Xuân Ất Mùi 2015
Nặng nghĩa một miền quê
Năm nào cũng vậy, tết đến, xuân về là hàng trăm sinh viên quê Hồng Dân nôn nao hướng về xứ sở. Về với quê nhà, họ không chỉ được tặng học bổng mà còn nhận được tình cảm đong đầy từ phía các cô chú lãnh đạo như những món quà vô giá làm hành trang trên đường học tập.
Ngày hội khui heo đất tiết kiệm khuyến học ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) do Hội LHPN huyện phát động. Ảnh: T.Đ |
Đã gần 10 năm qua, ngọn lửa khuyến học - khuyến tài ở huyện Hồng Dân vẫn “cháy” trong tim mọi người. Về miền quê ấy những ngày giáp Tết Ất Mùi, chúng tôi cảm nhận một điều rất khác so với nhiều nơi trong tỉnh. Mỗi người một việc, từ lãnh đạo huyện, xã rồi các ban ngành cho tới cán bộ, giáo viên và những người dân bình thường đều làm công tác khuyến học. Họ đến với chuyện học tập của thế hệ trẻ đong đầy tình cảm như chính con em trong gia đình mình.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quới A, “khoe” với chúng tôi: “Cuối năm 2014, quỹ Khuyến học của xã còn gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đã chi hàng chục triệu đồng cho các hoạt động giáo dục. Ở xã này, vận động quỹ Khuyến học - khuyến tài dễ hơn tất cả các loại quỹ khác”.
Còn bà Tô Thị Mỹ Thuận, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hồng Dân, có cái nhìn đầy lạc quan về chủ trương xây dựng xã hội học tập mà huyện đang làm. Bà Thuận cho biết, ban ngành nào cũng có công trình, phần việc khuyến học, nhưng Hội LHPN huyện thì chọn công trình nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học với 100% hội viên tham gia. Kết quả, trong 3 năm (từ 2012 - 2014), hội viên phụ nữ của huyện đã tích cóp được 609 triệu đồng thông qua các ngày hội khui heo đất.
Ở huyện Hồng Dân, khuyến học - khuyến tài không chỉ thực hiện bằng trao học bổng, khen thưởng giáo viên, học sinh, tuyên dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học hoặc hỗ trợ thầy trò vượt khó, mà luôn đa dạng về hình thức. Nghĩa là ai có gì góp nấy vào bất cứ thời điểm nào, kể cả dụng cụ học tập, xe đạp, quần áo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hiến đất xây trường, nuôi heo đất tiết kiệm… Có người còn tình nguyện hỗ trợ riêng cho học sinh đặc biệt khó khăn bằng chính cái tâm của mình. Và không chỉ cán bộ, người dân trong huyện mới làm việc ấy, nhiều người con của Hồng Dân xa quê cũng luôn hướng về quê nhà để tài trợ khuyến học - khuyến tài.
Theo thống kê của Hội Khuyến học huyện Hồng Dân, toàn huyện đã có 251 chi hội khuyến học. Đáng chú ý, ở mỗi ấp, cơ quan, ban ngành, trường học đều có chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả. Năm 2013, riêng quỹ Khuyến học ở hai cấp huyện và xã của huyện Hồng Dân có hơn 800 triệu đồng. Nguồn quỹ này ở năm 2014 lên tới 1,6 tỷ đồng. Đó là chưa tính các nguồn xã hội hóa giáo dục hơn 1,3 tỷ đồng và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng học bổng 945 triệu đồng. Hội viên Hội Khuyến học trên địa bàn huyện hiện nay đã đạt 12,3% dân số.
Bà Nguyễn Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân trao giấy khen và học bổng cho sinh viên đỗ kết quả cao vào các trường đại học. Ảnh: Tùng Lâm |
Không thể nói hết sự quan tâm của huyện Hồng Dân cho phong trào khuyến học - khuyến tài. Song, điều mà ai cũng thấy, việc học ở vùng quê này lúc nào cũng được nâng niu, trìu mến. Gặp chúng tôi, ông Danh Sang, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện báo tin trong niềm phấn khởi: “Tết này, Hồng Dân tiếp tục có 89 em thi đỗ vào các trường đại học được huyện tặng học bổng. Mỗi em được tặng từ 0,5 - 3 triệu đồng (tùy theo nguyện vọng thi đỗ). Toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa”. Ông Sang không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu sinh viên được tặng học bổng như vậy, nhưng ông nhớ chắc chắn từ năm 2006 đến nay, chính sách ấy chưa bao giờ gián đoạn trên vùng đất hiếu học này.
Phòng Nội vụ huyện Hồng Dân cho biết, Đề án 01 của huyện đến thời điểm này đã thu hút được 53 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác ở cơ sở. Tất cả các em đều là con em quê hương Hồng Dân. Mỗi xã, thị trấn được tăng cường từ 5 - 7 cử nhân như vậy ở các chuyên ngành.
Em Phan Thị Thu Thảo, hiện là cán bộ thống kê UBND xã Ninh Hòa, bày tỏ: “Ngày đầu bước vào giảng đường đại học, được tặng học bổng của huyện là một bất ngờ đối với bản thân em. Bởi vì em nghĩ Hồng Dân vẫn còn quá nghèo. Và chính điều đó luôn thôi thúc, động viên em phấn đấu học tập để ngày hôm nay trở về cống hiến”. Hiện tại, Thu Thảo đang nối gót những người đi trước đóng góp trở lại cho phong trào khuyến học - khuyến tài của huyện. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa, đánh giá: Dù thời gian công tác chưa dài nhưng các em tiến bộ rất nhanh cả về năng lực thực tiễn lẫn lý luận. Một số em đang được xã quy hoạch vào cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nói chuyện nghĩa tình quê hương, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân cho rằng, là miền quê nghèo, đất đai canh tác còn lắm khó khăn, nên huyện xác định đi lên bằng nguồn nhân lực là một hướng đi đúng đắn. Và mục tiêu đó đang trở thành nền tảng cho sự phát triển của huyện.
Hữu Duyên