Xuân Ất Mùi 2015
Những sáng tạo vì cuộc sống
Từ những cây thước inox và các thanh nhôm lại có thể tạo ra được nhiều dạng hình học cơ bản; giải pháp rửa dạ dày khép kín tiết kiệm về thời gian, chi phí cho người bệnh… là những sáng tạo có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống được ươm mầm từ niềm đam mê nghiên cứu của các nhà khoa học bình dân.
Những ứng dụng từ thực tiễn
Vượt qua 100 giải pháp của các tác giả và nhóm tác giả dự thi, sáng tạo Bộ thước kẻ toán học của thầy giáo Lê Hoàng Tuấn (Trường tiểu học Châu Thới - huyện Vĩnh Lợi) đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần V - năm 2013. Từ những cây thước inox, các thanh nhôm làm giá đỡ ghép nối lại với nhau, thước có thể điều chỉnh tỷ lệ kéo ra, đẩy vào để tạo được nhiều dạng hình học cơ bản trong chương trình môn Toán bậc tiểu học - giai đoạn các em học sinh tập làm quen với môn Toán hình học. Việc áp dụng giải pháp bộ thước kẻ toán học vào chương trình giảng dạy giúp các em hình thành kiến thức nhanh. Hơn nữa sử dụng bộ thước kẻ còn giúp giáo viên đứng lớp tiết kiệm được thời gian vẽ hình trên lớp - công đoạn tốn khá nhiều thời gian trong tiết dạy. Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là sáng tạo có tính ứng dụng trong nước và quốc tế, có khả năng hoàn thiện và mở rộng ứng dụng cao hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Thanh Dũng trao giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu lần V - năm 2013 cho thầy giáo Lê Hoàng Tuấn. Ảnh: Y.N |
Nói về phương pháp thiết kế chuyển giao công nghệ máy đóng bao ôxy tôm giống - sáng tạo đoạt giải Ba, ông Trần Hoàng Diệp, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho biết: “Trước đây, các quy trình đóng gói cho tôm đều bằng tay, do đó không đáp ứng về mặt thời gian cũng như chất lượng. Máy đóng bao ôxy tôm giống vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn lao động, giúp tôm giống xuất xưởng đạt chất lượng cao”.
Niềm đam mê sáng tạo
Trong từng ý tưởng sáng tạo, không chỉ giúp thầy Tuấn thỏa niềm đam mê, mà còn là cách để thể hiện trách nhiệm với quê hương, cộng đồng. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, có tiêu chí về môi trường, thầy Tuấn đã có sáng kiến xây nhà vệ sinh tự hoại từ những vật dụng đơn giản giúp những gia đình khó khăn, không đủ điều kiện xây nhà vệ sinh nhiều tiền. Hay sáng kiến lọc nước sạch của thầy xuất phát từ việc hằng ngày nhìn một số em học sinh ở vùng sâu vùng xa, địa bàn dân cư không có nước sạch sử dụng.
Mỗi người một vị trí công việc, điểm xuất phát khác nhau nhưng điểm gặp gỡ chung của các nhà khoa học bình dân này là niềm đam mê được khám phá, sáng tạo. Đã từng có thời gian làm công nhân kỹ thuật, vì vậy khi chuyển sang công tác ở lĩnh vực kinh tế, ông Diệp khá bén duyên với những sáng tạo máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Nhiều người thường ví von ông là “nhà khoa học của nông dân” bởi những ý tưởng sáng tạo của ông gắn liền với nông nghiệp, thủy sản như: máy tách hạt ngò rí, máy tạo dòng trồng măng tây, máy dập phế liệu…
Dù chưa có những sáng tạo, phát minh mang tính tầm cỡ nhưng có thể nói, những nhà khoa học bình dân giống như chú ong cần mẫn lặng lẽ cống hiến cho cuộc sống bằng tất cả niềm đam mê.
Anh Tuấn