Xuân Ất Mùi 2015
Liên kết “4 nhà” để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững
Thực hiện việc liên kết “4 nhà” trong phát triển chính sách “tam nông” của Chính phủ, sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, đến nay, huyện Hồng Dân đã liên kết được với một số doanh nghiệp để sản xuất theo hợp đồng bao tiêu. Đơn cử như Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, Công ty Lương thực Bạc Liêu. Đây là phương thức liên kết doanh nghiệp đầu tư cho nông dân ứng trước lúa giống, phân bón, thuốc BVTV; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa; sau khi thu hoạch, nông dân bán lúa cho doanh nghiệp và trừ lại chi phí đã ứng trước không tính lãi.
Cầu gỗ địa phương dần được thay mới bằng cầu bê-tông. Ảnh: Minh Triết |
Vụ đông xuân 2014 - 2015, nông dân đã ký kết sản xuất 2.034ha lúa với các doanh nghiệp, trong đó Công ty Cổ phần BVTV An Giang 1.684ha, Công ty Lương thực Bạc Liêu 350ha. Việc thực hiện cánh đồng lớn, liên kết với các công ty bao tiêu sản phẩm cho nông dân đã mang lại nhiều hiệu quả. Nông dân tham gia liên kết sản xuất đều có lãi cao hơn so với sản xuất thông thường vì được cung cấp giống tốt (giống xác nhận), được cán bộ nông nghiệp tư vấn về kỹ thuật nên sản phẩm lúa có chất lượng cao và bán được giá. Mặt khác, do được bao tiêu sản phẩm đầu ra nên nông dân an tâm sản xuất.
Chợ nổi Ngan Dừa. Ảnh: Đặng Quang Khương |
Toàn vùng ngọt của huyện có 160 ô đê bao với diện tích 7.475ha. Đây là các “ô đê bao khép kín lỡ” (không khép kín hoàn toàn). Vào mùa nước lớn thì ruộng ngập hoàn toàn, khi nước rút thì người dân và chính quyền địa phương tổ chức bơm tát đồng loạt để xuống giống. Qua đó đã tạo những cánh đồng xuống giống tập trung, dễ quản lý về dịch hại, thu hoạch đồng loạt nên giảm chi phí trong sản xuất. Huyện cũng đã đưa vào vận hành 4 trạm bơm để bơm tát nước khi ruộng bị ngập.
Mô hình liên kết “4 nhà” trong tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, ổn định nền sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình này góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản của huyện đạt 1.204,17 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và đạt 110% so với năm 2013.
Mô hình lúa - cá đồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện Hồng Dân. Ảnh: T.H |
Năm 2014, với sự nỗ lực của toàn Đảng, quân và dân trong huyện nên tình hình kinh tế - xã hội huyện Hồng Dân tiếp tục phát triển ổn định, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thắng lợi đó là nhờ có sự giúp đỡ của cấp tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm của Huyện ủy, UBND huyện.
Năm 2015, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất lúa với Công ty Cổ phần BVTV An Giang; chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác liên kết “4 nhà”; mở rộng hợp tác bao tiêu sản phẩm của nông dân với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, phục tráng giống lúa Một bụi đỏ lần 2 để từng bước phủ diện tích còn lại ở vùng mặn. Đồng thời thực hiện chương trình hành động của tỉnh về phát triển vùng Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; chương trình của huyện về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Lương Phương Đông, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân