Xuân Ất Mùi 2015
Phú Quốc: Thiên đường giữa biển khơi
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 đã khép lại, ngôi vị cao nhất đã có chủ. Nhưng với tôi, những ngày tham gia tác nghiệp tại vòng chung kết cuộc thi là những kỷ niệm khó quên, nhất là được trải nghiệm những điều mới lạ ở nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch: đảo Phú Quốc!
Sau khi tham khảo nhiều kênh thông tin, tôi quyết định sẽ đến đảo Phú Quốc bằng xe gắn máy. Làm một chuyến “phượt” dài ngày để khám phá hòn đảo được mệnh danh là đảo ngọc… giữa biển khơi này.
Các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2014 với hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam tại Phú Quốc. Ảnh: C.K |
Đảo ngọc giữa biển khơi
Từ Bạc Liêu, vượt đoạn đường dài gần 150km, tôi đến bến tàu Rạch Giá để bắt tàu ra đảo. Dù là tàu cao tốc hiện đại, 2 tầng, với sức chứa trên 300 hành khách nhưng phải mất gần 3 giờ lao băng băng trên mặt biển với tốc độ trung bình trên 50km/giờ, tàu Superdong III mới đến được đảo. Bến tàu Bãi Vòng (huyện đảo Phú Quốc) dần hiện ra trong tầm mắt. Trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Hòn đảo như bồng bềnh, dập dềnh theo từng cơn sóng giữa biển khơi, giữa trời nước bao la. Thật kỳ lạ, dù giữa biển khơi nhưng nhìn từ xa, đảo Phú Quốc như một viên ngọc trai màu xanh, lung linh trong nắng chiều bởi toàn bộ đảo được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của cây rừng.
Hòn đảo này còn được mệnh danh là đảo ngọc, đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), trải dài từ vĩ độ: 9°53’ đến 10°28’ độ vĩ bắc và kinh độ: 103°49’ đến 104°05’ độ kinh đông. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23km², xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120km và cách thị xã Hà Tiên 45km.
Ngay từ khi đặt chân lên đảo, tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đường từ bến tàu về thị trấn Dương Đông - thủ phủ của đảo, rộng thênh thang, được phủ nhựa phẳng lì, uốn lượn theo từng triền dốc. Dọc hai bên đường, nhiều ngôi biệt thự sang trọng, khuôn viên rộng lớn mọc san sát nhau. Thị trấn sầm uất, người mua, kẻ bán tấp nập… Nếu không ra bến cảng hoặc bãi biển, tôi ngỡ mình vẫn ở đất liền chứ không phải đang ở trên một hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển bởi không khí sinh hoạt nhộn nhịp nơi đây không thua kém bất kỳ một đô thị sầm uất nào.
Thị trấn vào đêm, ánh đèn màu rực sáng. Nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ ẩm thực mọc san sát nhau, tiếng nhạc xập xình. Trên đường phố, nam thanh nữ tú, du khách người nước ngoài tản bộ dọc theo các tuyến phố. Địa điểm thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan, mua sắm là chợ đêm Dinh Cậu. Điểm đặc biệt của chợ này là chuyên bán hải sản tươi sống, ngọc trai, quà lưu niệm… Mỗi khi đêm xuống, hầu như tất cả người dân và du khách đều tập trung về đây để tham quan, mua sắm, vãn cảnh vì ngay phía sau chợ là điểm du lịch Dinh Cậu, công viên bờ kè và cầu cảng. Bến cảng Dương Đông chỉ cách chợ đêm vài chục mét, đây cũng là nơi thu hút du khách với các dịch vụ ngắm hoàng hôn, lặn ngắm san hô, câu mực trong đêm…
Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại chợ đêm Dinh Cậu (huyện Phú Quốc). Ảnh: C.K |
Thiên nhiên kỳ vĩ
Người ta thường ví Phú Quốc như một Việt Nam thu nhỏ. Vì ở đây có núi, có rừng, có sông, có suối, bao bọc xung quanh là biển cả… Khi lần đầu mới đặt chân lên đảo, du khách sẽ rất ngạc nhiên, thú vị với những điều kỳ thú nơi này.
Rừng quốc gia Phú Quốc gần như nguyên vẹn và được xem là khu rừng già nguyên sinh còn lại duy nhất ở Nam bộ. Diện tích rừng quốc gia Phú Quốc hiện nay hơn 8.500ha, có nhiều loại động thực vật quý hiếm. Điểm khác biệt giữa rừng Phú Quốc với nhiều khu rừng khác trong đất liền là tập trung các hệ sinh thái rừng của cả nước: rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng cỏ tranh, rừng thứ sinh và rừng nguyên sinh. Đặc biệt, rừng có nhiều loại dược thảo rất quý hiếm như: bí kỳ nam, cát đầy, nhân trần, sa nhân...
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Do được bảo vệ nghiêm ngặt nên hiện tại độ bao phủ của rừng Phú Quốc chiếm trên 62% diện tích đảo”. Ngoài rừng quốc gia, huyện đảo này còn có nhiều địa điểm du lịch dã ngoại, khám phá như: suối Đá Bàn, suối Tranh, suối Đá Ngọn... Suối Đá Bàn có những tảng đá lớn và bằng phẳng tựa như những mặt bàn thiên nhiên khổng lồ. Tương truyền, những tảng đá này là nơi các tiên nữ thường ngồi tắm mát mỗi lần du ngoạn hạ giới. Đá tầng tầng lớp lớp đổ dài uốn quanh về phía thượng nguồn.
Suối Đá Bàn bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh - dãy núi dài nhất và cao nhất trong 99 ngọn núi ở Phú Quốc. Đây cũng là nguồn cung cấp nước chính cho hồ Dương Đông với chu vi hơn 3,5km, độ sâu 20m, với trữ lượng nước khoảng 5,5 triệu mét khối.
Biển. Những bãi biển đẹp, thơ mộng, hoang sơ với cát thủy tinh lung linh trong nắng là nét đặc thù của hòn đảo này với nhiều bãi tắm nổi tiếng, đẹp nhất nước như: bãi Sao, bãi Dài… Lặn biển ngắm san hô, dạo chợ đêm Dinh Cậu, thưởng thức hải sản tươi sống… là những trải nghiệm thú vị khi đến thiên đường du lịch này.
Du khách xem đua thuyền trên biển tại Phú Quốc. Ảnh: C.K |
Đặc sản độc đáo
Nói đến đặc sản Phú Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến nước mắm Phú Quốc. Tuy nhiên, đó chỉ là một, vì ở đây còn có những đặc sản khác rất hấp dẫn. Rượu sim, si-rô sim - một món quà của núi rừng ban tặng cho người dân nơi đây. Với đặc thù là chế biến theo cách truyền thống nên rượu sim mang đậm hương, vị ngọt của trái sim tự nhiên. Ngoài trái sim, Phú Quốc còn có một loại thức ăn rất ngon là nấm tràm.
Đó là những đặc sản của núi rừng, còn quà của biển cả cũng rất phong phú với ngọc trai, gỏi cá trích, hải sản tươi sống…
Được thưởng thức thực phẩm, hải sản phong phú, tươi sống là điều thú vị đối với du khách khi đặt chân đến đây. Từ nguồn cung cấp phong phú này, các đầu bếp đã chế biến nhiều món ngon, giữ chân du khách như: tiết canh cua, các món ốc hương, nhum, hải sâm… Trong đó, nhum được giới ẩm thực phong cho danh hiệu “đệ nhất cao thủ” trong các món ngon. Bởi, thịt nhum là một món ăn cực kỳ bổ dưỡng. Ăn thường xuyên, cơ thể sẽ dẻo dai, ít mỏi mệt. Một vài lão ngư còn nhắc lại món mắm nhum tiến vua thời nhà Nguyễn. Đó là thứ mắm đặc biệt được chế biến thủ công thật tinh tế. Có lẽ đến nay đã thất truyền vì không nghe nhắc đến.
Với những đặc thù như thế, hiện nay Phú Quốc đang được đầu tư theo hướng phát triển du lịch. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 189 dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư trên 124.000 tỷ đồng, diện tích gần 5.000ha. Thu nhập bình quân năm 2014 của người dân trên đảo ước đạt 82 triệu đồng/người/năm.
Với những dự án động lực, thu hút, phát triển du lịch đã và đang triển khai, hứa hẹn sẽ biến Phú Quốc thành một hòn đảo thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng giữa biển khơi khi hiện tại mỗi năm nơi đây thu hút gần 500.000 khách du lịch, trong đó trên 30% là du khách nước ngoài. Theo ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, năm 2014 này lượng khách đã chạm ngưỡng 600.000 du khách.
Nếu như trước đây Phú Quốc nổi danh, “khét tiếng” với điểm nổi bật là nhà lao Cây Dừa (hay còn gọi là nhà tù Phú Quốc) thì hiện nay, hòn đảo này được biết đến như một viên ngọc lấp lánh giữa biển khơi nhờ nét đẹp hoang sơ, dịu dàng của thiên nhiên và nhiều đặc sản của núi rừng, biển cả độc đáo, khác lạ làm say đắm lòng lữ khách.
Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh lam, thắng cảnh, đặc sản của núi rừng, biển cả… Với những lợi thế đó, từ lâu hòn đảo này được mệnh danh là thiên đường du lịch giữa biển bởi những nét độc đáo, khác lạ không nơi nào sánh kịp…
Châu Khánh