Xây dựng nông thôn mới

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM: Bài học từ nâng cao thu nhập cho nông dân

Thứ Hai, 12/08/2019 | 15:30

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, để nâng chất chương trình và hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, rất cần đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo.

Xây dựng cầu giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long).

CHỌN TIÊU CHÍ ƯU TIÊN

Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu và tiền đề quan trọng. Đó là hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ tăng…

Thế nhưng, qua khảo sát tổng kết việc thực hiện 19 tiêu chí trong XDNTM vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Một trong những bất cập dễ thấy nhất là việc thực hiện và đánh giá các tiêu chí ở nhiều địa phương còn mang tính cào bằng và chưa chọn đâu là tiêu chí mang tính đột phá, hay tiêu chí có tính chất chi phối, tạo động lực cho việc thực hiện các tiêu chí khác. Tồn tại bất cập này, nguyên nhân chính là các địa phương chỉ quan tâm đến việc hoàn thành các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn NTM, nên việc đầu tư còn trải đều và chưa xác định đúng tiêu chí mang tính nền tảng.

Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào quan tâm nhiều đến việc thực hiện tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất thì kết quả địa phương đó gặt hái được rất đáng khích lệ. Trong đó, nâng cao thu nhập cho người nông dân (tiêu chí số 10) và tiêu chí giải quyết việc làm (tiêu chí số 12) được xem là 2 tiêu chí quan trọng và tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các tiêu chí khác. Bởi bản thân người dân chính là chủ thể của XDNTM và họ cũng là người quyết định đến hiệu quả, chất lượng của việc giữ vững, nâng chất các tiêu chí. Hay nói cách khác, XDNTM có bền vững hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của người nông dân. Vì khi người nông dân không tạo được việc làm, thu nhập sẽ không có điều kiện đóng góp cho việc thực hiện các tiêu chí khác như: đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn (tiêu chí số 2), giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí số 11) và hàng loạt các tiêu chí khác như: về học tập, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội…

Khẳng định điều này để thấy rằng, việc tập trung thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người nông dân có ý nghĩa, tầm quan trọng vô cùng đặc biệt. Thu nhập của người nông dân khi được cải thiện, nâng cao sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, nhất là giảm được sự đầu tư trực tiếp từ ngân sách cho XDNTM. Nếu giải quyết tốt bài toán thu nhập cho người nông dân, thì ngân sách Nhà nước không phải đầu tư nhiều và việc thực hiện các tiêu chí đều do nhân dân tự đóng góp. Một trong những mục tiêu mà Chương trình MTQG về XDNTM đề ra lâu nay chính là Nhà nước chỉ tham gia vào các dự án, công trình lớn và vốn đầu tư chỉ chiếm 30%, còn 70% vốn còn lại phải huy động từ nhân dân, doanh nghiệp. Thế nhưng, phần lớn nguồn vốn đầu tư cho XDNTM lâu nay chủ yếu dựa vào vốn ngân sách!? Đơn cử như huyện Vĩnh Lợi, từ năm 2016 đến nay, tổng vốn đầu tư cho XDNTM chiếm hơn 78%/tổng vốn, với trên 586,86 tỷ đồng, trong khi nhân dân chỉ đóng góp trên 123,4 tỷ đồng, chiếm 21%/tổng vốn, đặc biệt doanh nghiệp được xem là nguồn lực quan trọng nhưng chỉ đóng góp 2,86 tỷ đồng, chiếm 0,49%.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, ngân sách Nhà nước phải “cõng” quá nhiều công trình, dự án để thực hiện các tiêu chí và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp vì thiếu vốn.

Bên cạnh đó, nếu không nâng cao thu nhập cho nông dân vai trò của doanh nghiệp cũng chưa được phát huy. Do khi thu nhập của người nông dân đạt thấp sẽ kéo theo sức mua, sức đầu tư giảm nên khó làm cho thị trường nông thôn phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp nông thôn kém phát triển, yếu về nguồn thu và không thể đóng góp nhiều cho XDNTM là tất yếu.

Riêng người nông dân tuy có đóng góp 21%/tổng vốn, nhưng chiếm phần lớn là quy đổi giá trị từ hiến đất, đóng góp ngày công lao động là chủ yếu, còn góp vốn trực tiếp thì rất ít, do không tạo được thu nhập và tích lũy.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa. Ảnh: L.D

CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Từ thực trạng trên cho thấy, việc tập trung nâng cao thu nhập cho người nông dân trong XDNTM không chỉ có giá trị thực tiễn, mà về lâu dài đây phải được xem là mục tiêu chiến lược. Chỉ đạo về thực hiện các tiêu chí trong XDNTM, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung khẳng định: “Mục đích của XDNTM chính là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, nếu không, việc hoàn thành các tiêu chí cũng không mang lại ý nghĩa gì”.

Để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn cũng có nhiều giải pháp, nhưng giải pháp về việc làm phải được xem là khâu đột phá. Bởi tình trạng “ly hương” ở vùng nông thôn thật sự trở thành vấn đề xã hội nhức nhối. Phần lớn lao động nông thôn hiện nay đều đi lao động ngoài tỉnh và bài toán nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ khó hoàn thành nếu như ngay từ bây giờ không có các giải pháp để giữ chân lao động. Bằng chứng là mỗi năm tỉnh Bạc Liêu giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và đều vượt kế hoạch đề ra, nhưng phần lớn lại là lao động xa quê. Cụ thể năm 2018, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 24.560 lao động, nhưng số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có 5.709 người, còn lao động ngoài tỉnh chiếm hơn 18.850 người.

Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn sang các khu công nghiệp ngoài tỉnh hiện nay đã làm cho Bạc Liêu đánh mất đi lợi thế của “dân số vàng” và đặt ra một thách thức cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần, nhất là khi Bạc Liêu đã và đang thu hút nhiều dự án động lực nhưng lại “khát” lao động!? Đơn cử là hiện nay, khi đến vụ thu hoạch lúa, phần lớn người nông dân phải thuê lao động ngoài tỉnh từ Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang… vì không có lao động của địa phương!? Hay như hiện nay, do ảnh hưởng thời tiết nên việc thu hoạch lúa hè thu không thể cắt bằng máy mà phải cắt thủ công, và nhiều nơi nông dân chỉ biết “chịu trận” mặc cho lúa sập do không có lao động làm thuê.

Để giải quyết tốt bài toán tăng trưởng, tạo nguồn lực cho XDNTM, việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân cần phải được tính lại. Trong đó, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đòi hỏi những giải pháp căn cơ và bền vững hơn, thay vì cách làm như lâu nay là kém hiệu quả, lãng phí tiền của Nhà nước và công sức người học.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.