Xây dựng nông thôn mới

Đầu tư kết cấu hạ tầng: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 03/06/2020 | 16:33

Trong một nhiệm kỳ năng động và gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào của Đảng bộ huyện Hồng Dân, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng là một trong những khâu có bước đột phá mạnh mẽ, ngày càng đồng bộ, hiện đại và hiệu quả. Hàng loạt công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được xây dựng từ ý Đảng - lòng dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đồng thời tạo nền tảng để Hồng Dân quyết tâm hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong chặng đường mới.

Cầu giao thông nông thôn tại xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) được chính quyền và Nhân dân đóng góp xây dựng. Ảnh: H.T

Là huyện vùng sâu, giao thông cách trở, Hồng Dân xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chính là giải pháp then chốt, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 03 về “Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020”. Sự ra đời của nghị quyết là điểm nhấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và tạo cú hích lớn cho toàn Đảng, toàn dân trong huyện ra sức xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Công trình Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân).

Với tiềm lực kinh tế hạn chế nên chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông của huyện không thực hiện một cách dàn trải mà chú trọng đầu tư các tuyến đường huyết mạch, ưu tiên giải quyết những địa bàn thật sự khó khăn và bức thiết. Với cách làm như thế, đã có 65 công trình giao thông nông thôn (dài 163km), 66 công trình cầu (dài 2.451km) hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm “thay da đổi thịt” diện mạo nông thôn huyện Hồng Dân. Nổi bật trong số đó là các xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A từng được biết đến là địa bàn có hệ thống giao thông trắc trở nhất nhưng nay đã có đường ô tô về đến trung tâm xã.

Bên cạnh giao thông đường bộ, huyện cũng tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông đường thủy. Hàng năm, các xã trên địa bàn đều bố trí nguồn vốn, tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, các tuyến sông, kênh để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, huyện cũng hình thành các bến đò ngang đảm bảo an toàn lưu thông cho Nhân dân.

Qua 5 năm, việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần làm tươi sáng bức tranh nông thôn mới của huyện Hồng Dân. Sự kết nối, hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ lẫn đường thủy không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân mà còn góp phần phát triển thương mại - dịch vụ và nâng cao khả năng thu hút các dự án đầu tư.

Phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới với không ít khó khăn, thách thức cũng như đòi hỏi những yêu cầu rất lớn về kết cấu hạ tầng. Chính vì vậy, đây tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên mà Đảng bộ huyện Hồng Dân sẽ nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn. Nhiều giải pháp được huyện đề ra nhằm triển khai hiệu quả công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát huy tối đa nội lực bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo môi trường thông thoáng, kích thích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đồng thời, tranh thủ các dự án, chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, thông suốt và hiện đại.

Đặc biệt, huyện đã kiến nghị với tỉnh sớm triển khai các dự án giao thông đấu nối với một số tỉnh lân cận như: nâng cấp bến phà Cầu Đỏ - Vĩnh Tuy, xây dựng mới bến phà ngang sông cái Ba Đình, mở rộng các công trình lộ giao thông đấu nối với huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Xẻo Vẹt, nâng cấp đường Thống Nhất II (giáp với tỉnh Hậu Giang), mở rộng đường giao thông dọc 2 tuyến kênh xáng Phụng Hiệp (giáp tỉnh Sóc Trăng). Cùng với đó là đầu tư, nâng cấp các dự án bến xe, bãi trung chuyển và hệ thống giao thông đường thủy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương trong tình hình mới.

HỮU THỌ

Các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm (2020 - 2025) đạt 10 - 11%/năm;

2. Cơ cấu GRDP đến năm 2025:

+ Nông nghiệp - thủy sản chiếm 52,51%;

+ Thương mại - dịch vụ chiếm 35,86%;

+ Công nghiệp và xây dựng chiếm 11,63%;

3. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025: 95 triệu đồng/năm;

4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.441 tỷ đồng;

5.  Thu ngân sách hằng năm đạt chỉ tiêu trên giao;

6. Số doanh nghiệp thành lập mới: 200 doanh nghiệp;

7. Số hợp tác xã thành lập mới: 20 hợp tác xã;

8. Sản lượng lúa đến năm 2025 đạt 247.000 tấn;

9. Sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 66.600 tấn;

10. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu;

11. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 42%;

12. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 92,5% vào năm 2025;

13. Đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới);

14. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 1,5% (hằng năm sẽ xác định chỉ tiêu cụ thể);

15. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96% trở lên;

16. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn đạt 85%, chất thải nguy hại 100%;

17. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 70%;

18. Tỷ lệ sử dụng điện đến năm 2025 đạt 99,8%;

19. Số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95% trở lên;

20. Kết nạp đảng viên mới hằng năm: 120 đảng viên.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.