Xuân Ất Mùi 2015
Những cánh chim không mỏi
Những mùa xuân tuổi trẻ đi qua, cũng là lúc những người đã cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội ở tuổi hưu trí được hưởng thụ những mùa xuân an nhàn. Thế nhưng, vẫn có những tấm gương “tuổi cao trí càng cao” với nhiệt huyết đóng góp sức mình cho cộng đồng.
Ông Lê Hoàng Minh (đứng bìa phải) - Chủ tịch Hội Hữu nghị nhân dân các tỉnh Bạc Liêu làm việc với đoàn Việt kiều Pháp làm công tác từ thiện ở huyện Phước Long. Ảnh: T.T |
Khỏe nhờ “vác tù và”
Phần thưởng mà Hội Khuyến học tỉnh dành tặng cho cô Trương Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước Long (huyện Phước Long) vì đóng góp xuất sắc cho công tác Hội năm vừa qua là chuyến ra Hà Nội dự hội nghị tổng kết của Hội Khuyến học Trung ương.
Bằng kinh nghiệm và sự tận tụy của một giáo viên về hưu hơn 5 năm, cô Ngọc Anh đã góp phần đưa phong trào khuyến học - khuyến tài của xã ngày một phát triển. Miệt mài đến từng hộ, gõ cửa từng nhà, trò chuyện với từng cá nhân, cô Ngọc Anh đã vận động hơn 150 hội viên để thành lập 12 chi hội khuyến học, đồng thời xây dựng 4 dòng họ và 200 gia đình hiếu học.
Để phong trào trở nên thiết thực nhằm hỗ trợ học sinh nghèo trong xã, cô và các thành viên trong Hội đã vận động quỹ Khuyến học hơn 113 triệu đồng. Cô Ngọc Anh chia sẻ: “Nếu cứ ở nhà cho hết ngày thì chẳng bao lâu mình sẽ trở thành bà lão lụ khụ. Nhờ vác tù và như thế này mà cảm thấy tinh thần phấn chấn vì mình vẫn còn có ích”.
Còn chú Tư Lạc (thương binh 3/4, nguyên Trưởng Ban Dân vận huyện Đông Hải) đã thành lập câu lạc bộ (CLB) Uống nước nhớ nguồn xã Long Điền Đông A với sự tham gia của 200 cán bộ hưu trí, cán bộ, giáo viên trong xã.
Mỗi thành viên của CLB tiết kiệm 1.000 đồng/ngày để dùng vào các hoạt động như: sửa chữa nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các đối tượng chính sách bị bệnh tật. Và vào những dịp xuân về, CLB tặng 60 hộ chính sách khó khăn của xã phần quà trị giá 300.000 đồng/hộ. Ngoài việc duy trì hoạt động CLB trên, chú Tư Lạc còn được người dân địa phương kính trọng khi tích cực vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh xây dựng 5 cây cầu trị giá hơn 875 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học trao bằng khen của Trung ương Hội cho Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu đã có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học của tỉnh. Ảnh: C.K |
Gương sáng giữa đời thường
Gặp chú Nguyễn Kiên Nhẫn (Sáu Nhẫn), Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khi chú đang hoàn tất báo cáo sau đợt kiểm tra chéo công tác khuyến học ở các huyện, thành phố. Chỉ trong năm 2014, quỹ Khuyến học toàn tỉnh đã vận động được trên 40,5 tỷ đồng (bằng tiền mặt và hiện vật). Qua đó, tặng trên 6.130 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, rồi khó khăn của đất nước trong những ngày đầu giải phóng, nên bản thân chú Sáu Nhẫn gặp rất nhiều thiệt thòi trong học tập. Từ đó, chú Sáu Nhẫn nghiệm ra rằng tri thức sẽ giúp rất nhiều cho cuộc sống cá nhân, là nền tảng của một địa phương nói riêng, đất nước nói chung phát triển. Do đó, chú rất tâm huyết với công tác khuyến học. Sau khi nghỉ hưu, chú đã không do dự khi tiếp tục góp sức mình cùng sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
“Tuổi cao trí càng cao”, đó là hình ảnh của chú Lê Hoàng Minh (Hai Minh), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã về hưu, hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị nhân dân các nước tỉnh Bạc Liêu. Ở cương vị của mình, chú không chỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân tỉnh Bạc Liêu với nhân dân các nước trên thế giới, mà qua đó đã tích cực vận động, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng cho quê hương. Chẳng hạn như kêu gọi tổ chức S.N.S của Anh đầu tư cho Dự án rừng ở huyện Đông Hải trong 5 năm với kinh phí gần 2 tỷ đồng/năm; vận động hỗ trợ 300 chiếc xe lăn cho người khuyết tật; vận động cất nhà tình thương, nhà tình nghĩa… Chú Hai Minh chia sẻ: “Chú nghĩ, mỗi người nên tiếp tục cống hiến nếu có thể. Có khi đóng góp bằng tiền, bằng công sức, bằng lời nói, nhưng sự đóng góp đó rất có ý nghĩa. Qua đó, sẽ cảm thấy mình còn giá trị ở cuộc đời này”.
Còn biết bao những cánh chim không mỏi như cô Ngọc Anh, chú Tư Lạc, chú Sáu Nhẫn, chú Hai Minh đã và đang có những đóng góp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương. Những cô chú ấy chính là những tấm gương sáng giúp thế hệ trẻ biết thế nào là sống đẹp và sống có ích.
Tuyết Đình