Tự hào Thủ đô ngàn năm văn hiến

Thứ Sáu, 09/10/2020 | 17:25

Những ngày tháng 10 này, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước long trọng tổ chức các hoạt động chào mừng 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Kéo dài từ tháng 9 - 11, cao điểm là Tuần Văn hóa diễn ra tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội (từ ngày 3 - 11/10), chuỗi hoạt động đều mang thông điệp tôn vinh Thủ đô Anh hùng. Đất Hà thành ngàn năm văn hiến, mãi là trái tim lớn, niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Lăng Bác Hồ. Ảnh: M.Đ

Thủ đô Anh hùng

Cách đây tròn 20 năm, giữa những ngày tháng 10 lịch sử này, Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”! Một thủ đô hơn 10 thế kỷ qua với biết bao lần thay tên đổi họ, từ Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan đến Đông Kinh, Hà Nội, luôn xứng đáng danh hiệu Anh hùng và là trái tim lớn của dân tộc Việt Nam. Mảnh đất ngàn năm văn hiến đã in đậm bao chiến tích anh hùng mà tên gọi mỗi chiến công đã trở thành niềm tự hào mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, là Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Ngọc Hồi, Đống Đa… Những tên gọi ấy từ trong lịch sử bước vào văn học - nghệ thuật sáng đẹp lung linh như huyền thoại trở thành niềm kiêu hãnh muôn đời của những con Lạc cháu Hồng.

Năm 1010, với suy nghĩ “Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa”, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long với ý nghĩa “Rồng bay lên”. “Thăng Long phi chiến địa” với khát vọng hòa bình cho muôn dân nhưng cũng sẵn sàng biến hóa thành “quyết chiến địa” để đấu tranh giành lại bờ cõi, không khuất phục để dân chịu cảnh nô lệ, đất nước mất tự do. Từ những chiến tích lẫy lừng thời các vị vua cho đến thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972… Thủ đô Hà Nội xứng danh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng của Việt Nam. Trên phạm vi quốc tế, năm 1999, Hà Nội được Tổ chức UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019 Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của tổ chức này…

Từ trong truyền thống vẻ vang bước đến hiện tại và tương lai, Thủ đô Anh hùng luôn xứng đáng là vùng đất địa linh nhân kiệt mà các bậc tiền hiền đã dày công gầy dựng, thế hệ cháu con vun bồi, phát triển. “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” đúng như hình ảnh Rồng bay - Thăng Long - Hà Nội!

 “Hà Nội ơi, ta nhớ không quên”

Hà Nội oai hùng trong lịch sử bao nhiêu thì cũng đẹp đến nao lòng bấy nhiêu trong cảm nhận của những người đã từng đến, từng sống và gắn bó. Thủ đô Anh hùng mà lãng mạn đến day dứt với dáng kiều thơm, với những kỷ niệm nao lòng “ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa”, với 36 phố phường Hà Nội đón bước bao lứa đôi yêu nhau… Hà Nội đầy ắp kỷ niệm như ca dao đúc kết: “Hà Nội ba mươi sáu hố phường/ Hàng Gai, hàng Đường, hàng Muối trắng tinh/ Từ ngày ta phải lòng mình/ Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen/ Làm quen chẳng được nên quen/ Làm bạn mất bạn ai đền công cho”… Hà Nội đẹp với nét cổ kính của “hàng phố cũ rêu phong”, lãng đãng với “Hồ Tây tím mờ”… Có bao nhiêu khúc ca về Hà Nội là bấy nhiêu tình cảm thiết tha mà từng nhạc sĩ gửi gắm vào đó.

Riêng người viết bài này dẫu chỉ đôi lần thăm Thủ đô, nhưng một thoáng Hà Nội đó cũng đã đọng thành tình cảm và cấu thành nỗi nhớ. Đó là Hồ Gươm soi bóng Tháp Rùa cổ kính giữa lòng thành đô náo nhiệt, là Chùa Một Cột - công trình mang kiến trúc độc đáo với sự hội tụ giá trị lịch sử, tôn giáo, mỹ thuật, kỹ thuật bậc nhất trên đất Hà thành; là Văn miếu Quốc Tử Giám - biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam; là khu phố cổ với 36 phố phường mang vẻ đẹp yên bình, rất… Hà Nội; và nhất là Lăng Bác Hồ thiêng liêng - nơi lưu giữ hình hài vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam!

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.