Văn hóa - Nghệ thuật
Viện Âm nhạc: Đề xuất về việc bảo tồn, phát huy giá trị hò chèo ghe và điệu nói thơ Bạc Liêu
Viện Âm nhạc (thuộc Học viện quốc gia Việt Nam) đã có công văn đề nghị tỉnh Bạc Liêu phối hợp, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án sưu tầm, nghiên cứu hò chèo ghe và điệu nói thơ tỉnh Bạc Liêu. Một đề xuất gợi mở con đường gìn giữ và lưu truyền, phát huy giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có điệu nói thơ Bạc Liêu.
“Bảo vệ khẩn cấp”
Nhiều năm qua, Viện Âm nhạc đã lần lượt tiến hành sưu tầm, nghiên cứu các loại hình dân ca, dân nhạc đặc sắc của các dân tộc thuộc các vùng, miền trên phạm vi cả nước nhằm bảo tồn, lưu truyền và quảng bá các di sản đó, làm giàu thêm vốn di sản văn hóa của dân tộc. Đó cũng chính là nhiệm vụ mà Nhà nước và Bộ VH-TT&DL giao phó cho đơn vị chuyên môn này. Viện Âm nhạc đang thực hiện chủ trương tập trung tiến hành nghiên cứu những di sản âm nhạc ở các tỉnh ĐBSCL. Hò chèo ghe và điệu nói thơ Bạc Liêu đã được Viện đưa vào danh sách những di sản cần được nghiên cứu, sưu tầm để bảo vệ.
![]() |
Chèo ghe trên sông. Ảnh minh họa: B.T |
Từ nguyên nhân đó, Viện Âm nhạc muốn thực hiện đề án sưu tầm, nghiên cứu 2 loại hình nghệ thuật tiêu biểu và đặc sắc trên của tỉnh nhằm bảo tồn, gìn giữ trong kho tàng âm nhạc dân gian nước nhà và góp phần giới thiệu, quảng bá tới công chúng. Mặt khác, công trình nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm những tư liệu khoa học xác thực chứng minh và làm rõ thêm những giá trị của di sản trên các phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như sức sống, sự ảnh hưởng và lan tỏa của nó tới đời sống cộng đồng địa phương.
Cần sự phối hợp
Để thực hiện đề xuất này, tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc nêu rõ yêu cầu cần sự hợp tác của UBND tỉnh Bạc Liêu và Sở VH-TT&DL tỉnh: “Do điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Viện để thực hiện nhiệm vụ này còn rất hạn hẹp, vì vậy để công việc được thực thi nhanh chóng, thuận lợi và đạt hiệu quả tốt, chúng tôi đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình từ phía địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính để cùng nhau hợp sức thực hiện tốt đề án trên nhằm bảo tồn, lưu truyền và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bạc Liêu, của Việt Nam…”.
Chúng tôi nhận thức rằng, đây là một đề xuất rất phù hợp với tâm huyết và nguyện vọng của những nghệ nhân am hiểu sâu sắc giá trị các loại hình nghệ thuật bản sắc của địa phương, trong đó có điệu nói thơ Bạc Liêu và hò chèo ghe; và đây cũng là cơ hội để Bạc Liêu ghi thêm 2 di sản văn hóa mới vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia nếu chúng ta thực hiện dự án này một cách nghiêm túc! Đề xuất của Viện Âm nhạc phải chăng chính là động thái “bật đèn xanh” để Bạc Liêu có những định hướng sát hợp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của địa phương, con đường dài và rộng hơn là quảng bá rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế những giá trị tinh hoa vô giá mà cha ông đã để lại, góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Công văn của Viện Âm nhạc đã gửi đến UBND tỉnh Bạc Liêu và Sở VH-TT&DL tỉnh từ đầu tháng 4/2014. Cho đến nay, đề xuất của Viện Âm nhạc vẫn đang chờ… hồi âm của tỉnh Bạc Liêu!
CẨM THÚY
- Kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Hội thảo và tuyên dương tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 1975 - 2025
- Công bố Quyết định hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu
- Phát động Tháng công nhân - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025”