“VUN GỐC” ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ Tư, 03/05/2023 | 15:16

>> Bài 1: SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

Bài 2: Dấu ấn cốt cách Bạc Liêu

Đan xen bộn bề nhiệm vụ đưa tỉnh không ngừng phát triển, Bạc Liêu luôn chú trọng cái gốc văn hóa và con người sở tại. Bởi, vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng và giàu vốn liếng về những giá trị văn hóa (vật thể lẫn phi vật thể) đã sớm xác định đó vừa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, đồng thời là cách tạo “cốt cách Bạc Liêu” - dấu ấn riêng để thu hút, mời gọi nguồn lực ngoại sinh.

Bài vọng cổ “Ơn Đảng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn trong chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T

TRI ÂN QUÁ KHỨ

Trong nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tri ân quá khứ - bài học đầu đời để vun đắp hệ giá trị đạo đức truyền thống cho thế hệ tương lai - là một trong những định vị cho bản sắc văn hóa, con người Bạc Liêu.

Hình ảnh và lời thuyết trình về “Con tàu không số” được trưng bày tại Thư viện tỉnh trong đợt triển lãm sách, tư liệu nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) đã gây xúc động trong nhiều bạn trẻ! Có em gỡ kính lau nước mắt khi nghe câu chuyện về “lễ truy điệu sống” các thủy thủ trước khi khởi hành những chuyến tàu không số. Các em được biết rằng, khi bị địch phát hiện thì các chiến sĩ ấy phải tự kích nổ tàu, nghĩa là phải hy sinh để giữ bí mật tuyệt đối cho hành trình vận chuyển vũ khí, cho đồng đội mình! Rồi những cuộc thi kể chuyện Bác Hồ thường xuyên được tổ chức ở Bạc Liêu, gần như lần nào cũng có nước mắt của người kể và người nghe. Những búp măng non chưa từng gặp mặt Bác Hồ mà đã kính yêu Bác từ sâu thẳm tâm hồn trẻ thơ, bởi những bài học thấm đẫm tình yêu bao la, lời dạy gần gũi của Bác dành cho mình!

Chúng ta càng hiểu và thấm thía hai tiếng “thiêng liêng” trong giây phút trầm mặc tưởng niệm các anh linh liệt sĩ trước khói hương nghi ngút, bên tràng hoa với dòng chữ in đậm “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Khoảnh khắc ấy đủ bật thành lời tri ân tự vang trong tâm khảm bao người! Những lễ tưởng niệm công lao các anh - những người đã đổ máu xương cho đất nước, dân tộc mà Bạc Liêu tổ chức trang trọng trong những ngày lễ hay dịp mừng Đảng, mừng Xuân chính là bức thông điệp được gìn giữ và lưu truyền: Người Bạc Liêu sống trong hạnh phúc hiện tại không thể nào quên công ơn lịch sử, quá khứ và những người đã ngã xuống! Rồi Giỗ Tổ Hùng Vương, giỗ Bác, sinh nhật của Người, tục lập bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ gia tiên trong ngày Tết dân tộc, kỷ niệm sự kiện Đồng Nọc Nạng, trận đánh oai hùng ở Thánh thất Giồng Bốm..., tất cả đều được tổ chức một cách trang trọng, thành kính nhất!

Trong kho tàng phong phú của những tác phẩm văn học - nghệ thuật ngợi ca truyền thống cách mạng trên đất Bạc Liêu, bài vọng cổ “Ơn Đảng”, hay “Bạc Liêu ngày ấy” của cố soạn giả Trọng Nguyễn có thể xem là bản báo công ấn tượng bằng bút pháp nghệ thuật. Những bản hùng ca kinh điển ấy luôn được trình diễn trong không gian trang trọng vào mỗi dịp lễ ở Bạc Liêu! “Nhờ ơn Đảng cứu sống đời con qua đêm tối kinh hoàng” như lời tạc ghi gửi vào lịch sử. Những tác phẩm, sáng tác trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí ở Bạc Liêu, cái nội hàm tri ân quá khứ luôn là họa tiết sinh động. Bởi người viết, người sáng tác muốn giữ cho quá khứ hào hùng sống mãi với thời gian, trở thành bài học, hành trang nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, dựng xây hoài bão, lý tưởng cống hiến cho thế hệ hôm nay và tương lai.

Mô hình “Con tàu không số” được xếp từ sách tại Thư viện tỉnh thu hút sự quan tâm của các em học sinh khi tham quan, tìm hiểu.

VUN ĐẮP TƯƠNG LAI

Vụ bạo lực học đường mới đây, xảy ra ngay ở một ngôi trường tiểu học có bề dày thành tích trong dạy và học của TP. Bạc Liêu, là một trăn trở quá lớn, và là “cú sốc” không riêng của ngành Giáo dục! Ở đây, không có ý khơi lại vết đau đó. Chỉ nhắc, xin đừng vì một khiếm khuyết thuộc về trách nhiệm của nhiều bên mà “đả kích” và quy chụp trách nhiệm phiến diện cho ngành Giáo dục. Đã có biết bao thế hệ thầy, trò ở Bạc Liêu - những người đưa đò cần mẫn và những trò ngoan ra sức giảng dạy, học tập để cùng dày công vun đắp thành tựu cho quê hương, đất nước.

Không hiếm bắt gặp ở Bạc Liêu cuộc gặp gỡ sau 20 năm, 30 năm... đong đầy cảm xúc! Những trò thành đạt trở thành những hạt nhân ưu tú cho đất nước, là phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, giám đốc, kỹ sư, cán bộ giữ nhiều chức vụ quan trọng... thành công và thành danh trên khắp mọi miền đất nước. Thành tựu tự thân của các trò chính là món quà ý nghĩa nhất dâng tặng thầy cô thay lời tri ân! Gặp nhau, bè bạn cùng ôn lại ngày lễ ra trường đầy nước mắt của nghĩa thầy trò, tình bè bạn cách đó mấy mươi năm. Vậy đó, trường học, đối với bao thế hệ học trò Bạc Liêu đâu chỉ là bục giảng mà còn là mái nhà ấm áp thứ hai đong đầy yêu thương, để trong môi trường đó, được nuôi nấng lớn lên, hoàn thiện về nhân cách lẫn tài năng.

Mới đây thôi, một cô bé nhỏ nhắn của Bạc Liêu làm nên kỳ tích không hề nhỏ trên phạm vi cả nước: Trạng nguyên Tiếng Việt khối 4 - Phạm Võ Thủy Ngọc là học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu). Cô bé với hàng loạt thành tích học tập “siêu khủng” khiến ai biết đến cũng đều nể phục. Rồi những gương mặt nhân tài nhí ở một lễ vinh danh khuyến tài mới đây, trong đó có không ít bạn nhỏ tật nguyền không chấp nhận đầu hàng số phận mà vươn lên bằng ý chí đáng khâm phục... Tất cả đều là những mầm non đáng tự hào và là nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.

Khi nhắc việc chú trọng nhân tố văn hóa, con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam “hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”. Học tập và làm theo lời di huấn của Bác, Bạc Liêu luôn chú trọng chăm lo cho thế hệ tương lai, bằng những lễ tuyên dương, khen thưởng đột xuất, những suất học bổng hỗ trợ kịp thời tạo động lực cho các em. Đồng thời, xây dựng, chăm bồi nhân cách, trao truyền tri thức, kỹ năng, vốn sống cho các em cũng luôn là nhiệm vụ thường trực của các cấp, các ngành, mỗi nhà trường cũng như gia đình. Riêng những “hạt sạn” hiếm hoi, dù chỉ là gợn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước rộng lớn, nhưng cũng thật cần để chúng ta cùng nhìn lại trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng nhân cách cho những mầm non - thế hệ tương lai đất nước!

Sự vun đắp từ cội rễ văn hóa là để mỗi công dân được thành nhân trước khi thành danh, lấy hệ giá trị đạo đức làm nền tảng, sức mạnh nội sinh, hành trang vào đời để tiếp tục làm giàu tri thức. Và cũng là để xây dựng nên cốt cách Bạc Liêu, định hình điểm nhấn văn hóa Bạc Liêu nhằm khởi động hành trình phát triển.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.