Văn hóa - Nghệ thuật
Xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”: Cần bổ sung một số lĩnh vực và đối tượng phù hợp
Đại biểu Quốc hội - Trần Thị Thu Đông trình bày ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Trần Huấn (Báo Văn hóa)
Trước thềm Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam - Trần Thị Thu Đông đã có thư gửi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) (sửa đổi) đối với việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (NSND, NSƯT). Xung quanh nội dung này, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - Trần Thị Thu Đông cho biết:
Dự án Luật TĐ-KT (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TĐ-KT hiện hành, bổ sung những vấn đề mới phát sinh để phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa phù hợp, tôi đã 2 lần góp ý tại diễn đàn Quốc hội nhưng chưa được Ban Soạn thảo tiếp thu. Đó là nội dung việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Dự thảo Luật TĐ-KT (sửa đổi) dành 5 điều (từ Điều 65 - 69) quy định về danh hiệu, giải thưởng, đối tượng, tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu hoặc giải thưởng cao quý dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VH-NT). Nhưng còn một số bất cập trong việc xét đối tượng.
PV: Bà có thể nói rõ những bất cập đó là gì?
NSNA Trần Thị Thu Đông: Hoạt động VH-NT bao gồm 9 lĩnh vực (9 chuyên ngành): Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Sân khấu, Âm nhạc, Múa, Văn học và Văn nghệ dân gian. Dự thảo luật lần này chỉ quy định đối tượng của 6 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh (có các đối tượng là diễn viên, đạo diễn, quay phim), Mỹ thuật (có đối tượng là họa sĩ), Sân khấu (có các đối tượng là chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên), Âm nhạc (có các đối tượng là nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc), Múa (có các đối tượng là diễn viên, biên đạo); Điều 66 có quy định danh hiệu cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa (bao gồm lĩnh vực Văn nghệ dân gian). Như vậy, còn lại 3 lĩnh vực là Nhiếp ảnh, Kiến trúc và Văn học chưa được đề cập để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Mặt khác, trong 6 lĩnh vực đã được đề cập thì đối tượng được quy định trong mỗi lĩnh vực không đầy đủ, chưa phù hợp. Cho thấy văn bản luật chuẩn bị có phần chưa được kỹ và chưa lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri, của văn nghệ sĩ cả nước và đại biểu Quốc hội.
Văn học là một trong 3 lĩnh vực được Đại biểu Quốc hội - Trần Thị Thu Đông đề xuất là lĩnh vực cần được bổ sung xem xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong ảnh: Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức tại Bạc Liêu). Ảnh: C.T
PV: Dựa trên những căn cứ nào để yêu cầu việc xét tặng danh hiệu cho các lĩnh vực, đối tượng chưa được đề cập, thưa bà?
NSNA Trần Thị Thu Đông: Trong lĩnh vực Nhiếp ảnh, nhiều NSNA đã có cống hiến lớn cho xã hội, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục chân, thiện, mỹ cho Nhân dân. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, nhiếp ảnh đã tham gia phục vụ kháng chiến. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, các NSNA tiếp tục cống hiến, tham gia và đoạt giải các cuộc thi quốc tế, mang vinh quang về cho đất nước. Những tác phẩm đoạt giải thưởng lớn có thể xem là di sản văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc. Do đó, các NSNA cần được xem là đối tượng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Trong lĩnh vực Kiến trúc, mỗi công trình kiến trúc đẹp là một tác phẩm nghệ thuật, nhất là những mô hình mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, được trao các giải thưởng. Do đó, mỗi kiến trúc sư là một nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc, họ cần được xem là đối tượng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Trong lĩnh vực Văn học, những tác phẩm văn học đoạt giải thưởng cao đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục chân - thiện - mỹ cho Nhân dân. Do đó, nhà văn cũng là nghệ sĩ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực VH-NT. Nên họ cũng cần được xem là đối tượng để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nếu đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
Trong lĩnh vực Sân khấu, dự thảo luật có đề cập 2 đối tượng được xét tặng danh hiệu là chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên, còn các soạn giả - người viết ra những kịch bản sân khấu, những bài ca thuộc 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài và bản vọng cổ sống mãi với thời gian (với tư cách là tác giả sáng tác) - lại không nằm trong đối tượng được xét tặng danh hiệu trong khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
PV: Có ý kiến cho rằng những văn nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực sáng tác đã có giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước thì không cần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Vậy, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
NSNA Trần Thị Thu Đông: Ban Soạn thảo dự thảo Luật TĐ-KT (sửa đổi) cũng lý giải vấn đề này theo cách nghĩ trên, nhưng lý giải vậy chưa thuyết phục. Cần hiểu rằng, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước là giải thưởng dành cho tác phẩm, còn danh hiệu NSND, NSƯT là dành cho sự nghiệp cống hiến của nghệ sĩ. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, vì trong thực tế, các nghệ sĩ đã được tặng danh hiệu NSND, NSƯT vẫn được và đã từng được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
Để khắc phục những bất cập làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của giới văn nghệ sĩ, tôi đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với Ban Soạn thảo dự án Luật TĐ-KT (sửa đổi), Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT&DL bổ sung các nghệ sĩ thuộc 3 lĩnh vực Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn học là đối tượng để xem xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; và trong lĩnh vực Sân khấu cần bổ sung đối tượng là các soạn giả.
Nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ góp phần để Luật TĐ-KT (sửa đổi) khi được thông qua tạo được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, có sức động viên lớn đối với đội ngũ văn nghệ sĩ - một lực lượng đang ngày đêm đem tài năng, công sức cống hiến cho đất nước.
PV: Xin cảm ơn bà!
CẨM THÚY (thực hiện)
- Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Đại biểu HĐND tỉnh và TP. Bạc Liêu tiếp xúc cử tri Phường 7 và 8
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phước Long tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Phú Tây
- Ông Phạm Hoàng Minh tiếp tục giữ chức Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
- LĐLĐ tỉnh: Triển khai hướng dẫn xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa