Vai trò của gia đình trong xây dựng xã hội học tập

Thứ Hai, 21/08/2023 | 15:33

Xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đây cũng là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của đất nước. Để xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, vai trò của gia đình, dòng họ là vô cùng quan trọng - bởi đó là những tế bào của xã hội.

Mỗi gia đình văn hóa là mỗi gia đình học tập góp phần xây dựng xã hội học tập, tiến bộ.

Gia đình văn hóa - gia đình học tập

Nhìn vào thực tiễn, việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập (cụ thể hóa các mục tiêu trong Đề án “Xây dựng xã hội học tập” của Hội Khuyến học) và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL là những nhân tố tác động, thúc đẩy lẫn nhau phát triển.

Để có gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập thì phải có những công dân học tập. Đây là thành tố hạt nhân rất quan trọng của một xã hội học tập. Và để có những hạt nhân này, đòi hỏi vai trò của gia đình. Từng gia đình văn hóa sẽ tạo dựng nên những hạt nhân để xây dựng gia đình học tập, dòng học học tập.

Mỗi gia đình văn hóa cần chú trọng việc giáo dục con cái về truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ hoặc tự mình làm gương, đem thành tích học tập của cha, mẹ, bà con, anh em xung quanh để con cháu xem đó là động lực để noi theo. Mỗi bài học trong cuộc sống, thành công và kể cả thất bại cũng đều là kinh nghiệm, vốn sống để dạy dỗ, hướng con cháu đến con đường học hành chăm chỉ. Chẳng hạn, cuộc sống nghèo khó, không nghề nghiệp vững vàng của cha mẹ chính là bài học về sự phấn đấu, nỗ lực để con cái không bước đi trên con đường khó khăn đó nữa.

Mỗi gia đình văn hóa - gia đình học tập cũng cần có những công dân học tập - công dân văn hóa. Cho nên, cha mẹ không chỉ dạy con cái chăm học mà còn phải dạy con những đức tính đẹp, biết thương yêu, quan tâm đến những người xung quanh mình, hướng con đến những kỹ năng ứng xử, giao tiếp như câu “tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi công dân học tập trong gia đình không chỉ thành công là đủ, mà trước mắt phải thành nhân. Đó là cách dạy con của một gia đình văn hóa để có những gia đình học tập, dòng họ học tập thực chất.

Ngoài việc đưa sách đến với học sinh, Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để thu hút các em đến với thói quen đọc sách. Ảnh: C.T

Khuyến khích học và đọc

Trong nhiều phương pháp dạy con tại nhà, thì khuyến khích con chăm học và đọc là chuyện trong khả năng của mỗi gia đình. Đọc sách là một hoạt động phổ biến và có hiệu quả giúp mọi người nâng cao hiểu biết, tiếp thu tri thức, tăng cường khả năng giao tiếp và hình thành những ước mơ, có những ý tưởng sáng tạo. Con cái trong gia đình nếu sớm yêu thích việc đọc sách sẽ thu nhận được những kiến thức về cuộc sống, về khởi nghiệp.

Đóng vai trò nòng cốt trong phong trào khuyến đọc đến với mọi tầng lớp nhân dân, nhiều năm qua, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để đưa sách và văn hóa đọc đến gần hơn với mọi người. Hòa vào dòng chảy “chuyển đổi số”, cũng như góp phần đưa sách đến độc giả bằng nhiều hình thức đa dạng hơn, Thư viện tỉnh đã số hóa nhiều tài liệu, trang sách… lên website thư viện. Các chương trình “Giới thiệu sách”, “Đọc sách cùng bạn”, “Đọc truyện thiếu nhi”… trên trang Facebook và YouTube đã giúp học sinh và phụ huynh ở mỗi gia đình đều có thể tiếp cận với nhiều kiến thức bổ ích. Không cần đi đâu xa, ngay tại nhà, các em nhỏ cũng dễ dàng tiếp cận với sách để làm quen với người bạn sách này ngay từ khi còn tiểu học, dĩ nhiên cần có sự hỗ trợ, khuyến khích từ cha mẹ. Mặc dù còn không ít khó khăn trong cuộc sống nhưng nhiều phụ huynh vẫn quan tâm đến việc đọc sách của con em mình. Đó là hình ảnh những cô, chú chở con mình đến tìm sách để đọc khi các chuyến xe lưu động của Thư viện tỉnh mang sách về với vùng sâu, vùng xa, đến những điểm trường xa xôi của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Ở một số điểm trường, ngoài việc đọc sách để tiếp thu kiến thức, các em còn tham gia các trò chơi hấp dẫn để phát triển sự sáng tạo và niềm đam mê đọc sách. Tạo sân chơi bổ ích này ngày càng rộng rãi hơn, rèn kỹ năng đọc sách cho các em cũng là cách thiết thực giúp các em mở mang kiến thức. Điều này vừa đòi hỏi sự chủ động từ phía ngành chức năng, trường học, vừa cần sự quan tâm, nhập cuộc của gia đình để con em mình chủ động tham gia.

Trong thời đại tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học tập là vấn đề được mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng và toàn xã hội quan tâm, mục đích của học tập suốt đời không chỉ để có bằng cấp mà thật sự phải là nhu cầu ham hiểu biết, tìm tòi kiến thức để làm việc, tồn tại, thích nghi và chung sống; góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Chính vì mục tiêu hết sức thiết thực như vậy, xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã được mọi tầng lớp nhân dân tự giác hưởng ứng sôi nổi, đầy quyết tâm và đã mang lại hiệu quả đáng kể trong nhiều năm qua. Hiệu ứng đó cũng góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

CẨM THÚY

------------------------------

“Hội Khuyến học Việt Nam thấy được ý nghĩa quan trọng của gia đình, dòng họ đối với việc giáo dục truyền thống, phát triển giáo dục - đào tạo, kinh tế - xã hội của đất nước, từ năm 1999, Hội đề nghị và Chính phủ đã giao cho Hội nhiệm vụ thực hiện các mô hình “Gia đình hiếu học” rồi đến “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học” rồi đến “Dòng học học tập”, với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập ở nước ta.

Đây là những mô hình đặc sắc không có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới và những danh hiệu này do Nhà nước quy định; việc đánh giá, phong tặng do chính quyền các cấp thực hiện. Nội dung của mỗi mô hình chứa đựng những nét đẹp truyền thống được tôn vinh qua từng tiêu chí, chứa đựng đầy ắp tình cảm và sự sáng tạo của lớp lớp thế hệ làm khuyến học nên được các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thực hiện và các gia đình, dòng họ đồng tình hưởng ứng, Nhân dân đồng thuận tham gia”.

(Trích phát biểu của GS-TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.