Ký ức một thời

Xin trả tôi về những ngày xưa..

Thứ Sáu, 16/04/2021 | 15:16

Bức ảnh tôi chụp đám con cháu mình đang ngồi nhóm bếp nấu ăn - một trong những trò chơi của con nít - vô tình nhận được trên 2.000 lượt “like” (thích) của cộng đồng mạng! Tôi không nghĩ ra tấm ảnh mình chụp chơi, đăng cho vui, lại có độ “câu like” cao như vậy. Thằng cháu nó tag tên tôi vô một trang cộng đồng đã lấy bức ảnh ấy đăng lên, tôi nhấp vô xem mới hay những trò chơi trẻ con kiểu ngày xưa như thế lại có sức hút người ta như vậy.

Ảnh minh họa: Internet

Facebook lâu lâu lại có những bài đăng khiến ta nhớ về ngày xưa da diết. Hình như cũng có nhiều người cùng tâm trạng này, nên họ chia sẻ những trang chuyên đăng tải hình ảnh tinh nghịch của trẻ con ngày xưa, với những status như: “Ai biết trò này chắc cũng đã U40 trở lên”, “Xin trả tôi về những ngày xưa nhỏ bé”, “Cảm ơn đời vì đã cho tôi một tuổi thơ không có Internet”…

Ngày xưa đó có gì mà “lôi kéo” nhiều người muốn trở về, hoặc là luôn tràn đầy trong tâm thức bao kỷ niệm khi ai đó vô tình khơi gợi. Ít nhất, ở đó là không gian bao la của những trò chơi chỉ tuổi thơ xưa mới có. Là những buổi tắm đìa, lặn ngụp bờ ao, móc sình đất chọi nhau chí chóe. Giờ mà chơi trò này chắc nhiều đứa trẻ không dám, vì cho rằng nó dơ bẩn. Thích nghịch nước, nhưng các cháu chỉ quen được đi bơi ở những hồ bơi hoặc bãi tắm khi du lịch biển. Là trò chơi súng ống thụt, lấy một nhánh trúc chừng 5 tấc làm súng và vo giấy ướt thành viên tròn, hoặc tìm những trái bố có hình tròn, vừa với đầu súng để làm “đạn” bắn. Có đứa bị bắn đau rồi… đổ quạu, chạy đi méc người lớn, thế là tan tành cuộc vui. Là những buổi chiều mát mẻ long nhong ngoài sân, bãi đất trống quanh nhà tìm cỏ đuôi gà để đá. Loại cỏ này giờ hiếm hoi quá. Thỉnh thoảng tôi về quê, ruộng đất thênh thang với những mô đất đầy cỏ dại nhưng vẫn tìm không ra loại cỏ đuôi gà để rủ bọn trẻ hái và chơi trò ngày xưa mà mẹ, cậu tụi nó hay chơi. Rồi thì lấy tàu lá chuối làm súng. Loại “súng” này khác với súng làm từ nhánh trúc kể trên. Súng này làm bằng cách rọc bỏ lá chuối hai bên, chừa lại tàu lá, mà phải chừa đoạn to, chắc để khi chơi, súng không bị “lặt lìa”. Sau đó lấy dao xắn vào tàu chuối thành những cái ngàm đều nhau, để bật nó lên, rồi vuốt xuôi sẽ nghe “phặt, phặt”. Chỉ thế là tụi nhóc có được cây súng bằng tàu lá chuối chơi mê mệt.

Dây thun bây giờ hình như chỉ để cột đồ trong mấy tiệm hàng xén chuyên bán đồ bỏ vào bọc. Chứ hồi xưa, dây thun đủ thứ công dụng. Búng thun là trò mà gần như đứa trẻ nào cũng từng chơi: hai đứa ngồi hai đầu, lấy ngón trỏ búng sợi dây thun sao cho hai mí thun chồng lên nhau, đứa nào búng sợi thun của mình chồng lên trước thì thổi cho hai cọng rời ra, thế là thắng cuộc; thổi không rời thì bên kia thổi và tất nhiên ai thổi được tách hai sợi thun thì chiến thắng thuộc về bên đó. Chả hiểu ai phát minh ra những trò chơi… ngộ vậy, nhưng nó lại là tuổi thơ thú vị của nhiều người. Dây thun còn là “tài sản” của nhiều đứa. Hồi đó làm gì mua đồ nhiều đến mức có dây thun cả đống trong nhà như giờ. Tiền mua quà bánh, tụi tôi lén mẹ mua dây thun để dành, những cọng thun đủ màu đỏ, vàng, xanh. Tích cóp được nhiều thì đem ra thắt thành sợi dài, đan xen màu với nhau trông rất đẹp. Thắt thun cũng có nhiều kiểu, thắt dây đơn, dây đôi, dây ba. Đứa nào có sợi dây thun thắt dày cộm, dài thòng lòng thì oách lắm. Dây thun còn để chơi trò nhảy dây, quay dây mà bọn con gái, con trai gì cũng tham gia được.

Chơi u hấp, chơi keo, bắn đạn, nắn đất chơi “nu na nu nống”, hái lá lục bình xắt nhỏ làm đồ ăn và lá lồng đèn thì làm tiền để chơi trò bán tiệm… Rất nhiều trò chơi trẻ con ngày ấy có thể đã chìm vào ký ức sâu thẳm của nhiều người. Vậy mà, thỉnh thoảng các trang Facebook khơi gợi, lại khiến người ta bâng quơ nhớ về thời tuổi nhỏ của mình. Đâu chỉ là những trò chơi, mà còn là những trang sách học trò ngày ấy với những bài mà tới giờ tôi và nhiều người vẫn còn thuộc nằm lòng, như “Cái trống trường em”, “Thương ông”, “Sáng mùng Hai tháng Chín”…, nhớ nhất là trích đoạn trong “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”.

“Xin trả tôi về những ngày xưa nhỏ bé”, “Cảm ơn đời vì đã cho tôi một tuổi thơ không có Internet”…, đôi khi đó chỉ là những hoài niệm để… nhớ. Cuộc sống vốn dĩ như một dòng trôi, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” như lời một triết gia đã nói. Sự tiến bộ của thời đại 4.0 này tất nhiên làm cuộc sống chúng ta thoải mái, tiện nghi, dễ chịu hơn. Thế nhưng, có những không gian bát ngát xanh, rộn rã tiếng cười của thời tuổi thơ như ngày xưa quả thật khó tìm lại được…

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.