Xây dựng nông thôn mới

Vụ sản xuất muối 2017 - 2018: Cần những cú hích đột phá

Thứ Hai, 11/12/2017 | 15:31

Vào tháng 12 hằng năm là thời điểm diêm dân trong tỉnh bước sang vụ sản xuất muối mới và kéo dài cho đến đầu mùa mưa năm sau. Tuy được xếp vào một trong những nghề truyền thống cần được bảo tồn, nhưng những năm qua nghề muối vẫn chưa thể tạo nên những đột phá mới, đời sống của bà con diêm dân còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích muối cứ giảm dần theo từng năm và chuyện diêm dân bỏ đất trống thật sự trở thành nỗi trăn trở cho nhiều người.

Diêm dân huyện Đông Hải thu hoạch muối. Ảnh: L.D

Các sản phẩm của muối Bạc Liêu được giới thiệu tại Hội chợ Thương mại - du lịch năm 2017. Ảnh: L.D

BẤT CẬP ĐẦU RA

Thực tế cho thấy, diện tích sản xuất muối thời gian qua cứ giảm dần và nhiều năm không đạt kế hoạch đề ra. Đơn cử như năm 2016, cả tỉnh có hơn 2.310ha sản xuất muối, đạt 87,42% kế hoạch và lượng muối tồn từ vụ mùa 2016 - 2017 đến nay vẫn còn hơn 43.900 tấn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nghề muối khó phát triển vì chất lượng cạnh tranh thấp, diêm dân chủ yếu vẫn sản xuất muối đen. Trong khi nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp là thu mua muối trắng để dễ chế biến và giảm các khoản chi phí phát sinh khi phải làm sạch muối.

Sở dĩ diêm dân chưa mặn mà với mô hình sản xuất muối trắng từ phương pháp trải bạt do chi phí đầu tư cho mô hình này quá cao. Trong khi phần lớn diêm dân hay các hợp tác xã sản xuất muối không có tài sản để thế chấp. Vì vậy, mô hình sản xuất muối trải bạt tuy đã đưa vào áp dụng từ nhiều năm qua, nhưng diện tích sản xuất đến nay vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể vụ mùa 2016 - 2017, diện tích muối trải bạt chỉ có 83ha!?

Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh cho biết: “Để giúp bà con diêm dân giảm bớt khó khăn và hạn chế tình trạng bỏ đất trống, vụ mùa vừa qua huyện đã khuyến khích nông dân chuyển từ mô hình sản xuất kém hiệu quả sang nuôi Artemia và các mô hình nuôi trồng thủy sản khác trên đất muối như: tôm, cua, cá kèo...”. Tuy nhiên, các mô hình trên phát triển chưa nhiều và rủi ro cao nên chưa thể giúp diêm dân tăng lợi nhận. Cụ thể, mô hình nuôi cá kèo ở vụ mùa này giá bán ra chỉ còn khoảng 35.000 đồng/kg, so với những năm trước giảm gần 50% và nhiều hộ nuôi cá kèo phải lỗ nặng. Hoặc mô hình nuôi Artemia, diện tích phát triển cũng còn khá khiêm tốn. Do vậy, việc cần làm hiện nay chính là các giải pháp mang tính đột phá cho nghề muối phát triển và giúp diêm dân tìm lại thời hoàng kim. Vì đến nay, nhu cầu tiêu thụ muối trên thị trường vẫn còn lớn và Việt Nam vẫn phải nhập muối.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG

Để tháo gỡ khó khăn cho nghề muối thì một trong nhiều giải pháp cần ưu tiên là giải bài toán chất lượng. Đây được coi là giải pháp quan trọng để tháo gỡ các “nút thắt” cho nghề muối phát triển. Muốn vậy, cùng với vận động, tuyên truyền diêm dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất cũ, ứng dụng các mô hình sản xuất mới, thì tăng cường hơn nữa về đầu tư hạ tầng thủy lợi, vốn và thực hiện liên kết sản xuất trong bao tiêu sản phẩm.

Một tin mừng cho bà con diêm dân, theo đề án “Tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, thì giai đoạn năm 2018 - 2020, Bạc Liêu sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải với quy mô 1.500ha và có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Cũng như đầu tư nâng cấp hạ tầng ở những vùng chuyên sản xuất muối của tỉnh. Đồng thời, ổn định địa bàn sản xuất muối tập trung và giảm diện tích sản xuất muối đen, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản xuống còn khoảng 2.500ha vào năm 2020 và còn 2.400ha năm 2030. Đặc biệt, sẽ tập trung nâng cao năng suất khoảng 60 tấn/ha tăng lên trên 72 tấn/ha năm 2020, sau đó tăng lên 83,33 tấn/ha năm 2030 (dựa trên việc nhân rộng mô hình sản xuất muối trải bạt trên nền sân kết tinh). Chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng, phấn đấu đưa sản lượng muối trắng lên 65% vào năm 2020 và lên 75% năm 2030.

Bên  cạnh đó, tập trung khai thác tối đa công suất của 2 nhà máy chế biến muối hiện có và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối gắn với vùng nguyên liệu muối chất lượng cao. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ muối, xây dựng cánh đồng lớn, vùng muối nguyên liệu chất lượng cao giữa diêm dân với các nhà máy chế biến muối thực phẩm, sản xuất hóa chất trong và ngoài tỉnh...

Với những giải pháp quan trọng trên, vụ sản xuất muối 2017 - 2018 hứa hẹn sẽ tạo nên cú hích mới cho nghề muối phát triển và mở ra nhiều cơ hội cho diêm dân làm giàu.

KIM TRUNG

Theo đề án “Tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đề ra mục tiêu tổng quát là: Phát triển ngành muối theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng muối, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và chế biến để phát triển ngành muối theo hướng công nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân. Phát triển sản xuất, chế biến muối theo quy hoạch được phê duyệt gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020: tốc độ tăng giá trị sản xuất muối bình quân 4 - 5%/năm. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối là 2.500ha (trong đó diện tích sản xuất muối trải bạt và công nghiệp 500ha), sản lượng muối 180.000 tấn (trong đó sản lượng muối trắng sản xuất truyền thống 69.000 tấn, chiếm 38,33% tổng sản lượng muối và muối trắng trải bạt 48.000 tấn, chiếm 26,67% tổng sản lượng muối); chất lượng hạt muối đạt các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia tương ứng với từng loại muối…

MINH  TRỌNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.