Xuân Ất Mùi 2015
Hành trình đưa gạo Bạc Liêu sang Nhật
Vậy là ước mơ đưa gạo Bạc Liêu vươn xa, vươn cao nay đã trở thành hiện thực. Hạt gạo Bạc Liêu giờ đây không chỉ bay xa về mặt địa lý mà còn chinh phục đỉnh cao chất lượng khiến người tiêu dùng sành điệu như Nhật cũng phải gật đầu.
Những cánh đồng tiêu chuẩn Nhật
Tết Nguyên đán 2015, nông dân trồng lúa Bạc Liêu lại một lần nữa đón nhận mùa xuân ấm áp. Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc (gọi tắt là Công ty Vĩnh Lộc, thuộc Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, trụ sở tại huyện Hồng Dân) báo tin vui: “Năm 2013, những tấn gạo đầu tiên của Bạc Liêu đã thâm nhập thị trường Nhật Bản. Và những lô hàng kế tiếp “Made in Bac Lieu” cũng đã lần lượt vượt sóng đại dương đến với nước Nhật trong niềm vinh hạnh”.
Ông Dũng cho biết, phía bên đối tác nhập khẩu từ chỗ đưa ra rào cản kỹ thuật phải đạt đủ trên 500 chỉ tiêu chất lượng gạo ở năm 2012 thì sang năm 2013 nâng lên 609 chỉ tiêu. Trong đó, họ đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất tồn dư trong gạo. Nhưng đổi lại, người tiêu dùng Nhật không cần gạo thơm từ phía Bạc Liêu mà chỉ cần gạo dẻo, ngon được sản xuất theo quy trình an toàn.
Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc giao lúa giống cho nông dân để thực hiện quy trình sản xuất lúa đạt chất lượng đồng bộ. Ảnh: T.Đ |
Công ty Vĩnh Lộc cho hay, cách đây vài tháng, đối tác bên Nhật đã cử hai đoàn chuyên gia đến tận đồng ruộng, gặp gỡ nông dân để kiểm tra quy trình canh tác lúa tại huyện Hồng Dân. Sau khi bốc ngẫu nhiên một vài cuốn sổ nhật ký sản xuất, chuyên gia của họ đề nghị nông dân đưa họ ra đồng đối chiếu với những gì đã ghi chép. Và họ tiếp tục mang mẫu lúa gạo đem về để phân tích chất lượng. Ngoài ra, họ còn kiểm tra dây chuyền, công nghệ xay xát và khâu bảo quản gạo tại nhà máy. Ông Đặng Văn Dũng kể: “Mới đây, phía bên đối tác phúc đáp một câu nghe phấn khởi vô cùng: Nếu ai muốn mua lúa gạo Việt Nam nên lấy chỉ tiêu chất lượng của Công ty BVTV An Giang làm chuẩn”.
Niềm tự hào ấy trước hết thuộc về nông dân, bởi họ là chủ thể chính thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thay thế vào đó là những cánh đồng mẫu lớn liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Và trong mối liên kết đó, đến với mảnh đất Bạc Liêu ân tình, Công ty BVTV An Giang đóng góp “2 nhà” quan trọng là nhà khoa học và nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ở cánh đồng đó, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân phải tham gia quy trình canh tác “4 cùng” là: cùng giống lúa, cùng gieo sạ, cùng ra đồng (thăm đồng) và cùng thu hoạch để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng bộ.
Theo đó, mỗi hộ nông dân được đầu tư đồng bộ từ giống chất lượng cao, vật tư nông nghiệp (tương ứng khoảng 11 triệu đồng/ha) đến việc hỗ trợ tối đa kỹ thuật canh tác…
Quyết cùng nông dân đổi đời
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: “Sản xuất lúa theo quy trình khép kín mà Công ty BVTV An Giang đang làm tại Bạc Liêu là cách làm hay nhất hiện nay, chất lượng lúa gạo luôn đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng khó tính nhất. Đứng ở góc độ “Nhà nước”, Sở đang khuyến khích nông dân tham gia vào mô hình này vì sự phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn”.
Bốc dỡ gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Bốn đời sống bằng nghề trồng lúa, ông Ba Sang (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Chưa có thời nào nông dân sướng như bây giờ! Làm ruộng được đỡ đầu đủ thứ, tới khi thu hoạch còn được công ty thu mua với giá cao hơn giá trên thị trường, lại không cực nhọc phơi, sấy, bảo quản lúa”.
Theo Công ty Vĩnh Lộc, vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 này, vùng lúa nguyên liệu của công ty đã tăng lên 8.100ha. Tham gia vào vùng lúa ấy ở Bạc Liêu có 5 huyện là Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và Giá Rai.
Cách làm mà Công ty Vĩnh Lộc hướng tới là tạo cho lúa gạo Bạc Liêu một chỗ đứng vững chắc, khẳng định thương hiệu theo một cách riêng trên thị trường lúa gạo thế giới. Đồng đất - đồng vàng ở Bạc Liêu rồi đây sẽ trở thành hiện thực.
Ông Đặng Văn Dũng cho biết thêm một tin vui, ngoài hai đối tác nhập khẩu đang có ở Nhật, mới đây, Tập đoàn siêu thị lớn nhất Nhật Bản (Mitsubishi) đã mua của Công ty BVTV An Giang tới 34% cổ phần. Đây là điều kiện rất tốt để gạo Bạc Liêu nói riêng và gạo của Công ty BVTV An Giang nói chung thâm nhập sâu hơn vào hệ thống siêu thị Nhật Bản. Một số chuyên gia lúa gạo từng khẳng định, trong lúc lúa gạo Việt Nam vẫn chưa có được thương hiệu, mà sản phẩm gạo từ cách làm mới ở Bạc Liêu sớm có thương hiệu ở Nhật là một kỳ tích. Hiện, gạo của Bạc Liêu còn thâm nhập ở thị trường các nước châu Âu với giá xuất khẩu cao hơn gạo của các doanh nghiệp khác từ 30 - 50 USD/tấn.
Tấn Đạt