Văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu: Ấn tượng một chặng đường

Thứ Ba, 27/10/2015 | 13:29

Nếu trước đây, nhắc đến Bạc Liêu, người ta chỉ biết đây là xứ sở của Công tử Bạc Liêu, của cánh đồng Nọc Nạng đẫm máu người nông dân chống ách áp bức cường hào, nơi bạt ngàn với đồng vàng biển bạc và ngọt ngào mê đắm bởi câu Dạ cổ hoài lang…; thì giờ đây Bạc Liêu còn được bè bạn khắp nơi biết đến bởi nhiều cái khác nữa. Những cái khác ấy được kết tinh thành cụm từ “văn hóa Bạc Liêu”. Đó cũng là một sự kết tinh đầy ấn tượng của chặng đường 5 năm.

Văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu gồm những giá trị vật thể lẫn giá trị phi vật thể, tất cả đều góp phần quan trọng làm nên diện mạo Bạc Liêu. Văn vẻ một chút thì có thể ví đó là một vẻ đẹp mỹ miều nhìn từ bên ngoài và một nét đẹp tiềm ẩn từ cốt cách bên trong mà người ta có thể cảm nhận được, một văn hóa Bạc Liêu như thế!

THĂNG HOA TỪ FESTIVAL ĐỜN CA TÀI TỬ

Đề cập đến ấn tượng của văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu trong hành trình 5 năm qua thì không thể không nhắc đến Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014. Festival là sự cộng đồng trách nhiệm của 21 tỉnh, thành phố Nam bộ trong trọng trách tôn vinh nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, nhưng riêng đối với đơn vị đăng cai, từ nhiệm vụ chung ấy, Bạc Liêu đã thực hiện trách nhiệm riêng đối với địa phương: tôn vinh văn hóa Bạc Liêu từ một festival quốc gia! Về Bạc Liêu trong những ngày diễn ra Festival, những học giả, văn nghệ sĩ… đã không tiếc lời ngợi khen. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đặc biệt chú ý đến những công trình văn hóa - nghệ thuật của Bạc Liêu (Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Trung tâm triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, cây đờn kìm cách điệu…): “Đó là nguồn cảm hứng bất tận đối với giới văn nghệ sĩ mà không phải đến đâu tôi cũng cảm nhận được! Sự tôn vinh những giá trị nghệ thuật, tôn vinh những con người vun đắp cho nền nghệ thuật âm nhạc truyền thống thăng hoa như hôm nay là một tầm nhìn xa và rộng, một thái độ đầy chất văn hóa xuất phát từ tính nhân văn cao cả của tập thể lãnh đạo và đồng bào, nhân dân Bạc Liêu”.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một khu lưu niệm gìn giữ và tôn vinh loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc. Dưới góc nhìn của một nhà quản lý nhà nước về văn hóa, Thứ  trưởng Bộ VH-TT&DL - Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu rằng: “Việt Nam có nhiều loại hình âm nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên có một khu lưu niệm để tôn vinh nghệ thuật ĐCTT. “Đứa em” di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về đích sau hơn cả nhưng đã có hẳn một nhà lưu niệm dành riêng cho mình”...

Nguồn lực văn hóa nội sinh đã được phát huy cao độ trong một lễ hội quốc gia. Và đó là dấu ấn đậm nét đầy tự hào của văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu trong một nhiệm kỳ với một hệ thống chính trị chú trọng đầu tư cho sự phát triển toàn diện, trong đó lấy nền tảng văn hóa làm một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Bạc Liêu.

Lễ bế mạc Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014. Ảnh: H.T

THÀNH QUẢ CỦA SỰ  PHẤN ĐẤU MIỆT MÀI

Văn học - nghệ thuật (VH-NT) là một bộ phận tinh tế góp phần kiến tạo nên bản sắc văn hóa của một địa phương, bởi VH-NT góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội thông qua những tác phẩm khơi gợi và hướng đến khát vọng chân - thiện - mỹ của con người! Đội ngũ văn nghệ sĩ và lực lượng sáng tác nói chung ở Bạc Liêu đã thấm nhuần tư tưởng ấy, không chỉ qua những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành mà còn bằng chính sự đồng điệu, rung cảm của trái tim người nghệ sĩ luôn dành tình yêu cho quê hương, nhất là khi đứng trên mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa lại đang đổi thay từng ngày với tình người nồng hậu, chân chất, nghĩa tình. Đội ngũ văn nghệ sĩ Bạc Liêu đã không ngừng lớn mạnh, họ hăng say sáng tác và mang về những trái ngọt cho vườn ươm VH-NT Bạc Liêu. Tính từ thời điểm chia tách tỉnh đến nay, chưa bao giờ VH-NT lại gặt hái được nhiều thành tựu như nhiệm kỳ qua. Những tác phẩm VH-NT đoạt giải cao ở cấp quốc gia, khu vực như bút ký văn học “Biển trời no gió” của Thanh Chí, ca khúc “Nghe tiếng đờn kìm” của nhạc sĩ Lê Lương, kịch bản cải lương “Đào Duy Từ” của soạn giả Ngô Quốc Khánh, tác phẩm nhiếp ảnh “Vươn cao đón gió” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Thanh Liêm và rất nhiều tác phẩm khác nữa đã không chỉ góp chiến tích cho văn nghệ Bạc Liêu trên chặng đường vừa qua mà còn góp phần giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương trong mỗi sáng tác.

Cũng chưa khi nào như nhiệm kỳ qua, văn nghệ Bạc Liêu liên tục cho ra đời những tập sách ảnh về văn hóa - du lịch Bạc Liêu, giới thiệu những con người là những “tinh hoa nghệ thuật Bạc Liêu”, những tập bút ký, truyện ngắn, thơ, ca khúc, sách tài liệu về nghệ thuật ĐCTT… Đó cũng là cách gìn giữ những giá trị xứng đáng được gìn giữ, đem những giá trị xứng đáng phổ biến, quảng bá đến với nhân dân, với bè bạn gần xa…

Sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong các chính sách kinh tế - xã hội từ Trung ương đến các địa phương. Nhìn lại một nhiệm kỳ, Bạc Liêu có thể tự hào với những gì mình đã đầu tư cho văn hóa - văn nghệ để “trình” với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; và tự tin với “vốn liếng” mình đã tích lũy để bắt tay thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Những gì gặt hái được sẽ là nền móng vững chắc để bước tiếp con đường tương lai.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.