Xuân Ất Mùi 2015

Bạc Liêu trong tôi

Thứ Tư, 04/03/2015 | 10:21

Nhấp ngụm trà trong một buổi mai có gió bấc se lạnh; ngắm vẻ đẹp hớn hở tràn đầy sắc xuân của hoa mai, hoa cúc… ở các chợ hoa; nhìn dòng người hối hả, nô nức đi chợ tết, trên cái nền TP. Bạc Liêu ngày càng thanh tú về mặt hình thể và sâu sắc trong tâm hồn, khiến lòng tôi thổn thức, chứa chan bao điều muốn nói trước mùa xuân. Thế rồi một cảm thức mùa xuân rất thật, bật ra từ tận đáy lòng: cuộc đời hôm nay sao vui thế!

Thế hệ trẻ sau 30/4/1975 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Tượng đài Mậu Thân 1968. Ảnh: C.K

Tôi nhận diện Bạc Liêu hôm nay với tư cách một người cả đời quanh quẩn ở đất này, sống cùng hơi thở nồng nàn của những mùa lúa xưa cũ chen lẫn với mùi khét lẹt của bom đạn chiến tranh.

Hồi tôi còn bé, nhà ở một xóm nghèo, cách chợ Bạc Liêu bảy cây số, vậy mà khuya nào tôi cũng nôn nả xuống xuồng cùng má tôi bơi ra chợ Bạc Liêu để bán cá, tép và cũng để được cho ăn một tô cháo lòng của bà Mập.

Nhà nghèo, quê nghèo, nhưng hễ tết hoặc những khi chắt mót được tiền là chúng tôi rủ nhau cuốc bộ ra chợ Bạc Liêu chơi để xem cải lương ở rạp Chung Bá, xem chiếu bóng ở rạp Nam Tiến. Chợ Bạc Liêu giống như một nơi chốn mà người quê khao khát tìm đến. Tết Mậu Thân năm 1968, tôi chứng kiến chợ nhà lồng cháy rừng rực do máy bay Mỹ rải xăng đốt. Đó là một cái tết bi tráng, nhiều chiến sĩ giải phóng quân hy sinh bên vệ đường, máu loang mặt đất. Đã gần 50 năm trôi qua, dấu vết bi hùng xưa đã không còn, bà Mập bán cháo cũng đã xa khuất nơi dương thế nhưng hương vị tô cháo lòng của bà, hình ảnh chiến sĩ giải phóng quân vẫn còn làm thổn thức trong tôi đến khi đầu bạc. Đó là ký ức đọng mãi trong tâm hồn thế hệ của tôi.

Năm 20 tuổi, tôi vào làm phóng viên Báo Minh Hải, thế là chính thức trở thành thị dân. Cơ quan tôi đóng ở trung tâm thị xã, cạnh đường Trần Phú bây giờ. Đó là thời kỳ bao cấp, đầy khó khăn. Từ sân thượng cơ quan, tôi nhìn ra là bắt gặp một thị xã với phố phường rêu phong cũ kỹ và ủ dột trong những đám mưa chiều.

Mười năm tôi khăn gói theo cơ quan báo xuống Cà Mau, đến khi tách tỉnh trở lại (năm 1997) vẫn là một thị xã Bạc Liêu nghèo. Thị xã vẫn cũ kỹ với những ánh đèn vàng vọt trên những con đường nhỏ xíu, khi đêm xuống.

Đông đảo du khách xem biểu diễn thư pháp nghệ thuật ở Quảng trường Hùng Vương. Ảnh: M.Triết

Tỉnh được tái lập, những người con của Bạc Liêu háo hức về xây dựng lại quê hương, nhưng cái nghèo cứ trì kéo làm cho Bạc Liêu không chỉ khó khăn về vật chất mà đời sống tinh thần cũng rất nghèo nàn. Cuộc đời diễn ra, trôi đi chầm chậm trong cái lo toan và tẻ nhạt. Bạc Liêu là một vùng đất nhạt nhòa, lẩn khuất đâu đó ở đồng bằng Nam bộ. Người ta nhớ về nó bởi cái vang bóng của quá khứ, đó là đất của Công tử Bạc Liêu, là tỉnh lúa, tỉnh muối của ngày xưa. Còn trong hiện tại, Bạc Liêu thiếu những cái riêng để nhớ. Còn nhớ, sau khi chia tách, tỉnh ưu tiên xây dựng khu vui chơi thiếu nhi ở công viên Trần Huỳnh nhưng cứ ì ạch hằng chục năm.

Thế rồi có một bước ngoặt xảy ra. Năm 2014, Bạc Liêu diễn ra một lễ hội lớn, đó là Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014. Tại lễ hội này, tôi được giao phục vụ cánh nhà báo Trung ương về tác nghiệp. Họ là người ngoài tỉnh nên có cái nhìn rất khách quan. Khi cảm nhận về Bạc Liêu, tựu trung là: Một Festival tuyệt vời, giàu bản sắc văn hóa Nam bộ. Nó chứng tỏ cái nội lực văn hóa thâm hậu của một vùng đất. Và rằng Bạc Liêu bây giờ đẹp quá, giàu ấn tượng đã đến là khó có thể quên.

Và họ chỉ cho tôi những điều làm nên dấu ấn Bạc Liêu trong họ, đó là: Một thành phố tao nhã với rất nhiều cây xanh, với khu hành chính đẹp được kiến tạo bằng những tòa nhà có kiến trúc đẹp; đặc biệt Quảng trường Hùng Vương rộng lớn, điểm xuyết những di tích lịch sử - văn hóa quanh nó tạo ra dấu ấn khó phai.

Nhiều nhà báo lại nói đến sự độc đáo của công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa, văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là nhà hát 3 nón lá), rằng di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu nhà Công tử Bạc Liêu… đã làm cho họ hiểu thêm và nhớ mãi một vùng đất văn hóa. Có nhà báo đã nói Bạc Liêu thật sự tạo ra dấu ấn trong họ bởi những cái riêng mà chỉ có Bạc Liêu mới có, đó là điện gió…

Cái riêng tạo ra dấu ấn chính là bản sắc. Trong lịch sử đi chinh phục những miền đất mới, việc tạo ra bản sắc cho vùng đất ấy không phải là điều dễ dàng, có khi cần đến công lao xây đắp của cả một thế hệ. Vậy mà những dấu ấn được các nhà báo chỉ ra Bạc Liêu chỉ xây dựng hoặc tôn tạo lại nó trong vòng 2 - 3 năm nay. Rõ ràng cái mốc “2 - 3 năm nay” trở thành một bước ngoặt trong tiến trình vận động phát triển của Bạc Liêu. Cứ nghĩ Bạc Liêu đang xảy ra một bước ngoặt lịch sử, một sự bứt phá là xúc động. Đó là thành quả của công sức và tâm huyết với khát vọng phát triển cháy bỏng của bao đồng bào, đồng chí mình.

Là công dân thành phố, sáng nào tôi cũng chạy xe đi làm, vậy mà rồi có những cảm xúc lạ xảy ra. Tháng lập đông hoa ban nở, tôi đi từ đường Lê Duẩn rồi quẹo sang đường Nguyễn Tất Thành và dừng lại ở Quảng trường Hùng Vương. Và tôi thẫn thờ trước cái đẹp hồng thắm lộng lẫy của hoa ban điểm dài những con đường rộng lớn đầy hoa thơm cỏ lạ. Bất giác tôi bật thốt: Ôi! Cái chợ Bạc Liêu ủ dột trong những đám mưa chiều của tôi ngày nào giờ nó đẹp đến thế ư? Thế rồi một tình yêu thành phố, đất địa chôn nhau cắt rốn của mình dâng lên đến nao lòng. Rồi tôi nghĩ đến các con tôi, đời chúng nó thật diễm phúc, được sống trong một thành phố với không gian đẹp và đầy những điều chứa chan biết nói về ông cha mình.

Một buổi sáng, tôi đến và một mình đứng ngắm nhìn Tượng đài Mậu Thân 1968. Cái tượng đài ấy đã gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh các anh giải phóng hy sinh trên TP. Bạc Liêu vào hơn 40 năm trước. Hồi ấy họ trẻ lắm, mới mười chín đôi mươi, họ nằm, khuôn mặt bình thản, người mặc chiếc áo li-phăng xanh, cái quần ni-lông dầu rách bươm... Tượng đài Mậu Thân gợi mở cho các con tôi biết rằng, nó đang sống trong một thành phố đẹp như cổ tích hôm nay phải đổi bằng xương trắng máu đào. Rằng trong đội quân tiến vào Bạc Liêu của hơn 40 năm trước có một trung đội 32 người chỉ còn lại hai bác của nó được về với cha mẹ, gia đình mà thôi. Máu của họ đã làm sâu thẳm thêm tâm hồn thành phố. Tượng đài Mậu Thân hôm nay là một công trình có tiếng vọng của quá khứ.

Tương tự như thế, nhiều công trình mới mọc lên ở Bạc Liêu chứa đựng những điều biết nói. Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới là một thí dụ, đó là nơi ghi dấu một câu chuyện thiêng liêng và cảm động rằng: vào hơn 40 năm trước có một cuộc chiến tranh đầy máu lệ, bom cày đạn xới cứ tưởng không thể sống nổi ở đất này. Vậy mà từ trong tăm tối đau thương, người Bạc Liêu đã dựng lên Đền thờ Bác Hồ để giữ lửa niềm tin cách mạng mà đi đến thắng lợi cuối cùng.

Hôm nay, chúng ta tôn tạo, mở rộng và nâng cấp đền thờ là khẳng định một đức tin để mà truyền lửa cho thế hệ tiếp sau.

Còn khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là để minh họa một tầng sâu của đất này. Người Bạc Liêu không chỉ hào hiệp, nghĩa tình mà còn là những con người tài hoa, tài tử. Họ đã sáng tạo ra Dạ cổ hoài lang và các bài bản cổ nhạc để góp phần một cách xuất sắc hình thành và phát triển một tài sản phi vật thể quý giá của nhân loại là đờn ca tài tử Nam bộ.

Tôi thấy rằng, việc xây dựng một loạt công trình trong 2 - 3 năm qua ở Bạc Liêu đã có sự lựa chọn rất kỹ lưỡng. Nó vực dậy được hồn cốt Bạc Liêu, nó huy động được những giá trị của hôm qua. Vì thế mà nó có sức gợi mở, làm cho người ta phải nhớ nên nó là dấu ấn Bạc Liêu, sức mạnh của Bạc Liêu.

Mới đây, một người em rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đại diện gia đình nhạc sĩ và nhà báo Trần Trọng Chức, nguyên là Thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, nay làm cố vấn cho “đêm nhạc Trịnh Công Sơn” với chủ đề “Nối vòng tay lớn” về Bạc Liêu đi tiền trạm để tổ chức đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ (vào khoảng tháng 5/2015). Đây là một chương trình lớn, năm 2013 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút 35.000 người và nó chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh. Và năm 2015 họ quyết định tổ chức tại Bạc Liêu với một cái lý mà cả hai người đều nói giống nhau: Bạc Liêu có một quảng trường đẹp nhất nước, nó đẹp giản dị mà tao nhã… rất phù hợp cho một đêm nhạc Trịnh, dự kiến sẽ quy tụ đến 15.000 người. Hơn thế nữa, Bạc Liêu là vùng đất văn hóa, tổ chức một sự kiện văn hóa trong một không gian văn hóa là vô cùng hợp lý.

Tương tự như thế, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã nói mà có lần tôi viết trên báo rằng: sở dĩ Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chọn Bạc Liêu làm địa điểm cho vòng chung khảo cuộc thi Hoa hậu phía Nam năm 2014 là vì Bạc Liêu thừa nhận sức mạnh văn hóa trong tiến trình phát triển. Vòng chung khảo phía Nam diễn ra ở một vùng đất văn hóa sẽ làm danh giá hơn cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Rồi Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014, Trung ương và các tỉnh chọn Bạc Liêu cũng vì lý do văn hóa. Sau và trước đó, các sự kiện văn hóa lớn của các hội: Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam... đều được tổ chức tại Bạc Liêu cũng vì lý do văn hóa. Điều đó chứng tỏ sức hút của Bạc Liêu, chứng tỏ đường hướng phát triển lấy văn hóa làm động lực trực tiếp, sức mạnh nội sinh của Bạc Liêu là đúng đắn đến hồn nhiên, đúng đắn như một quy luật.

Và trên hết, ta thấy cách thức phát triển đó đã làm cho nhịp đời của Bạc Liêu rộn rã hơn, hết lễ hội này tới hoạt động văn hóa khác. Những sự kiện văn hóa đã làm cho chất lượng cuộc sống, đặc biệt là về mặt tinh thần của con người Bạc Liêu được nâng cao rõ rệt. Ngày hôm nay đã đẹp, đã vui hơn ngày hôm qua, năm này đã thay đổi nhiều hơn năm trước, sự thay đổi ấy phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, cứ tưởng với tay là nắm bắt được nó.

Tôi ngẫm nghĩ, cuộc đời quanh quẩn ở Bạc Liêu của mình đã chứng kiến ba bước ngoặt của Bạc Liêu. Hồi tôi còn bé là Bạc Liêu vật vã với chiến tranh để giành độc lập. Đến khi tôi trở thành thanh niên và mấy chục năm tiếp sau là một Bạc Liêu hàn gắn vết thương chiến tranh, chống đói nghèo với mục tiêu no cơm ấm áo. Và bây giờ, rất rõ ràng, tôi đang chứng kiến một Bạc Liêu chuyển mình đi lên với tư thế mới và mục tiêu mới là phải ăn ngon, mặc đẹp, vì phẩm giá con người Bạc Liêu. Có đêm tôi nằm và cảm nhận được mình đang sống trong thời khắc lịch sử hết sức quan trọng của quê hương mình. Đất địa đang rùng mình chuyển động, bánh xe lịch sử đang quay với nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thử thách. Anh Duy Hoàng, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, một người sinh ra ở Cà Mau nhưng tại cuộc họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy lần thứ 28, khi bàn về cách thức phát triển Bạc Liêu, anh đã nói một câu làm người Bạc Liêu như tôi xúc động: “Nếu không khéo, nếu chần chừ, chúng ta sẽ có tội với lịch sử…”.

Vâng! Đời đã vui hơn rồi, đường đi nước bước cũng đã rõ ràng, cụ thể. Và mùa xuân cũng đã về đậu trên má thiếu nữ… Có lý do gì ta lại đứng ngoài vòng đời, đứng ngoài mùa xuân náo nức? Hãy cùng với quê hương nhịp bước rộn ràng mà đi tới tương lai.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.