, Sở VH-TT&DL đã mở nhiều lớp ngắn hạn về ĐCTT, tuy nhiên, người học chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức và đại diện các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa... Nhiều người trong số những học viên này đã học nhiều lớp nhưng do không có năng khiếu ca hát nên đã không giúp nhiều cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT nói chung”. Cho nên, theo anh Minh, nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả nghệ thuật ĐCTT trong thời gian tới, ngành Văn hóa phải gắn kết với ngành Giáo dục trong việc trao truyền cho thế hệ trẻ. Khi mở các lớp dạy ĐCTT nên tổ chức theo phân môn (lớp dạy đờn và lớp dạy ca) và thời gian mở lớp dài hơn để có kết quả tốt. Ngành Văn hóa cần trang bị nhạc cụ cho các CLB hoạt động hiệu quả; tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân của tỉnh trước khi xét tặng danh hiệu NNƯT; khi tổ chức các cuộc thi liên quan đến ĐCTT thì cần phải chọn giám khảo có chuyên môn để có sự chính xác, công bằng.
Báo cáo 10 năm triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thật ĐCTT Nam Bộ của Bạc Liêu cho biết: trong thời gian này, tỉnh đã tổ chức tổng số 27 lớp truyền dạy về ĐCTT thu hút hơn 2.500 lượt người tham gia. Tính toán đến đội ngũ kế thừa, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị, trường học lồng ghép giảng dạy nghệ thuật ĐCTT vào chương trình học tại các môn nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương và các hoạt động giáo dục khác đối với giáo dục phổ thông.
Thế nhưng, truyền dạy ĐCTT vẫn còn đó lắm băn khoăn về một thế hệ kế thừa thật sự có kỹ năng, hiểu biết, thực hành đúng bài bản và giữ chắc nhịp đờn ca đã theo dòng thời gian hơn trăm năm qua.
Cẩm Thúy
- Khai mạc Giải Pickleball các CLB tỉnh Bạc Liêu mở rộng năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Một phụ nữ bị sát hại tại nhà riêng
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ