Văn hóa - Nghệ thuật
Ý nghĩa bữa cơm đoàn viên ngày 30 Tết của người Việt
Không khí của những ngày cuối năm luôn khiến bao người háo hức. Những người xa nhà mong Tết đến để sum họp với gia đình bên mâm cơm tất niên, cùng ôn lại những gì đã qua và đón chào năm mới với nhiều sung túc, an vui. Không chỉ với những người xa quê mà với toàn thể người Việt, mâm cơm tất niên luôn có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng.
Ảnh minh họa
Mâm cơm tất niên là nét đẹp trong văn hóa người Việt
Năm hết, Tết đến là lúc con cháu đi học, đi làm ăn xa trở về quê hương, gia đình đoàn tụ. Mâm cơm tất niên vào ngày 30 Tết có ý nghĩa vô cùng linh thiêng. Sau những tháng ngày học tập và làm việc chăm chỉ, đây là lúc tất cả thành viên được gặp nhau. Từ thời xa xưa, dù có thiếu thốn đủ bề thì vào ngày Tết, mọi nhà đều chuẩn bị một mâm cơm cho thật đủ đầy, với nguyện ước năm mới sẽ được ấm no, làm ăn đại phát hơn năm cũ. Người xưa quan niệm nhà càng có nhiều con cháu sum họp trong bữa cơm cuối năm thì càng may mắn. Vì thế, cảnh mọi người quây quần bên mâm cơm thể hiện phúc lộc và hạnh phúc.
Mâm cơm tất niên thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn
Mâm cơm tất niên không chỉ là lúc đại gia đình được gặp lại nhau. Nó còn là lúc con cháu được bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Một năm trôi qua làm ăn thuận lợi, học hành tiến tới, nhờ có ông bà phù hộ cho con cháu thuận buồm xuôi gió. Ngày cuối năm này là thời điểm mà con cháu tìm về và tri ân đến tổ tiên đã giúp đỡ mình. Đó là truyền thống đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý làm người mà cha mẹ, ông bà đã dạy dỗ.
Mâm cơm tất niên là phong tục cần được gìn giữ
Bữa cơm vào ngày cuối năm này luôn để lại ấn tượng khó phai nhòa. Mỗi con người Việt Nam dù có đi đâu xa nhưng trong lòng vẫn sẽ mãi luôn khắc ghi hình ảnh những người yêu thương đang quây quần bên mâm cơm sum họp. Mâm cơm tất niên, mâm cơm chào tạm biệt năm cũ và chuẩn bị cho một mùa Xuân mới. Vì ý nghĩa vô cùng tuyệt đẹp đó mà từ xưa tới nay, nó không thể thiếu được trong dịp Tết.
Những món ăn tuy không quá cầu kỳ nhưng đủ để thể hiện lòng thành kính của con cháu. Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn khác nhau, cách bày trí có khác nhau một chút. Nhưng cái chung nhất không thể thiếu đó là hương vị ngày Tết. Là những món ăn quen thuộc của ngày Tết: Bánh chưng xanh, bánh tét hay dĩa xôi, con gà… Không cần quá cầu kỳ, những món ăn thân thuộc được dâng lên với lòng thành kính là đã thể hiện được tất cả. Lòng thành không phụ thuộc vào mâm cao cỗ đầy mà cốt lõi là chính ở cái tâm của người chuẩn bị. Ông bà tổ tiên sẽ nhìn thấy được điều đó.
Cuộc sống đang vô cùng hối hả. Mọi người giờ đây ai cũng hối hả bận rộn với trăm công nghìn việc. Nhưng cứ chiều 30 Tết, nhà nhà vẫn tranh thủ thời gian chuẩn bị bữa cơm dâng lên ông bà. Đó là một phong tục đẹp, thật đáng trân quý. Nó cần phải gìn giữ và phát huy muôn đời để con cháu sau này sinh ra và lớn lên biết nhớ về cội nguồn, để các bạn trẻ biết và tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp này!
T.K (tổng hợp)