Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 27/12/2024 | 15:42

Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XV về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về “xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại” đều xác định nhiệm vụ trọng tâm là “đẩy mạnh phát triển du lịch và đưa TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh”.

Du khách tham quan Cụm nhà Công tử Bạc Liêu.

DU LỊCH PHÁT TRIỂN NHANH

Theo Sở VH-TT&DL, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 02, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển nhanh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2023, thành phố đã đón 5,86 triệu lượt khách, tăng 109,3% so với giai đoạn 2020 - 2021 và tổng doanh thu du lịch trên 5.900 tỷ đồng, tăng 115% so với giai đoạn 2020 - 2021.

Một trong những bài học thành công được rút ra chính là TP. Bạc Liêu đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời ban hành các đề án, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch. Qua đó, hạ tầng du lịch và các dự án phát triển du lịch được quan tâm đầu tư, hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch và các điểm du lịch tiêu biểu được nâng cấp. Đến nay, thành phố có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có hơn 20 khách sạn đạt chuẩn sao; 10 điểm đến được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là du lịch tiêu biểu cấp vùng. Bên cạnh đó, nhiều công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố cũng được trùng tu, nâng cấp như: Di tích Đồng hồ đá Thái Dương, chùa Xiêm Cán, Khu Quán âm Phật đài, Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát. Ngoài ra, thành phố còn duy trì, phát triển thêm các câu lạc bộ đờn ca tài tử, mô hình xe điện tham quan thành phố…

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, du lịch TP. Bạc Liêu vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Tiến độ thực hiện một số dự án về du lịch vẫn còn chậm, chưa phát huy hết hiệu quả để thu hút du khách; chưa huy động được tối ưu nguồn lực tài chính phục vụ phát triển du lịch; còn thiếu các công trình, dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao, trạm dừng chân trên các tuyến du lịch trọng điểm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh, đặc biệt là các dự án phục vụ phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố…

Du khách tham quan và chiêm bái tại Khu Quán âm Phật đài.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Để phát huy thế mạnh về du lịch và đưa TP. Bạc Liêu xứng tầm là trung tâm du lịch của tỉnh, cũng như trở thành trung tâm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu tập trung tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau: Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đối với địa bàn trọng điểm, động lực phát triển du lịch. Tập trung kêu gọi đầu tư và đẩy mạnh triển khai các dự án dịch vụ du lịch, như: các khách sạn đạt chuẩn từ 4 - 5 sao, hệ thống nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển, kinh doanh thương mại, chợ đêm, giải trí về đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực… để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu là Bến Liêu Giang, Phố Dạ cổ, Khu công viên - nhạc nước… gắn với mô hình kinh tế đêm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở đang tích cực kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư các dự án dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, cụ thể là hỗ trợ các điều kiện, thủ tục để công nhận khách sạn Công tử Bạc Liêu đạt chuẩn 4 sao sau khi dự án hoàn thành; hỗ trợ chủ đầu tư tòa nhà Bạc Liêu 18 tầng đầu tư nâng cấp thành nhà hàng, khách sạn; hỗ trợ Tập đoàn Văn Lang thực hiện các thủ tục đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Vườn chim Bạc Liêu; tiếp cận và hỗ trợ nhà đầu tư dự án du thuyền trên sông trên cơ sở tận dụng bến cảng cặp kênh 30/4 đã được đầu tư tại Khu dân cư Phường 2… 

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Bạc Liêu trên thị trường du lịch, như: Nâng cấp sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển… Đặc biệt là phối hợp với các ngành, địa phương triển khai hiệu quả Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Lễ hội dân gian - một trong những thế mạnh về du lịch văn hóa của TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Sở VH-TT&DL cùng với Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thị trường du lịch trọng điểm của cả nước. Đồng thời, tăng cường liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối giữa 3 bên gồm nhà quản lý - cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - khu, điểm du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác nắm bắt thị trường khách du lịch và đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch đến với Bạc Liêu. Thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tua tuyến du lịch với các địa phương có du lịch phát triển, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, trọng tâm là xây dựng và triển khai quản lý du lịch thông minh trong Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần đưa du lịch Bạc Liêu nói chung, TP. Bạc Liêu nói riêng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sở VH-TT&DL còn phối hợp với Thành ủy, UBND TP. Bạc Liêu tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở kinh doanh du lịch cả về quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch, các cơ sở đào tạo của tỉnh bổ sung hoặc mở rộng chức năng để đào tạo nhân lực du lịch cho tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững…

TRẦN THỊ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.