Xuân Ất Mùi 2015
Những người “canh cửa” chủ quyền biển, đảo
Bạc Liêu có đường biên giới biển dài 56km, với 3 cửa biển quan trọng là Nhà Mát, Cái Cùng và Gành Hào. Ngư dân Bạc Liêu chủ yếu bám biển, ra khơi tại ba khu vực này. Họ chính là những “cột mốc chủ quyền” di động trên biển, góp phần cùng với các lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Cột mốc chủ quyền” di động
Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Giữa đại dương mênh mông, ở nơi tận cùng hải phận của đất nước, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân chính là những “cột mốc sống” trên biển. Trong quá trình đánh bắt hải sản, họ vừa là những người lao động cần cù, vừa là lực lượng cảnh giới, phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về tình hình trên biển và tham gia tìm kiếm cứu nạn, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập trái pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài trong vùng biển của Tổ quốc. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, ngư dân là lực lượng hỗ trợ, phối hợp cùng các lực lượng chuyên trách (Cảnh sát biển, Kiểm ngư, BĐBP, Hải quân) đấu tranh tại thực địa để bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
* Bộ đội Biên phòng tuyên truyền chính sách, pháp luật cho ông Phạm Đình Khương, Tổ trưởng Tổ Đoàn Kết 1 đánh bắt trên biển. Ảnh: M. Đạt * Tuần tra bảo vệ bờ biển. Ảnh: Nguyễn Xuân Hãn |
Thiếu tá Lê Viết Quỳnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cái Cùng cho biết, các tàu đánh cá của ngư dân chính là cánh tay đắc lực của lực lượng biên phòng trên biển. Biển cũng chính là nhà, là quê hương của ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ, ngoài những sản phẩm đánh bắt được thì họ còn thực hiện những hoạt động phối hợp với Đồn Biên phòng để bảo vệ biên giới biển.
Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo
Đối với ngư dân, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo luôn được thực hiện theo chiến lược “Vận dụng là chính, nói luật ít, thực hành nhiều”. Bởi những văn bản pháp lý, những công ước về Luật Biển… sẽ khó nhớ hơn là những tọa độ theo con mắt nhà nghề đi biển. Rất nhiều ngư phủ có thâm niên có thể kể vanh vách chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở vùng biển phía Đông, phía Tây nằm ở tọa độ nào tới tọa độ nào, gồm những đảo, quần đảo gì. Và cần phải kiên trì bám biển, đấu tranh không khoan nhượng với tàu lạ để giữ ngư trường, giữ biển.
Nhận thức được tầm quan trọng này, BĐBP tỉnh luôn chủ động hướng các Đồn biên phòng quan tâm đến việc giáo dục ngư dân trong nhận thức về chủ quyền biển, đảo theo cách sáng tạo, nâng cao hiểu biết của ngư dân về chủ quyền biển, đảo từ chính công việc của họ. Biến mỗi con tàu khi ra khơi trở thành “tai mắt” cho BĐBP, còn BĐBP chính là điểm tựa an toàn cho ngư dân trong mỗi chuyến tàu. Người dân sống dọc theo miền duyên hải, luôn được trang bị những kiến thức tốt về bảo vệ chủ quyền biển.
BĐBP tỉnh luôn thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ bà con ngư dân trong mọi khó khăn, khuyến khích bà con ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của mình trong công tác bảo vệ bờ biển, bảo vệ biển, đảo. Và nhận thức của ngư dân miền biển về chủ quyền biển, đảo càng được nâng lên.
Kim Phượng