Xây dựng nông thôn mới
Hướng đến phủ kín trạm cấp nước tập trung ở nông thôn
Thời gian qua, công tác cấp nước trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành ổn định, bền vững. Từ đó, góp phần đảm bảo cấp nước sạch phục vụ Nhân dân, nhất là bà con ở nông thôn trong các mùa khô hạn, xâm nhập mặn.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hệ thống cấp nước tại Trạm cấp nước tập trung thị trấn Phước Long (huyện Phước Long).
HIỆN TRẠNG CUNG CẤP NƯỚC
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh đã khởi công xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch, như: Hệ thống cấp nước sạch ấp 4 (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai); hệ thống cấp nước sạch ấp Lộ Xe (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân); hệ thống cấp nước sạch ấp Nhàn Dân (xã Tân Phong, TX. Giá Rai)... Ông Đặng Văn Tức (ấp Lộ Xe, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Tôi và nhiều hộ dân ấp Lộ Xe rất vui mừng khi có nước sạch sử dụng và sinh hoạt hằng ngày. Không còn cảnh phải đi xách nước để dự trữ phục vụ sinh hoạt như trước đây”.
Đến nay, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý, vận hành 115 công trình (trạm cấp nước); trong đó có 68 công trình hoạt động bền vững, chiếm 59,13% và 47 công trình hoạt động trung bình, chiếm 40,87%. Tổng công suất thiết kế công trình cấp nước sạch nông thôn là 46.212m3/ngđ (mét khối trên mỗi ngày trên đường ống); công suất khai thác nước 33.714m3/ngđ, đạt 72,96% so với thiết kế. Số hộ đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch các trạm cấp nước đến tháng 7/2023 là 83.390 hộ. Đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 73%. Giá nước tiêu thụ của người dân là 4.800 đồng/m3, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội và phù hợp với khả năng chi trả của người dân khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong thực trạng cấp nước hiện nay là việc đầu tư công trình cấp nước liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, như Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch điện, đường, đất đai, tài nguyên nước (nước dưới đất) với nhiều quy định chuyên ngành phức tạp. Phần lớn các công trình, dự án không còn quỹ đất công; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất xây dựng công trình rất khó khăn. Ngoài ra, các địa phương thực hiện nâng cấp, mở rộng lộ giao thông, cầu, cống, người dân cày ruộng làm bể ống nước hoặc phải di dời nhiều tuyến đường ống cấp nước để làm đường, cầu, cống nhưng không hỗ trợ kinh phí cho đơn vị cấp nước. Việc sửa chữa và di dời các tuyến đường ống làm ảnh hưởng đến chất lượng và gián đoạn cấp nước sinh hoạt cho người dân. Từ đó, dẫn đến một số nơi có hiện tượng nguồn nước bị cặn, đục, chất lượng kém… Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện còn 3 khu vực chưa có nhà máy nước, gồm: thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải); Khu FLC xã Vĩnh Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) và khóm 13 (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai).
Kéo ống đấu nối đưa nước sạch đến các hộ dân ở nông thôn. Ảnh: M.Đ
PHẤN ĐẤU PHỦ KÍN TRẠM CẤP NƯỚC
Để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp phục vụ Nhân dân, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách địa phương cho cung cấp nước sạch nông thôn.
Ở địa phương, tỉnh phấn đấu sẽ phủ kín hòa mạng các trạm cấp nước với nhau tạo mạch vòng, nhằm đảm bảo cung cấp nước phục vụ sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn và tích trữ nước vào hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và phòng tránh thiên tai, hạn hán.
Năm 2024 - 2025, Bộ NN& PTNT sẽ đầu tư thi công xây dựng Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, nguồn vốn Trung ương đầu tư 16 công trình cấp nước tập trung, tỉnh đầu tư 3 công trình phủ kín, hòa mạng các trạm cấp nước với nhau. Ngoài ra, hằng năm tỉnh sẽ bố trí nguồn khấu hao công trình cấp nước để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ống, thay thế thiết bị các trạm cấp nước để đảm bảo kịp thời cấp nước phục vụ Nhân dân trên địa bàn và phòng chống hạn hán, thiếu nước trong các mùa khô.
Ông Ngô Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Tranh thủ các nguồn vốn, đơn vị chức năng sẽ đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn, để đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 83.780 hộ đấu nối đồng hồ sử dụng nước sạch các trạm cấp nước; phấn đấu tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch ước đạt 73,3% kế hoạch…”.
Để đảm bảo chất lượng các mục tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT hỗ trợ Bạc Liêu triển khai thêm 22 công trình cấp nước nông thôn tập trung; hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình thí điểm thu gom, xử lý nước thải nông thôn tập trung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…
MINH ĐẠT
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau