Xuân Ất Mùi 2015
Sống đời
Thuở sinh tiền, mỗi năm, thường là vào ngày hai mươi lăm Tết, khi mọi người dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm tươm tất để đưa ông bà ngoại, tôi cũng bắt đầu trưng lên bàn thờ bình hoa lồng đèn tươi tắn mà ngoại đã tỉa tót, chăm chút cẩn thận từ trước đó khá lâu. Không để lẫn vào các loài hoa sắc màu, sang trọng khác, ngoại cắm hoa lồng đèn một cây, một bình, riêng biệt. Có ai đó trong nhà nhìn ngoại vào những lúc này thì ngoại thường mỉm cười, nói vui: “Sang làm chi cho tốn tiền, hoa sống đời này đã đẹp mà còn… vô giá”! Ý của ngoại tôi đơn giản, chỉ là vì hoa sống đời cù bơ, cù bất sẵn ở góc sân vườn nên chẳng mất tiền mua.
Chiều ba mươi Tết. Ảnh: Q.Khương |
Cây trường sinh - cây sống đời, hoa của nó còn gọi là hoa lồng đèn bởi hoa giông giống những chiếc đèn lồng nho nhỏ bằng ngón tay út dày đặc treo lủng lẳng trên cành nhánh với màu vôi tim tím trắng. Mỗi khi có làn gió nhẹ, nó lung linh, đong đưa càng thêm giống. Hoa lồng đèn là hoa của cây trường sinh hay sống đời mang tính dân dã từ đặc tính hoa, lá rất lâu tàn của nó. Cây có sức sống thật mãnh liệt, chiếc lá - ngay trên bìa lá lúc nào đó vẫn đâm ra được những chồi lá mới, tinh khôi.
Lại có nhiều người gọi tên theo tính chất của nó khi dùng làm thuốc nam, là cây “sáng chua, chiều chát”. Gọi cách nào mọi người cũng đều dễ nhận ra. Cây sống đời thường được nhiều người dùng trị bệnh đau bao tử. Ngày trước, khi bị đau bao tử, dùng một phần, hoặc một chiếc lá sống đời dày, mọng nước nhai với chút muối, nuốt nước từ từ và hầu như cái đau nhanh chóng qua khỏi. Ngoài ra, cây sống đời còn dùng để cầm máu và nhiều bệnh khác nữa ở nông thôn xưa. Nhưng, chính cái tên trường sinh - sống đời của loài hoa này đã khiến ngoại tôi trưng hoa trên bàn thờ, trong phòng khách trong ba ngày tết vì nó mang theo lời gửi gắm, cầu mong được… trường sinh - sống đời bên những ước vọng giàu sang, hạnh phúc, sum vầy… giữa những ngày vui tết nhứt!
Tôi biết đến loài hoa lồng đèn từ khi thấy ngoại chăm chút, cắm vào bình hoa từ những ngày cận tết. Dịp này có lẽ là hình ảnh đẹp nhất, trang trọng nhất của cây hoa trong năm. Thường ngày, thi thoảng trong nhà có ai đó đau bao tử, lỡ bị đứt tay thì mới chực nhớ đến bụi cây sống đời thui thủi ở góc sân vườn. Lâu năm, cây thành bụi và cuối năm, vài cây trong bụi cây ấy vượt lên một nhánh cao cao, vững chãi và lấm tấm trổ hoa. Tôi, dường như năm nào, lúc sinh tiền ngoại cũng bắt gặp tôi ngồi lần mò bóp những chiếc hoa như cái lồng đèn nhỏ xíu đó, để nghe tiếng “lích tích” nho nhỏ, âm ấm giữa hai ngón tay, rồi cười. Tuy phật lòng nhưng ngoại chẳng mấy khi la rầy con cháu, phần vì ngày tư, ngày tết. “Ê! Thằng nhỏ, chơi cái kiểu gì kỳ vậy hả, làm cho nó banh chành hết đi!”. “Hoa này là hoa sống đời mà ngoại, lo gì!” - Tôi chống chế. “Bóp cho bể từng bông vậy, sống nổi không?”...
Bình hoa lồng đèn - hoa sống đời của ngoại vẫn hiện diện trong không gian gia đình vào những ngày tết dù khi ngoại vắng mặt ở trần gian. Vì lẽ, trong không gian ấm cúng của gia đình trong những ngày vui sum vầy ấy, nhìn thấy bình hoa, nhìn những bông hoa lung linh như những giọt nước chực rơi là cứ như vẫn còn phảng phất đâu đó bóng dáng ngoại với nụ cười trên môi khi nói câu: “Sang làm chi cho tốn tiền, hoa sống đời này đã đẹp mà còn… vô giá!”.
Ra Giêng, cả tháng sau hoa mới bắt đầu tàn. Đó là khi những chiếc hoa lồng đèn như thay nhau lần lượt tắt đèn, sẫm màu, nhăn nhúm. Mỗi ngày hoa rụng trên mặt bàn năm, mười cái quanh cái bình hoa. Ngoại nhẫn nại gom những hoa rụng mang ra trước thềm bỏ quanh gốc cây sung. Vậy mà đến cả mười ngày sau khi bắt đầu rụng hoa, ngoại tôi mới chịu dẹp cái bình hoa lồng đèn ấy.
Cõi vô thường, ngoại biết, không có gì có thể sống đời, tồn tại mãi với thời gian. Họa chăng là cái tên sống đời hay trường sinh của nó. Cái tên vốn tồn tại lâu hơn đời hoa. Bởi cái tên mang ý tưởng của niềm hy vọng mà có lẽ, trong những điều ngoại tôi đã từng nghĩ đến và đã không nói ra khi âm thầm chăm chút một loài hoa dân dã nơi quê nghèo vào mỗi dịp xuân về với niềm vui lặng lẽ - sống đời!
Xuân Ất Mùi – 2015
Viết ngắn Trần Xuân Linh