Xuân Ất Mùi 2015

40 năm giải phóng miền Nam (1975 – 2015): Rạng rỡ những mùa xuân

Thứ Tư, 04/03/2015 | 10:28

Một mùa xuân nữa lại về. Những mùa xuân tươi đẹp đã được dệt trong thanh bình như thế kể từ mùa Xuân lịch sử 1975 khi đất nước toàn thắng trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập, tự do cho dân tộc. 40 năm từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bạc Liêu đã cùng cả nước vươn vai Phù Đổng, bước mạnh mẽ vào tương lai bằng tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và sự đoàn kết được hun đúc từ bề dày lịch sử.

Người dân đón chào Quân giải phóng tiến vào thị xã Bạc Liêu.

Kiên cường thời chiến

Bên tách trà nóng giữa tiết trời se lạnh và không gian thanh tịnh của chùa Vĩnh Đức, ngôi chùa “Cộng sản” theo cách gọi của cư sĩ Thích Quảng Thiệt, Chánh văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, tôi ngồi nghe nhân vật bước ra từ lịch sử kể chuyện 40 năm trước mà tưởng như mình đang có mặt trong những giờ đấu trí căng thẳng ấy. Bước vào năm 1975, cuộc đấu tranh trường kỳ chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã đến hồi kết. Chiến công vang dội của quân giải phóng ở khắp các chiến trường đã làm lung lay tận gốc rễ chính quyền Sài Gòn. Ở Bạc Liêu, cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng ngày càng chín muồi với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Thời khắc giành chính quyền không đổ máu ngày 30/4/1975 lặp lại lịch sử của 30 năm trước (ngày 23/8/1945) một lần nữa chứng minh sự nhạy bén, tính quyết đoán và biết chớp thời cơ của Đảng bộ, chính quyền cách mạng cùng sức mạnh yêu nước nồng nàn của nhân dân Bạc Liêu.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có gần 12.000 liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên quê hương Bạc Liêu. Chiến tranh cũng để lại cho quê hương này hơn 5.500 thương binh, hàng chục ngàn đồng bào bị địch giết hại, bắt bớ, tù đày đến tàn phế. Nhưng chính chiến tranh đã chứng minh chân lý: sức mạnh cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược của quân dân Bạc Liêu hay rộng hơn là cả nước không nằm ở vũ khí trên chiến trường mà ở tình người, ở lẽ phải của những người bị mất nước đi giành lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Lịch sử Đảng bộ tỉnh đúc kết “thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp cách mạng ở Bạc Liêu là nhờ có đường lối đúng đắn của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy cấp trên, sự giúp đỡ chi viện của chiến trường chung, của hậu phương miền Bắc, của các nước XHCN, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà luôn phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ, kiên cường chiến đấu, biết đánh và biết thắng”.

Bộ máy chính quyền Sài Gòn hoàn toàn tan rã, từ ngày 1/5/1975, lần lượt các tỉnh, thành ở miền Nam được giải phóng. Trong ảnh là Quân giải phóng tiến vào thị xã Bạc Liêu.

“Biết đánh và biết thắng” thời bình

Bước ra từ chiến tranh, Bạc Liêu - Minh Hải - rồi lại Bạc Liêu cũng chật vật lắm trên con đường phát triển. Không giàu nguồn tài nguyên đất đai, không có lợi thế đặc biệt về du lịch, giao thông, không được thiên nhiên ưu đãi tiềm năng nông nghiệp, thủy sản như các tỉnh lân cận, cái nghèo cứ bám riết lấy địa phương nhỏ bé này. Nhưng lòng người thì không nhỏ, quyết tâm càng không thấp, Bạc Liêu đã đi lên bằng tinh thần “biết đánh và biết thắng” trong kháng chiến. Cuộc chiến chống tụt hậu khi thế giới và cả nước ngày càng phát triển vượt bậc cũng đòi hỏi trí, lực nào kém cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập 2 (1975 - 2000), kết thúc mấy mươi năm chiến tranh, nền kinh tế Bạc Liêu những năm đầu giải phóng chỉ còn lại 102 nhà máy xay xát lúa, 5 nhà máy nước, 12 hãng nước đá, 16 máy điện, 17 cơ sở dệt vải và nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp thu hút trên 2.000 lao động. Về thương nghiệp, hàng năm Bạc Liêu xuất ra khỏi tỉnh trên dưới 130 ngàn tấn lúa, 6.000 tấn heo hơi, 30 ngàn tấn tôm cá, 20 ngàn tấn muối. Hơn 20 năm sau ngày giải phóng, khi tách ra từ mái nhà chung Minh Hải năm 1997, Bạc Liêu đã có những thành tựu nhất định. Nghị quyết 01 ngày 23/1/1997 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phân tích “hơn 20 năm qua, nhất là năm 1996, Đảng bộ và nhân dân thị xã Bạc Liêu, các huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai và Hồng Dân, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã trưởng thành thêm một bước đáng kể, kinh tế liên tục phát triển với nhịp độ khá cao, xã hội ngày càng có nhiều biến đổi tốt đẹp, an ninh được đảm bảo, quốc phòng được giữ vững, bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được củng cố, tăng cường đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt”. Bên cạnh những nền tảng hiện có, tỉnh Bạc Liêu bấy giờ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mà Nghị quyết 01 đã chỉ rõ. Đó là tình trạng thiếu cán bộ, thiếu cơ sở vật chất; sự xuống cấp trầm trọng của cơ sở hạ tầng kinh tế, nhiều vấn đề cấp bách như xóa đói giảm nghèo, xóa lớp học ca ba, đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, tệ nạn xã hội… Năm 1997, khi thành lập Đảng bộ Bạc Liêu, toàn tỉnh chỉ có 6.800 đảng viên, sinh hoạt tại 542 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ có 27 đồng chí. Số cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật điều từ tỉnh Minh Hải về không đủ đáp ứng các yêu cầu công tác.

Cũng như bao miền đất khác trên dải đất hình chữ S Việt Nam anh hùng này, lịch sử để lại cho Bạc Liêu nhiều vết thương chiến tranh chưa lành hẳn, nhưng quan trọng hơn cả là qua đó đã khơi dậy ý chí bất khuất trước bất kỳ kẻ thù nào, thắp sáng mối quan hệ gắn kết giữa Đảng và dân. Những điều quý giá đó được gìn giữ và phát huy trong thời bình với “kẻ thù” là vấn nạn nghèo khó và sự tụt hậu về mọi mặt so với các địa phương trong khu vực và cả nước. Bắt đầu từ việc tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của nhân dân: xây thêm trường học mới, xóa tình trạng học ca 3; đầu tư điện, đường về nông thôn, xóa cầu khỉ; tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi, nhất là hệ thống nằm trong vùng ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội với hai vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A thành hai vùng sản xuất rõ rệt. Những năm đầu chia tách tỉnh, mọi nguồn lực từ Trung ương, địa phương và huy động trong dân được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Khi nông thôn đã khởi sắc, đến lúc đô thị được quan tâm bằng những quyết sách mạnh mẽ. Thị xã Bạc Liêu bước lên đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, hiện nay là đô thị loại II đã mang đến vẻ đẹp mới đầy trẻ trung, năng động, xanh - sạch của thành phố trẻ nơi gần cuối trời Tổ quốc bên cạnh nét cổ kính, sâu lắng của những di tích lịch sử, văn hóa như cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vưỡn nhãn cổ, các di tích chiến tranh… Sự đối lập nhưng rất hòa hợp này là một trong những điểm mạnh để du lịch Bạc Liêu cất cánh trong những năm gần đây. “Đất tài tử”, “quê hương bản Dạ cổ hoài lang”… Bạc Liêu bây giờ không chỉ được biết với công trình điện gió, với những mô hình nuôi tôm thâm canh áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất, nhì ĐBSCL mà còn được nhắc đến bởi tinh thần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 18 năm kể từ ngày chia tách tỉnh, Bạc Liêu vừa có nét đẹp tươi tắn của cô gái thanh xuân, vừa đủ chín chắn và trưởng thành ở tuổi đẹp nhất của đời người. Cho nên Bạc Liêu có sức trẻ phơi phới cùng ý chí quyết tâm để đạt được mục tiêu, khát vọng cho tương lai. Đó chính là những quả ngọt được kết tinh từ mùa Xuân lịch sử của 40 năm trước.

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.