Vườn nhãn Bạc Liêu

Thứ Hai, 07/09/2020 | 16:45

Nhỏ bạn từ phương xa nhắn tin: “N. ơi, vườn của em họ mình có nhãn rồi đó. Đăng Facebook bán dùm đi. Năm nay, nhãn trúng mùa lắm, nhưng giá lại thấp. Tội nghiệp, rủ bạn bè ủng hộ nó…”.  Đọc tin nhắn, bất chợt nghĩ đã bao lâu rồi mình không đi vườn nhãn, một sở thích, một thói quen từ bé của mình…

Người dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) thu hoạch nhãn. Ảnh: P.T.C

Sáng thứ Bảy, bầu trời như trong xanh hơn sau những ngày mưa dầm. Tôi và cô bạn đèo nhau trên xe máy, xe bon bon trên con đường thẳng tắp, hai bên đường hoa dại đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng dịu dàng của buổi sớm mai. Mải miết tận hưởng những làn gió biển, mùi hương của nhãn, sắc màu của lá hoa… xém chút tôi đi huốt vườn nhãn của em nhỏ bạn.

Đón chúng tôi là một người đàn ông tự giới thiệu tên Đức, ban đầu tôi thấy lạ, nhưng khi người đó cười và cất lời chào tôi có cảm giác thấy quen. Bởi trên 20 năm qua tôi đã không gặp anh. Anh kể đã từng đi làm trên TP. Hồ Chí Minh, nhưng khoảng 3 năm nay gia đình đơn chiếc nên anh về trông coi vườn nhãn. Anh khoe, được cái trước đây anh làm công việc liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nên tích cóp một vài kinh nghiệm chăm sóc cây nhãn cho nhiều trái, và cách làm thế nào cho trái nhãn đạt chất lượng hơn.

Ngồi dưới những gốc nhãn trái sum sê huyên thuyên với anh về vườn nhãn, về các giống nhãn, về vị ngọt, hương thơm của nhãn, không quên check-in vài bức ảnh… Thế là ký ức về vườn nhãn xưa lại ùa về.

Ngày đó, tôi nhớ mùa nhãn chín rộ tầm rằm tháng 7 đến tháng 8 âm lịch. Nghỉ hè, làm gì có khái niệm đi du lịch. Đi vườn nhãn là xa xỉ lắm rồi. Những năm tôi học lớp 1, lớp 2, chế tôi học lớp 9, 10 gì đó, bạn bè của chế rủ nhau Chủ nhật đi vườn nhãn. Thế là tối đó bạn bè hùn tiền để sáng mai mua bánh mì, chả lụa, rồi mua thịt về khìa nước dừa để mang theo, buổi trưa cùng nhau ngồi dưới những tán cây nhãn to đùng vừa dùng bữa trưa. Lớn lên một chút, tôi lại cùng với chúng bạn đạp xe đạp ra tận vườn nhãn… Vì thế ký ức về vườn nhãn không khi nào phai nhạt trong tôi!

Vườn nhãn Bạc Liêu, cách trung tâm thị xã (giờ là thành phố) đâu có bao xa, nhưng muốn đi là cả một kỳ công! Bởi ngày trước, việc đi lại rất vất vả, đâu có lộ nhựa thẳng tắp xe chạy chưa đầy 20 phút là tới nơi như bây giờ. Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa thì mình mẩy lấm lem. Ngày đó trong nhóm mấy anh chị bạn chế tôi có vài người có xe Honda 67 và thuê xe ôm thêm mới đi đủ và tôi nghiễm nhiên được ngồi trên bình xăng cho đỡ choáng chỗ.

Ngày đó, còn có một phương tiện nữa là đi đò để vô vườn nhãn. Bến đò nằm ngay chợ Phường 3 cũ, chạy theo kênh đường cầu số 3, đập lớn. Nói đò chứ nó chỉ lớn bằng chiếc ghe, dưới lòng ghe chất đầy hàng hóa, người ngồi hai bên be rất chông chênh. Vì thế rất dễ xảy ra các vụ chìm đò…

Đang miên man nhớ về những thước phim đẹp, bỗng Đức đưa cho tôi một chùm nhãn trái thật to, anh giải thích để cho quả to, thịt dày, giòn và để được lâu ngày thì phải chăm sóc kỹ và bán với giá cao hơn. Thế nhưng, anh không ngại, miễn sao trái nhãn vừa đẹp, thơm và ngon thì dù cực thế nào anh vẫn cố gắng. Đặc biệt, năm nay anh còn cho khách vào vườn tham quan và thưởng thức nhãn từ trên cây nữa. Tôi thầm nghĩ, du lịch Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển khi có sự đồng hành của người dân để du khách trải nghiệm về du lịch nông nghiệp.

Bất chợt tôi có một suy nghĩ mạo muội là xây dựng câu chuyện về vườn nhãn Bạc Liêu rồi kể cho du khách nghe cũng hấp dẫn, ly kỳ lắm đây! Nhất là câu chuyện ấy được chính người con, người cháu của những chủ vườn nhãn kể về vùng đất này, vùng đất cát ven biển đã làm nên thương hiệu nhãn Bạc Liêu thơm ngon, nức tiếng từ xưa đến nay…

Phương Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.