Văn hóa - Nghệ thuật
Ước ao đường sách
Một con đường với hàng quán hai bên là cửa hàng sách, nơi du khách có thể ghé bất kỳ nhà sách nào để chọn một tác phẩm ưng ý và thú vị để mua, rồi ra quán cà phê xinh xắn bên kia đường mà nhâm nhi ly cà phê trong lúc lang thang trong thế giới của những con chữ. Đó là những phác họa thực tế về một con đường sách ở TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh: Internet
Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) từ khi khánh thành đã là địa chỉ quen thuộc của những người yêu sách. Rồi trong một lần ghé qua, tôi lại có thêm cảm nhận nơi đây không chỉ là chốn hẹn hò của những “con mọt sách” mà bất kỳ ai cũng có thể yêu thích bởi cảnh quan thơ mộng, nhẹ nhàng, phù hợp với tất cả lứa tuổi trong một buổi lang thang Sài Gòn. Người đến, có thể không cần vì yêu sách, mà vì cảnh đẹp cho những tấm ảnh lung linh; vì một góc cà phê đúng chất. Dù là lý do gì, thì tôi chắc rằng khi rời đi, mọi người đều sẽ yêu thích không gian trong lành nơi đây. Và đó cũng có thể là sự mở đầu cho việc tìm đến sách và hình thành thói quen đọc sách.
Các cửa hàng sách ở đây không cần trang trí cầu kỳ, bởi sự hấp dẫn đã tự toát lên từ rất nhiều cuốn sách mới được bày bán. Ở cửa hàng sách cũ, người bán cũng chẳng cần theo dõi người mua mà để họ tự trầm trồ với những cuốn sách giấy đã đen, bìa đã ố vàng nhưng được trân trọng, nâng niu trong những tấm nhựa cứng trong suốt. Nói sách cũ là một kho tàng vô giá, thì khi bước vào gian sách nhỏ này, người mua đã bị mê đắm, quyến rũ bởi kho tàng đẹp đẽ ấy mà lại không mảy may có ý định xấu với nó.
Làm một vòng đường sách trong dịp đi TP. Hồ Chí Minh, tôi lại ước ao về một con đường sách ở Bạc Liêu dù biết rằng điều này khó thành hiện thực. Bởi so với TP. Hồ Chí Minh - thành phố sầm uất nhất cả nước thì TP. Bạc Liêu quá vắng vẻ cả về dân cư lẫn du khách, vì vậy nhu cầu về một không gian riêng cho sách cũng không quá cần thiết. Dù vậy thì tôi vẫn ước ao, giá như trên con phố đi bộ mà thành phố đang quy hoạch, sẽ dành cho sách một vị trí, dù nhỏ. Nơi đó, sẽ bố trí những quầy sách nhỏ - bao gồm cả sách cũ lẫn mới; một góc “chill” cho bạn trẻ ghé vào chụp ảnh rồi làm quen với sách và yêu sách; một quán cà phê làm nơi dừng chân cho du khách thưởng lãm sách. Chịu khó thiết kế bằng một tình yêu với sách, tôi nghĩ đường sách Bạc Liêu không cần đầu tư quá công phu, quá lớn thì vẫn thu hút được du khách, cũng là tạo một điểm hẹn yêu thích cho những người mê sách. Nơi đây, cũng có thể bố trí một góc cho “hát với nhau” hoặc đờn ca tài tử. Bởi thật ra, sách và đờn ca đều là hoạt động văn hóa, đều đi vào lòng người bằng những thứ tinh túy nhất được chắt lọc qua thời gian.
Tìm đến sách cũng là tìm đến kho tàng tri thức của nhân loại, người đọc sách, yêu sách chính là những người có văn hóa, có nhân cách và đạo đức tốt. Một con đường sách chắc chắn không chỉ để làm du lịch mà còn để hình thành những lớp người có văn hóa, có một tâm hồn đẹp; đồng thời góp phần lan tỏa văn hóa đọc đang được khuyến khích. Điều ấy mới cần thiết biết bao, nhất là giữa lúc thế giới ảo đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa lớp người trẻ trong thế giới thực như bây giờ.
Tâm Ngọc
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024