Xuân Ất Mùi 2015

Bạc Liêu: 18 năm nhìn lại

Thứ Tư, 25/03/2015 | 14:01

Xuất phát từ một tỉnh nghèo so các tỉnh khu vực ĐBSCL, khi tái lập tỉnh (năm 1997), hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm của Bạc Liêu gần như chưa có gì. Tiềm năng kinh tế chỉ độc canh cây lúa, đời sống nhân dân rất khó khăn, mỗi năm cả tỉnh chỉ thu ngân sách đạt hơn 200 tỷ đồng. Nhưng 18 năm sau, Bạc Liêu đã đột phá trên nhiều lĩnh vực, từng ngày “vươn ra biển lớn”.

Diện mạo TP. Bạc Liêu hôm nay. Ảnh: Hữu Thọ

Xây dựng từ nền móng “bốn không”

Khi tỉnh được tái lập, hạ tầng cơ sở gần như chưa có gì, thị xã Bạc Liêu chỉ độc đạo một trục đường chính là đường Trần Phú kết nối với Quốc lộ 1A; nhà cửa, phố chợ đan xen nhau cảnh người mua, kẻ bán. Hệ thống cơ quan Nhà nước làm việc trong những căn nhà cổ tạm bợ. Đường về nông thôn các huyện, xã chỉ đi được xe hai bánh vào mùa khô. Tiềm năng kinh tế chỉ độc canh cây lúa... Đứng trước muôn vàn cái khó, bằng nội lực của mình, Bạc Liêu phải lựa chọn hướng đi trong điều kiện hết sức khó khăn. Bằng nguồn ngân sách hạn hẹp, muốn thực hiện được dự án khả thi phải “liệu cơm, gắp mắm” chắt chiu từng đồng.

Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn Bạc Liêu đã kết nối toàn bộ hệ thống giao thông từ vùng sâu, vùng xa đến trung tâm tỉnh lỵ bằng những con đường nhựa hóa thẳng tắp, xa ngút tầm mắt, cùng những chiếc cầu bê-tông ưỡn ngực nối nhịp bờ vui để người dân vùng sông nước đi lại giao thương kinh tế. Cũng từ đây, những vùng quê một thời được mệnh danh “bốn không” - điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư đúng mức phục vụ dân sinh. Nhiều mô hình kinh tế từ vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau đã được hình thành tăng thu nhập cho nông dân, ổn định cuộc sống. Những nơi mà trước đây người dân thường ví von là “khỉ ho cò gáy” thì nay nông dân đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật qua việc truy cập mạng Internet tại gia đình. Ngoài cây lúa được sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap để xuất khẩu với năng suất 8 tấn/ha, sản xuất 3 vụ/năm, với các mô hình: lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cua, cá chình, cá sấu, ba ba… đã giúp hàng trăm nông dân trong tỉnh được vinh danh là tỷ phú đồng quê.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phước Long. Ảnh: C.T.V

Bên cạnh đó, từ việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất hơn 90.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm ở vùng ven biển phía Nam, chỉ trong vài năm, con tôm Bạc Liêu đã lội ngược dòng, tạo nên thế đứng cho một tỉnh nghèo từ nền sản xuất lạc hậu nhỏ lẻ, manh mún vươn lên đứng nhất, nhì trong khu vực và cả nước về sản lượng tôm xuất khẩu. Từ thành quả trong lao động sản xuất đã giúp người nông dân ý thức được rằng, chính môi trường sinh thái là hệ quả đem lại năng suất, sản lượng cao trong nuôi tôm…, để rồi cùng chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Chính những nỗ lực kỳ diệu ấy, Bạc Liêu vượt qua thời kỳ gian khó nhất sau hơn một thập niên xây dựng và phát triển, và cũng là bệ phóng để Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng thí điểm Phước Long thành huyện nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 theo tiêu chí quốc gia.

Chế biến tôm nguyên liệu xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Xuân Hãn

“Cất cánh” từ nội lực

Từ Đại hội Đảng bộ lần XIV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), để vực dậy tiềm năng đưa Bạc Liêu tiến nhanh hơn sánh vai cùng các tỉnh bạn trong khu vực ĐBSCL, Tỉnh ủy đã ban hành 5 nghị quyết để thực hiện những dự án mang tính khả thi nhất thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đầu tiên là việc nâng cấp TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, một thành phố xanh - sạch - đẹp của vùng đất phương Nam; tiếp theo đó là việc đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời hình thành và phát triển khu công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu; quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế vùng ven biển phía Nam; đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau.

Khi nghị quyết đi vào cuộc sống thì Bạc Liêu đã thay da đổi thịt từng ngày. Một thị xã mới ngày nào chỉ gói gọn trong không gian như một thị tứ, đường phố chật hẹp, nhà cửa lụp xụp, mua bán lèo tèo trên từng góc phố, vỉa hè… thì hôm nay, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, cùng hàng loạt công trình văn hóa có kiến trúc khá độc đáo làm cho bộ mặt TP. Bạc Liêu trở nên khang trang và tráng lệ hơn. Từ cơ sở này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã kết nạp Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm 4 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Và hiện tại, trong số 13 tỉnh ĐBSCL có 21 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng thì Bạc Liêu là tỉnh có nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất vùng với 6 sản phẩm.

Sự cầu thị bằng những chủ trương, quyết sách đúng hướng, bằng tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó dành cho cơ quan Nhà nước” - phương châm này giúp Bạc Liêu thu hút những dự án lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển như: Nhà máy bia Sài Gòn với công suất 50 triệu lít/năm; khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, cụm nhà Công tử Bạc Liêu; Nhà máy xay xát gạo xuất khẩu 200.000 tấn/năm đặt ngay trong vùng nguyên liệu trồng lúa ở xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân); Nhà máy điện gió với tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, sẽ cung cấp trên 300 triệu kWh/năm. Được biết, hiện có 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc làm thủ tục đầu tư năng lượng điện vùng ven biển, từ cống Cái Cùng về cửa biển Gành Hào. Đây sẽ là cơ hội để Bạc Liêu phát triển nguồn năng lượng sạch trên thềm lục địa ở 56km bờ biển hòa với điện lưới quốc gia, tăng doanh thu cho nguồn ngân sách…

Bên cạnh đó, ở vùng ven biển phía Nam Bạc Liêu, tỉnh đã quy hoạch hàng ngàn héc-ta để thực hiện cụm hạ tầng kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh của các công ty: Hải Nguyên, Trúc Anh, Việt - Úc… giúp người nuôi tôm tháo gỡ những khó khăn trước nạn tôm chết hàng loạt, mở ra nhiều hướng đi mới để phát triển nghề nuôi tôm bền vững cho người dân ở vùng phía Nam. Hiện tại, Tập đoàn Việt - Úc có số lượng cung ứng tôm giống chiếm 22% cả nước, là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được phép sản xuất tôm giống bố mẹ…

Mặc dù phía trước hãy còn nhiều việc phải làm để thu hút các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu, thế nhưng, với những nỗ lực của Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế Bạc Liêu vẫn tăng trưởng ở mức cao (12%/năm), kim ngạch xuất khẩu luôn đạt ở 3 con số (430 triệu USD), tổng thu ngân sách năm 2014 đạt trên 1.260 tỷ đồng... So với các tỉnh ĐBSCL, tuy chưa phải là vượt trội nhưng nhìn tổng quan về tiềm lực kinh tế, về điều kiện để thu hút các nhà đầu tư thì đây là những con số rất ấn tượng đối với tỉnh nghèo Bạc Liêu. Thành quả ấy, khi Bạc Liêu bước vào tuổi 18 - lứa tuổi được xem là đẹp nhất của đời người, thật đáng trân trọng!

Việt Sử

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.