Xây dựng nông thôn mới
Khi dân làm chủ xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng, đánh trúng nhu cầu, nguyện vọng của toàn dân nên đã nhanh chóng đi vào đời sống. Và vấn đề đáng quan tâm là nhờ phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân nên công cuộc XDNTM trên cả nước nói chung và ở tỉnh Bạc Liêu nói riêng luôn diễn ra thuận lợi, tạo nên sức mạnh to lớn làm đổi thay toàn diện nông thôn tỉnh nhà.
Bài 2: Người dân làm thay đổi diện mạo nông thôn
“Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Sức dân như nước” - vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Bài học cao quý đó còn nguyên ý nghĩa khi xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở khắp nơi trong tỉnh Bạc Liêu, người dân luôn thể hiện nổi bật vai trò chủ thể của mình, có đủ sức mạnh làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Ra mắt Cổng an ninh trật tự ấp Vĩnh Hội (xã NTM - Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) - mô hình do hộ dân phụ trách. Ảnh: T.Đ
SÔI NỔI THI ĐUA LÀM GIÀU
Lấy nông dân là chủ thể XDNTM, nhiều địa phương trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi, làm giàu ngay tại quê hương mình.
Hội Nông dân tỉnh cho biết, 5 năm qua (2016 - 2020), Bạc Liêu có gần 86.000 hộ được công nhận danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi. Trong đó, cấp Trung ương là 809 hộ, cấp tỉnh có 8.300 hộ, cấp huyện gần 18.000 hộ và cấp cơ sở là 58.800 hộ. Qua phong trào này, nông dân đã có bước chuyển biến rõ nét trong phương thức sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ phong trào thi đua và bằng sự sáng tạo của nông dân ở các xã NTM mà ngành NN&PTNT tỉnh đã đúc kết, nâng tầm, triển khai nhân rộng 70 mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở cả 2 vùng sinh thái. Nổi bật ở vùng Nam Quốc lộ 1A là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt lợi nhuận từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt, một số hộ đạt lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh bình quân đạt lợi nhuận 250 - 450 triệu đồng/ha/vụ. Hay mô hình nuôi cá kèo đạt lợi nhuận từ 120 - 250 triệu đồng/ha…
Ở vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh, nổi bật là mô hình sản xuất tôm - lúa. Năm 2019, diện tích tôm - lúa đạt lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm. Chuyên lúa là mô hình chủ lực của vùng ngọt hóa. Ngoài ra, điểm nhấn ở vùng này còn có hàng chục ngàn hộ nông dân trồng rau cần nước, trồng bắp, nuôi cá nước ngọt, trồng lúa xen canh, luân canh với nuôi cá, cua. Ở huyện “đầu tàu” XDNTM Phước Long xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú, tỷ phú le le, cá sấu, cua đinh, vịt trời…
Theo Hội Nông dân tỉnh, từ phong trào thi đua SX-KD giỏi mà nhiều hộ nông dân ở xã XDNTM vươn lên khá giàu, mỗi năm có hàng ngàn hộ thoát nghèo bền vững. Cũng từ hiệu quả của phong trào ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, như: hộ ông Nguyễn Văn Chiến (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) kinh doanh nghề xay xát, bán gạo, cám và thu mua lúa tự chế biến thành gạo thương phẩm tiêu thụ trong và ngoài nước thu lợi nhuận 8,2 tỷ đồng/năm; hộ ông Trịnh Công Sơn (xã Phong Tân, TX. Giá Rai) nuôi tôm quảng canh, tôm càng xanh và trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt lợi nhuận trên 4 tỷ đồng… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn đến cuối năm 2020 ước đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, tăng 25 triệu đồng/người/năm so với năm 2016.
CỐNG HIẾN VÔ ĐIỀU KIỆN
Ông Phạm Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, không dừng lại ở chuyện làm giàu, nông dân đã tự nguyện tham gia XDNTM với tinh thần trách nhiệm cao, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, góp phần quan trọng cho sự thành công trong XDNTM. Ông Tài dẫn chứng, chỉ trong 5 năm, hội viên nông dân đã tham gia đóng góp trên 300.000 ngày công lao động; tiền, vật liệu, hiến đất… để thực hiện các công trình XDNTM. Hội viên, nông dân tỉnh nhà đã hiến gần 925.000m2 đất để xây dựng cầu, đường, trường học, nhà văn hóa ấp… Đồng thời ra sức xây dựng vườn, nhà xanh - sạch - đẹp; trồng hơn 80,5km hàng rào cây xanh tại các tuyến đường kiểu mẫu với trên 200 chủng loại hoa kiểng… Ước tính tổng giá trị mà nông dân Bạc Liêu đóng góp cho XDNTM hơn 250 tỷ đồng.
Ở huyện Hồng Dân, chỉ tính 51 nhà văn hóa ấp, Nhân dân đã hiến gần 26.500m2 đất. Ngoài cơ chế tỉnh hỗ trợ để xây dựng các tuyến đường trục chính của xã, còn lại các tuyến ngõ xóm, Nhân dân ở vùng quê này đều tự xây dựng theo thiết kế mẫu. Trong giai đoạn cao điểm XDNTM, Phước Long có 10 hộ được tặng bằng khen của UBND tỉnh, 71 hộ được tặng giấy khen của UBND huyện vì có thành tích hiến đất. Đó là chưa kể việc mở rộng các tuyến lộ giao thông nông thôn do Nhân dân hiến đất toàn bộ. Ở xã NTM nâng cao - Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) cũng vậy, Bí thư Đảng ủy xã - Phan Thanh Sung tự hào cho biết, con lộ bê-tông Phó Sinh - Nhà Lầu đi ngang qua ấp Chủ Chọt, Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 dài 10km, ngang 3,5m được toàn bộ người dân hiến đất. Không dừng ở đó, người dân còn tự nguyện bỏ tiền và bỏ công mở rộng mỗi bên thêm 0,5m nữa đủ rộng để các loại xe vận chuyển nông sản dễ dàng.
Là hội viên Hội LHPN ấp Lung Xình (xã Định Thành, huyện Đông Hải), chỉ vì tâm huyết với sự nghiệp XDNTM mà bà Hồ Thị Hoa đã tình nguyện đảm nhận hơn 70 hộ dân để vận động thực hiện tuyến đường kiểu mẫu, trồng, ươm và chăm sóc cây cảnh toàn tuyến đường ấp Lung Xình ngày thêm xanh - sạch - đẹp.
Cuộc sống đủ đầy của người dân xã NTM nâng cao - Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân) là nhờ tích cực thi đua lao động - sản xuất.
ĐOÀN KẾT BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG
Đại tá Lê Việt Thắng, Giám đốc Công an tỉnh đánh giá, trong bối cảnh tội phạm đang có xu hướng dịch chuyển về vùng nông thôn thì phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc càng được quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia. Đại tá Lê Việt Thắng dẫn chứng, ở 49 xã XDNTM đang có 4.649 tổ chức quần chúng với 71.155 thành viên tham gia; có 124 mô hình tham gia bảo đảm an ninh trật tự với 15.630 thành viên. Với nhiều cách làm mới, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn NTM đã huy động được nguồn lực to lớn tham gia công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, nhất là phát huy tính tự giác của người dân, tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và tự hòa giải. Đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, trong đó có 5 mô hình được Bộ Công an công nhận, 8 mô hình được Công an tỉnh công nhận và nhiều mô hình điển hình tiên tiến ở cơ sở đang phát huy tốt. Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhân rộng mô hình “Cổng an ninh trật tự” do hộ dân đảm trách, đến nay đã xây dựng được 399 cổng, góp phần phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn.
Ở những nơi đó, còn có các câu lạc bộ “Nông dân phòng chống tội phạm”, “Nữ phòng chống tội phạm” ,“Phụ nữ giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”… góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng. Và với tổng số 151 Tổ an ninh nhân dân, 186 Tổ tự quản trong nông dân, mỗi năm cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị cho cơ quan công an, góp phần tích cực giữ vững cuộc sống bình yên cho những vùng quê tươi đẹp.
TẤN ĐẠT
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên