Văn hóa - Nghệ thuật
Văn hóa là nền gốc, vốn liếng để Bạc Liêu phát triển
Có nhiều cách nhìn nhận, khái niệm về văn hóa, nhưng tựu trung văn hóa là do con người sáng tạo nên, bao gồm văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất. Trong nhiều khái niệm đó, tôi đồng quan điểm với cách nhìn nhận văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo nên và sáng tạo đó phải hướng đến chân - thiện - mỹ.
Với cách tiếp cận này, khi nói đến chủ trương “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, tức là sẽ đi lên từ những gì tốt đẹp mà Bạc Liêu đã có, đang có và sẽ có. Bạc Liêu sẽ bảo tồn, phát huy và tiếp tục sáng tạo văn hóa cho mình, để văn hóa trở thành nền gốc, là vốn liếng, làm đòn bẩy cho tất cả lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Bạc Liêu không phải là địa phương có lợi thế về địa lý giao thương. Nhưng đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận, gió hòa, giàu sản vật; có ruộng lúa cò bay thẳng cánh, có bờ biển uốn lượn như rồng bay đạp gió, để phong năng Bạc Liêu hòa vào mạch máu năng lượng quốc gia, trở thành một phần dưỡng chất cho cơ thể nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt hơn hết, con người Bạc Liêu giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, cần cù sáng tạo không thua kém bất cứ ai. Có người cô đọng rằng các đức tính thẳng thắn, thật thà của người Khmer, trọng chữ tín của người Hoa, hòa với nghĩa khí hào hiệp của người Kinh đã hình thành nên tư chất con người Bạc Liêu khoan dung, phóng khoáng, trọng lễ nghĩa.
Bè bạn gần xa biết đến Bạc Liêu với những kỳ tích anh hùng trong quá khứ hai lần giành chính quyền không cần tiếng súng - ghi một điểm son trong kho tàng nghệ thuật quân sự nước nhà, mà còn biết đến đất và người Bạc Liêu có bề dày sáng tạo văn hóa - nghệ thuật và vẫn đang hăng hái góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng không thiếu những anh hùng hào kiệt trên nhiều lĩnh vực mà chính họ đã góp phần định vị văn hóa Bạc Liêu gắn trong tổng thể bề dày lịch sử văn hóa dân tộc. Đó là Lê Duẩn; Nguyễn Văn Linh; Võ Văn Kiệt; Cao Triều Phát; Lê Thị Riêng; Trần Hồng Dân, Mười Chức; Nhạc Khị; Cao Văn Lầu; Yên Lang… Và còn rất nhiều danh nhân khác mà tên tuổi của họ trở thành tên đường, tên trường, là những tấm gương mẫu mực có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
![]() |
Báo chí xuất bản phẩm vừa là văn hóa vừa là con đường vận chuyển xuất khẩu văn hóa. Ảnh: T.L |
Những giá trị văn hóa đó đã hấp dẫn biết bao bạn bè gần xa muốn khám phá. Rõ ràng đây là một nguồn lực quan trọng để Bạc Liêu phát triển du lịch và kêu gọi đầu tư với dự báo rất lạc quan.
Để “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” thì trước hết mỗi người Bạc Liêu phải thấy tự hào về mỹ đức cần cù, sáng tạo, hào hiệp, mến khách và trọng lễ nghĩa… của tiền nhân đã gầy dựng. Mỹ đức ấy phải được thể hiện ngay trong từng hành vi ứng xử, trở thành một nét văn hóa ở mỗi cá nhân, biểu hiện qua văn hóa ẩm thực; văn hóa kiến trúc, văn hóa lãnh đạo, văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử với xã hội, môi trường; đặc biệt là văn hóa báo chí, văn hóa nghệ thuật… Chính con người Bạc Liêu chứ không ai khác phải gánh lấy sứ mạng giữ gìn và sáng tạo nên văn hóa Bạc Liêu. Và trong sứ mạng gìn giữ, sáng tạo này, đội ngũ nhà báo, văn nghệ sĩ phải tiên phong vào cuộc, vì sản phẩm của họ vừa văn hóa, vừa là con đường vận chuyển, xuất khẩu văn hóa Bạc Liêu. Có như vậy văn hóa mới trở thành nền gốc là vốn liếng để Bạc Liêu đi lên!
Trần Liêu
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất