Văn hóa - Nghệ thuật
Về Long An thưởng thức những món ăn đậm chất đồng quê
Đến với Long An, vùng đất mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của miền Tây Nam bộ, du khách không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh sông nước hữu tình bên đôi dòng sông Vàm mà còn có thể thưởng thức những món ăn đậm chất đồng quê như bún xiêm lo Mộc Hóa, cá lóc nướng cuốn lá sen, lẩu mắm trứ danh hay bánh tét Thủ Thừa...
Bún Xiêm Lo Mộc Hóa - top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2022
Nếu có dịp đặt chân đến Long An, du khách nhất định phải thử qua món bún xiêm lo - đặc sản nổi tiếng của Mộc Hóa. Đây là món ăn nằm trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2022. Có lẽ chỉ nghe đến cái tên bún xiêm lo thôi là nhiều người có thể hình dung ra phần nào nguồn gốc của món ăn này. Bún xiêm lo là món ăn mang sự giao thoa của hai nền ẩm thực Việt Nam - Campuchia.
Bún xiêm lo Mộc Hóa là món ăn nằm trong Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam năm 2022.
Sau khi du nhập vào Long An, người dân khéo léo biến tấu và tạo nên một món bún xiêm lo đặc sắc, hợp khẩu vị người địa phương. Vẫn giữ nguyên thành phần cốt lõi của món ăn là chỉ sử dụng cá lóc và nghệ tươi nhưng biến tấu thêm vài miếng da heo luộc. Điểm đặc trưng tạo nên sự khác biệt của món bún xiêm lo là nước lèo được nấu từ cá lóc chứ không ninh từ xương heo nên rất thanh ngọt.
Để có một nồi bún xiêm lo chất lượng, cá lóc dùng để nấu phải là loại tươi. Sau khi làm sạch, phần đầu cá được cắt ra, đem luộc, phần thịt được quết làm chả có độ dẻo, dai, cắt thành miếng vuông hoặc vo tròn rồi nấu trong nước có nghệ băm nhuyễn. Sau đó, cả thịt cá và phần đầu sẽ được cho vào nấu trong nồi nước với hỗn hợp nghệ băm nhuyễn, muối, bột ngọt,... Mỗi người nấu sẽ có công thức riêng, cách nêm nếm khác nhau để tạo nên hương vị đặc trưng.
Một tô bún xiêm lo tròn vị là sự kết hợp của nước lèo thanh ngọt nấu từ cá lóc, những sợi bún nhuyễn, thớ cá vàng ươm với hương thơm đặc trưng của nghệ ăn kèm rau tai tượng, kèo nèo xắt nhỏ, giá, bông điên điển,... chấm muối ớt. Tất cả tạo nên một món ăn không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà màu sắc vô cùng hấp dẫn, bắt mắt. Thử muỗng bún xiêm lo với vị thơm của nghệ hòa với vị ngọt thanh của thịt cá và chút đắng chát nhẹ từ tai tượng, vị cay của muối ớt để trải nghiệm món ăn có sự giao thoa của 2 nền ẩm thực, chắc chắn du khách sẽ có sự trải nghiệm đầy thú vị.
Cá lóc nướng cuốn lá sen
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa.
Từ món ăn đậm chất đồng quê, ngày nay, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non trở thành món ăn chủ lực ở nhiều nhà hàng, khu du lịch,... để giới thiệu cùng thực khách gần xa.
Từ món ăn đậm chất đồng quê, ngày nay, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non trở thành món ăn chủ lực ở nhiều nhà hàng, khu du lịch,... để giới thiệu cùng thực khách gần xa. Cá lóc nướng trui có cách chế biến gần như dân dã, đơn giản nhất trong các món nướng. Cá lóc khi vừa bắt dưới sông lên, chỉ cần rửa sạch, để nguyên con rồi đem nướng đến khi vảy cá cháy đen, cạo bỏ lớp vảy.
Thịt cá sau khi nướng rất săn chắc, thơm ngọt. Tùy theo ý thích, khẩu vị mà người ta sẽ rưới thêm lên phần thịt cá một ít mỡ hành, tóp mỡ hay đậu phộng rang. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, đơn giản vậy thôi mà làm nên sự trải nghiệm về vị giác vô cùng thú vị, mới lạ và cuốn hút. Chính cái nếp dân dã, mộc mạc với hương vị ngọt thơm nguyên chất của con cá đồng khiến ai ăn rồi là nhớ mãi mùi rơm khói thân quen của đồng ruộng quê hương.
Lẩu mắm trứ danh miền Tây
Lẩu mắm là món ăn ngon, hấp dẫn của vùng sông nước miền Tây nói chung và Long An nói riêng. Lâu nay, lẩu mắm được lòng thực khách nhờ mùi hương đặc trưng, khó cưỡng. Với hương vị đậm đà từ sự kết hợp của các nguyên liệu dân dã như mắm, cá, mực, thịt, cà tím,... cùng các loại rau sẵn có tại địa phương và bí quyết nấu lẩu mắm đúng điệu miền Tây, nghe thôi đã cảm thấy vô cùng hấp dẫn.
Lẩu mắm là món ăn ngon, hấp dẫn của vùng sông nước miền Tây nói chung và Long An nói riêng
Một nồi lẩu mắm thơm ngon đúng điệu đòi hỏi các nguyên liệu phải tươi và sạch. Chọn được mắm cá linh, cá sặc ngon cũng là một trong những bí quyết để nấu lẩu mắm. Sau khi sơ chế các nguyên liệu, ninh nước hầm xương để lấy nước ngọt là đến công đoạn lọc mắm nấu lẩu. Cho nước vào nồi, nấu sôi, sau đó, cho mắm cá sặc và mắm cá linh vào, để hỗn hợp sôi khoảng 5 phút cho mắm tan hết thì tắt bếp. Sau đó, lọc mắm qua rây để loại bỏ phần xương của cá.
Đặt chảo lên bếp, phi thơm sả, tỏi, ớt thì cho thịt ba rọi vào xào chín. Cho phần mắm đã lọc và thịt ba rọi đã xào vào nồi nước hầm xương, nêm nếm lại gia vị vừa ăn là được. Sau khi chuẩn bị nước lẩu xong, đặt nồi lẩu lên bếp, xếp các nguyên liệu xung quanh và thưởng thức với bún.
Lẩu mắm ngon hơn khi ăn kèm với bông súng, bắp chuối, rau muống bào, rau đắng, bông điên điển,... Thịt, cá, mực, tôm nấu vừa chín tới, không quá mềm. Rau ăn đến đâu trụng đến đó để có độ giòn, ngon, giữ được chất dinh dưỡng. Lẩu mắm nóng hổi, bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm đặc trưng từ mắm cá linh và mắm cá sặc quyện với vị ngọt thanh, béo nhẹ từ tôm, mực và cá, thịt luôn kích thích vị giác của thực khách.
Bánh tét long an thơm ngon, mềm dẻo
Ở vùng đất Long An vốn nhiều lúa gạo và nếp ngon nên không khó để làm ra những đòn bánh tét thơm ngon, mềm dẻo. Và tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa, có một làng nghề bánh tét truyền thống ngon nức tiếng mấy chục năm nay. Bánh tét Thủ Thừa được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi độ dẻo của nếp, thơm ngon của nhân bánh và được gói khéo léo, tỉ mỉ.
Bánh tét Thủ Thừa có nhiều loại nhân cho du khách lựa chọn theo sở thích như nhân chuối, nhân mỡ, nhân dừa,... Mỗi loại sẽ có mùi vị đặc trưng khác nhau. Màu sắc của bánh tét đa dạng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bánh tét ở đây được nhiều người ưa thích. Để bánh có màu xanh hấp dẫn, người ta nhuộm màu bằng lá rau ngót, màu tím của lá cẩm và màu đỏ của trái gấc. Nhờ vậy mà những đòn bánh tét có màu sắc đẹp mắt, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bánh tét Thủ Thừa được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi độ dẻo của nếp, thơm ngon của nhân bánh và được gói khéo léo, tỉ mỉ.
Muốn đòn bánh tét vừa đẹp, vừa ngon thì lá chuối dùng để gói bánh được chọn từ những lá tươi xanh, to bản, không bị rách vụn. Gói bánh tét đòi hỏi cả quá trình chuẩn bị kỳ công. Trước khi gói, người thợ lau sạch phấn, bụi, tước lá ra thành từng khổ khác nhau dùng để quấn thân bánh hay gói đầu đòn bánh.
Mỗi đòn bánh được gói ít nhất 3 lớp lá vì nếu gói ít hơn bánh sẽ bị thấm nước trong lúc nấu, khi ăn bị bở, không ngon. Nếp dùng để gói bánh được chọn từ loại mới, dẻo, thơm. Nguyên liệu gói bánh được lựa chọn thật kỹ, đậu xanh tròn hạt, đều nhau, thịt ba rọi phải ngon,...
Người thợ sử dụng dây lác, dây bàng để buộc chặt bánh, vừa đẹp mắt, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dùng, đúng kiểu gói bánh truyền thống của các bà, các mẹ ngày xưa. Khi buộc bánh phải chắc tay, mỗi nấc dây đều nhau để không bị bung ra trong lúc nấu và giúp bánh tét giữ được lâu hơn mà vẫn dẻo, thơm ngon. Để phân biệt các loại nhân bánh, người thợ sẽ làm dấu đòn bánh tét khi gói xong như bánh nhân chuối sẽ để trơn, nhân đậu mỡ sẽ có dấu chữ thập,...
Sau khi gói xong, bánh tét được xếp ngay ngắn vào nồi. Thời gian nấu bánh từ 7 - 10 giờ, tùy vào từng loại bánh. Có dịp đến làng bánh vào đúng thời điểm các nồi bánh khổng lồ đang bốc khói nghi ngút, sẽ cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng quyện từ lá chuối, nếp.
Theo những người nấu bánh, khi nước nguội hẳn mới lấy bánh ra và đem treo cho ráo nước, làm như vậy bánh mới dẻo và ngon. Những đòn bánh tét đều tăm tắp quả là sự kỳ công từ những đôi bàn tay khéo léo cùng với công thức riêng tạo nên món ăn đậm hương vị truyền thống của địa phương.
Nguồn: Báo Long An
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- BIDV Bạc Liêu: Tích cực với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Hãy tỉnh táo trước các chiêu trò “tín dụng đen” dịp cuối năm
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người