Ký ức một thời

Xe đạp ơi…

Thứ Sáu, 22/04/2022 | 17:02

Buổi tối một ngày đầu mùa mưa 2022, ở nhà vườn của một người anh, có một cuộc trà dư tửu hậu của các ông anh làng báo Đồng bằng sông Cửu Long. Câu chuyện mỗi lúc mỗi đậm đà, “đậm đặc” dần lên khi những mái đầu bạc có, “muối tiêu” có, chụm vào nhau cho những câu chuyện một thời trai trẻ được khơi dậy, cho ký ức một thời chờ chực ùa về.

Chuyện của một nhà báo đã nghỉ hưu. Là sĩ quan an ninh, nghiệp duyên đưa anh rẽ ngang, rồi thành danh trong nghề báo; từng có những bài viết gan ruột, tâm huyết về miền đất Bạc Liêu. Chuyện rằng: chỉ với chiếc xe đạp “đòn dong” (xe sườn ngang) cùng tấm chân tình, anh đã chinh phục được một người đẹp xứ Tây Đô, anh chị nắm tay nhau xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Vị thế chiếc “xế điếc” (từ lóng một thời, chỉ chiếc xe đạp) đang quá đỗi bình thường đã nghiễm nhiên trở thành tuấn mã huyền thoại khi đã đắc lực trợ giúp cho anh trở thành “Sơn Tinh”, trước những “Thủy Tinh” dập dìu “xể nổ”, “xế hộp” (từ lóng, chỉ xe Honda, xe ô tô), với những nào là… “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.

Có nhiều lắm những ai không, khi đọc đến đây đang hồi nhớ về một thuở “xe đạp ơi” của mình?! Chắc là nhiều lắm!“Xe đạp ơi đã xa rồi còn đâu. Mối tình thơ thoáng như một giấc mơ. Xe đạp ơi những vất vả ngày ấy. Cho lòng tôi nhớ thương hoài chẳng nguôi…”. Chứ còn thì, như người viết bài này, đang nhớ lắm một thuở “xe đạp ơi”, cái thời “quay đều quay đều những vòng xe” ấy vậy.

Là cái thời những đứa học trò phổ thông trung học Bạc Liêu quá “siêng năng”, “cần mẫn”, “tận tụy” hết chuyến đi này đến chuyến đi khác, cùng những “xế điếc” của cái nhóm mệnh danh là “băng pit-nhit”. Thời của thị xã Bạc Liêu những năm cuối giai đoạn bao cấp, những chỗ nơi vui chơi còn thiếu thốn nhiều lắm. Mùng Hai tết năm nào “băng pit-nhit” cũng hẹn hò nhau đạp xe từ thị xã Bạc Liêu lên Hồ nước ngọt Sóc Trăng, chơi ở đó cả ngày trời rồi chiều lại đạp xe về. Dịp 2/9 hằng năm cũng là mùa nhãn, năm nào cũng lóc cóc chở nhau ra Giồng Nhãn - Hiệp Thành… Còn lại thì, đạp xe lòng vòng, loanh quanh những con đường vừa nhỏ hẹp, vừa bụi bặm, vừa la liệt những ổ gà, ổ voi… trong thị xã. Cái trò chạy xe vùn vụt, buông cả hai tay, ngời ngời dọc tuyến đường Trần Phú đã khiến “ông già tía” của người viết bài này, khi bắt gặp tại trận, đã “áp dụng lệnh cấm vận đạp xe” đúng một tháng trời, mặc cho trời mưa, trời nắng, đi học trễ; trong lúc chiếc xe nhàn hạ đứng dựa vách nhà như giễu ngươi một “cua-rơ” tay ngang đang hết sức hoàn cảnh nên phải…  “hoảnh càng”.

Ảnh minh họa: Internet

Những tháng ngày “xe đạp ơi” hồi ấy, đứa trò nghèo có được món tiền mọn nào, ngoài việc nhín dành trả tiền chầu nước ngoài hàng me đường Trần Phú, thì chủ yếu còn lại dành để o bế cho chiếc xe đạp cưng, bởi “xế điếc” thời đó chính là biểu tượng kiêu hãnh của một chú học trò cấp ba trường chợ, có thể ví như kiêu hãnh của chàng kỵ binh bên con chiến mã của mình. Ai bán phụ tùng xe đạp cho mấy chú trò này, mau giàu phải biết. Bởi bọn chúng đua nhau liên tục nâng cấp, thay thế phụ tùng; mua những cục gôm chuyên dụng về, hì hục chùi ghi-đông, ba-ga, căm, niềng, vè, bù-loong con tán inox sáng bóng. Có đứa sắm chiếc xe “đòn dong”, tháo bỏ ba-ga; ai đi quá giang xe phải ngồi trên cái đòn dong ấy. Đi chơi xa, đường dằn, xóc, cũng… ê mông lắm vậy! Ngẫm lại thấy thương cho cái niềm ước mong thao thiết của chú trai mới lớn, ấy là mong lắm có một lần nào được chở người bạn gái mà mình thích trên chiếc “đòn dong” ấy, nay gần 60 mùa luộc bánh tét ăn Tết rồi mà vẫn chưa thành tựu ước nguyện thuở hoa niên.

Đâu cũng hơn 25 năm về trước, gã cựu học trò phổ thông trung học Bạc Liêu, nhờ vào giúp đỡ của gia đình, có được chiếc honda cub “nghĩa địa”. Có được “xế nổ” rồi, những tưởng chuyện về “xế điếc” sẽ vĩnh viễn khép cùng cái thuở “… nhớ khi xưa anh chở em, trên chiếc xe đạp cũ…”. Nhưng không! Ở vào độ tuổi U60, một ngày đẹp trời nọ, khi thành phố xứ Bạc Liêu này vừa thôi giãn cách, gã cựu học trò bỗng cục cựa nỗi niềm “xe đạp ơi” mà ém vợ tiền đổ xăng honda, thỉnh về nhà một chiếc xe đạp mới coóng, loại xe các bà, các chị vẫn dùng để đi chợ hàng ngày. Đem về, chế thêm một miếng ván nhỏ gắn vào thay cho cái “đòn dong” huyền thoại ngày nào, chiều chiều đặt chú cún con lên đó, thong dong nhấn những nhịp pê-đan dọc theo những con đường thanh vắng địa ốc, Hồ Nam… Trong bảng lảng hương đồng gió nội, trong vấn vít hoài niệm không đầu không cuối về một thuở học trò, nghe “khỏe trong mình gì đâu” và an yên đến lạ lùng.

Ủa ủa, vậy thì phải nói lời cảm ơn những vòng xe quay đều, quay đều ngay thôi chứ. Đặng mà sẵn trớn quá giang câu rằng: thương lắm, nhớ lắm - xe đạp ơi!

Nguyễn Văn Lành

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.