Xuân Ất Mùi 2015
Cánh đồng lớn: “Cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp
Bây giờ về nông thôn, đi đến đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện trúng mùa nhờ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Quả thật, những CĐML rồi đến cánh đồng lớn (CĐL) đã tạo nên những mùa vàng cho nông dân, và là một “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Từ CĐML đến CĐL
Tham gia CĐML qua 3 vụ/năm với năng suất bình quân gần 7 tấn/ha, nông dân Nguyễn Văn Chuối (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) đã đặt hết niềm tin vào mô hình sản xuất tiên tiến này.
Anh Chuối vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu tham gia CĐML: “Trước đây, giống không được chọn lọc kỹ, sạ dày nên lúa dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp. Còn bây giờ, tham gia CĐML, được kỹ sư hướng dẫn làm theo quy trình sản xuất khoa học nên năng suất lúa rất cao, đạt 6 - 7 tấn/ha, có ruộng đạt 8 tấn/ha”.
Nông dân huyện Giá Rai tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: M.Đ |
Mô hình CĐML, hướng dẫn ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP được thực hiện đầu tiên tại xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai) và Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) trong 3 vụ lúa liên tiếp (từ năm 2013 - 2014), tổng diện tích mô hình hơn 1.299ha với 903 nông dân tham gia.
Điều kiện để thực hiện mô hình CĐML là sản xuất phải trên diện tích lớn liền kề nhau, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa sản xuất và công tác quản lý đồng ruộng… Vì vậy, kể từ khi thực hiện mô hình, nông dân cũng chấp nhận “kỷ luật đồng ruộng”, tức là tuân thủ mọi quy trình từ xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch - điều mà trước đây rất khó thực hiện vì sản xuất theo cách truyền thống. Mô hình CĐML sau khi giúp nông dân huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai làm giàu đã được nhân rộng đến các huyện Phước Long, Hồng Dân, Hòa Bình… Mỗi huyện xây dựng CĐML với diện tích 200ha trong giai đoạn 2014 - 2015. Đây chính là đòn bẩy để xây dựng CĐL, tạo vùng lúa nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp.
Sau khi mô hình CĐML thành công, ngành Nông nghiệp tỉnh bắt đầu tính đến việc xây dựng CĐL. Đó là mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh lúa hiệu quả, bền vững theo hướng GAP. Doanh nghiệp cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến thẳng người nông dân, không qua trung gian. Và doanh nghiệp thu mua lúa hoặc đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân.
Nông dân xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) thu hoạch lúa thu đông. Ảnh: M.Đ |
Mô hình CĐL là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng được nhân rộng có hiệu quả như ý nghĩa của nó, có nhiều bài toán cần được giải quyết. Đó là phải làm tốt công tác quy hoạch cải tạo đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; thu hút, liên kết với nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…
Bà Hồng Kim Thư, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Tham gia CĐL, nông dân cũng áp dụng các quy trình sản xuất như CĐML. Song, việc xây dựng CĐL có sự liên kết chặt chẽ hơn, doanh nghiệp tham gia phải xây dựng vùng nguyên liệu, bao trọn gói từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Quy mô CĐL lớn hơn rất nhiều so với CĐML, có thể từ vài trăm đến vài ngàn héc-ta, đồng loạt sản xuất từ 1 - 2 loại giống lúa. Mối quan hệ “4 nhà” ở mô hình CĐL cũng chặt chẽ hơn nhiều so với mô hình CĐML”.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của những CĐL, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác ở huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai đang được gấp rút củng cố. Những đơn vị sản xuất này sẽ thay mặt nông dân ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm do nông dân làm ra. Các công ty đã liên kết sản xuất với Bạc Liêu tổng diện tích 4.393ha và tiêu thụ gần 24.000 tấn lúa. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cũng đã liên kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện tích 3.553ha. Còn Công ty Lương thực Bạc Liêu đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa hàng hóa của 400 hộ nông dân sản xuất trên diện tích 500ha tại huyện Hồng Dân và huyện Phước Long trong vụ lúa đông xuân năm 2014. Ngoài ra, nhiều công ty cũng đã liên kết với Bạc Liêu sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua mô hình CĐML như Công ty Việt Long, Công ty Khánh Tâm (tỉnh Long An)… Theo ông Trần Quốc Thống, Quyền Giám đốc Công ty Lương thực Bạc Liêu: “Liên kết trực tiếp với nông dân là hướng kinh doanh chiến lược của công ty trong thời gian tới, nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài và hướng tới kinh doanh lúa sạch, bảo đảm đạt tiêu chuẩn GAP, gạo xuất khẩu…”.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững là những bất cập của nền sản xuất nông nghiệp Bạc Liêu từ bấy lâu nay. Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải kiến thiết lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung. Từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo những mặt hàng nông sản chất lượng cao, vùng nguyên liệu lớn. Đây cũng là điều kiện để tập hợp “4 nhà” với mục tiêu tạo ra những mùa vàng cho nông dân, giúp nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
Minh Đạt