Xây dựng nông thôn mới
Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM: Xây dựng nông thôn mới phải gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Mục đích của xây dựng nông thôn mới (XDNTM) chính là phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn. Do vậy, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều giá trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân là thước đo quyết định hiệu quả, chất lượng của XDNTM.
Khởi công xây dựng Nhà máy chế biến xuất khẩu cá chình ở huyện Hồng Dân
MÔ HÌNH NHIỀU, HIỆU QUẢ THẤP
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và góp phần tăng trưởng kinh tế, việc tổ chức tốt sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân là một trong những tiêu chí quan trọng trong XDNTM.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương hiện nay, nhận thức về tăng trưởng kinh tế trong nông nghiệp còn bị hiểu rất đơn giản. Hay nói cách khác, người ta đồng nhất tăng trưởng kinh tế với việc phát triển nhiều mô hình sản xuất. Cũng như xem việc cho ra đời nhiều mô hình sản xuất và nhân rộng các mô hình đó chính là tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế!?
Trên thực tế, tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế trong sản xuất nông nghiệp không đơn thuần là số lượng, mà chính là hiệu quả, chất lượng, giá trị mang lại và cả sự phát triển bền vững.
Xuất phát từ nhận thức này, qua 10 năm XDNTM, các địa phương đua nhau phát triển nhiều mô hình thông qua việc đi học tập các mô hình sản xuất trong, ngoài tỉnh gắn với phát động nông dân tự sáng tạo mô hình. Chỉ tính riêng vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, các địa phương đã cho ra đời hàng chục mô hình sản xuất như: lúa - tôm, lúa - cá, tôm - cua - cá, lúa - màu, chuyên rau màu, mô hình nuôi cua đinh, nuôi cá bống tượng, nuôi cá chình, nuôi chim le le, nuôi gà và vịt siêu thịt, siêu trứng… Thế nhưng, các mô hình sản xuất trên chỉ phát triển trong phạm vi nông hộ và không thể sản xuất hàng hóa lớn!? Như mô hình nuôi le le, cả huyện Phước Long chỉ có 5 hộ nuôi với số lượng 1.650 con; hay mô hình nuôi lươn cũng chỉ có 8 hộ nuôi với 18.000 con…
Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, việc cho ra đời nhiều mô hình sản xuất chỉ làm cho sản xuất manh mún chứ không mang lại hiệu quả kinh tế, tính bền vững và cả sản xuất hàng hóa lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho các địa phương khó thành lập hay phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, thậm chí làm cho nhiều dự sản xuất hàng hóa lớn nhanh chóng bị “chết yểu” khi mới bắt đầu triển khai. Đơn cử như Dự án chế biến cá chình xuất khẩu của Công ty Cổ phần thủy sản Hồng Dân và Công ty Seil Yangman (Hàn Quốc), với tổng mức vốn đầu tư ban đầu trên 60 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 3/2015. Thế nhưng, dự án này nhanh chóng bị “xếp xó” và nhà đầu tư cũng bỏ chạy vì không có nguồn nguyên liệu!? Bởi theo khảo sát của chúng tôi, cả huyện Hồng Dân giai đoạn đó chỉ có hơn 10 hộ nuôi cá chình và số lượng cũng chỉ có vài trăm con!? Trong khi nhu cầu nguồn nguyên liệu chế biến của nhà máy khoảng 7 tấn/ngày.
Sản xuất manh mún còn tạo nên những hệ lụy chính là gây lãng phí tài nguyên đất, làm chuyển dịch lao động nông thôn do hiệu quả mang lại không cao. Như mô hình tôm - lúa - cá chiếm gần 90% diện tích sản xuất của vùng Bắc Quốc lộ 1A. Thế nhưng, đến nay tổng doanh thu của mô hình chỉ đạt 100 triệu đồng/ha và lợi nhuận mang lại cho người nông dân chỉ chiếm 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó, thu nhập bình quân của các mô hình sản xuất trên cả nước hiện nay đều đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Xuất phát từ thu nhập quá bấp bênh, nên nhiều hộ nông dân có ít đất (từ 5 - 10 công) gần như đều cho thuê đất với giá rẻ, hoặc bỏ đất trống, và họ kéo nhau đi ngoài tỉnh để làm thuê kiếm sống, vì thu nhập từ một đơn vị diện tích sản xuất mang lại quá thấp.
Một bất cập nữa là mô hình sản xuất nhiều còn làm phát sinh hàng loạt các khó khăn và mâu thuẫn khác. Mặt hàng nào cũng có, nhưng lại không hình thành được thị trường đầu mối, vì doanh nghiệp không thể đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chợ đầu mối chỉ để đợi thu mua vài chục hay vài trăm ký hàng hóa/ngày. Cũng như làm xáo trộn lịch thời vụ và gây khó cho công tác chỉ đạo phát triển sản xuất…
Mô hình nuôi vịt siêu thịt của nông dân huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: L.D
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT, HỢP TÁC
Một bài học kinh nghiệm cần được ngành quản lý và các địa phương quan tâm rút ra qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM chính là chưa xây dựng được các liên kết, hợp tác bền chặt để hướng đến sản xuất hàng hóa lớn.
Đánh giá lại 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là con tôm và cây lúa mới thấy hết bất cập này. Về con tôm, qua 10 năm XDNTM, đến nay Bạc Liêu chỉ liên kết được với 3 doanh nghiệp chủ lực hợp tác sản xuất với nông dân là Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú, Âu Vững, Tôm miền Nam với diện tích hơn 3.000ha, so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 139.589ha; hay trong sản xuất lúa đến nay mới xây dựng được 23 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 11.640ha, so với tổng diện tích gieo trồng lúa trên 185.000ha.
Từ những con số cụ thể trên cho thấy, thiếu hợp tác và liên kết chính là “điểm nghẽn” làm cho dòng vốn từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chưa thể chảy về nông nghiệp - nông thôn. Cụ thể, trong tổng vốn đầu tư XDNTM của huyện Hòa Bình đến nay trên 2.511 tỷ đồng, nhưng thu hút vốn tín dụng tham gia qua 10 năm chưa đến 364 tỷ đồng.
Để giải quyết những khó khăn và bất cập trên, XDNTM phải gắn chặt với thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, cần xem xét, đánh giá lại việc thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí về quy hoạch, giao thông và tổ chức sản xuất. Đó là quy hoạch phải theo hướng mở với tinh thần phát triển, nhằm phù hợp với sản xuất hàng hóa lớn. Như quy hoạch về thủy lợi hay đường giao thông nông thôn, phải đảm bảo phục vụ cho sản xuất hàng hóa lớn chứ không đơn thuần là đạt các tiêu chí theo quy định. Hoặc trong tổ chức sản xuất, cần quy hoạch lại các vùng, tiểu vùng theo hướng sản xuất tập trung, chất lượng và chọn khoa học - công nghệ tiên tiến là khâu đột phá; kiên quyết nói không với nạn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gây khó cho việc thu hút đầu tư. Làm được việc này, sẽ góp phần gỡ khó trong tương lai gần khi nông nghiệp, nông thôn phát triển và sản xuất hàng hóa lớn mang lại giá trị gia tăng cao. Đồng thời sẽ thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần giải quyết có hiệu quả bài toán huy động nguồn lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi nhiều nhà máy, xí nghiệp được mọc lên. Kéo theo đó làm tăng thu nhập của người nông dân, tạo nên sức mua lớn và sẽ tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhất là phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ vốn là tiền đề quan trọng và mang tính quyết định trong thực hiện mục tiêu CNH-HĐN nông nghiệp - nông thôn và nông dân.
LƯ TRUNG
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương