Xuân Ất Mùi 2015
Trò chuyện với những “nhà khoa học chân đất”
Ngày nay, nông dân Bạc Liêu không chỉ là những người sản xuất giỏi, mà còn là những kỹ sư, nhà khoa học. Năm qua, không ít máy móc và công trình nghiên cứu của nông dân Bạc Liêu đã được đưa vào phục vụ sản xuất thành công, đóng góp rất lớn cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
Kỹ sư nông dân
Về Hồng Dân, nghe người ta hay nhắc đến một “kỹ sư chân đất” đã sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy xúc lúa, máy khoan đất, máy phun thuốc trên diện rộng… Đó là ông Lê Văn Chín (ấp Ninh Tân, xã Ninh Quới). Chúng tôi tìm đến nhà “kỹ sư” Lê Văn Chín vào những ngày giáp tết. Thời gian này cũng là lúc bà con nông dân tập trung phun thuốc trừ sâu. Trên diện tích đất hơn 6 công của gia đình, ông Chín đang cho chạy thử nghiệm máy xịt thuốc trên diện rộng do ông chế tạo. Ông Lê Văn Chín cho biết: “Nông dân khi xịt thuốc trừ sâu bệnh cho lúa phải mang 1 bình xịt gần 50kg và mất hơn 30 phút mới xịt được một 1 bình thuốc trên 1 công đất. Đó là chưa kể đến việc thuốc trừ sâu có thể đổ lên người trong quá trình phun xịt, rất nguy hiểm. Nhưng với chiếc máy này, nông dân chỉ cần mang vòi phun chưa tới 10kg và với 30 phút là có thể phun được 10 công đất. Ngoài máy phun thuốc trừ sâu, ông Lê Văn Chín còn chế tạo thành công máy khoan đất khô với công suất 100m3/ngày; đặc biệt là sáng chế chiếc máy xúc lúa với công suất xúc 100 bao lúa khô/giờ (tương đương 250 giạ lúa/giờ), thay thế công việc mà 2 lao động phải làm thủ công cật lực hơn 4 giờ.
Tham quan vườn nhãn của chị Trần Kiều (ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu).. Ảnh: P.Đ |
Có thể thấy, chính những tâm huyết với nghề nông và những kinh nghiệm sản xuất lâu năm đã thúc đẩy nông dân sáng tạo ra nhiều máy móc hữu ích, góp phần giúp nông dân làm giàu.
Làm giàu bằng khoa học
Vùng đất Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) một thời bị bom cày đạn xới ác liệt, giờ đây đang “nở hoa” nhờ vào việc ứng dụng những thành tựu khoa học mới vào sản xuất. Ở đây, ai cũng biết tiếng một lão nông say mê học hỏi và ứng dụng khoa học vào sản xuất là ông Trần Quốc An (ấp Ngô Kim). Năm nay, gia đình ông trúng đậm nhiều loại cây - con canh tác như: lúa, cá bống tượng, tôm càng xanh, tôm sú, cua, cá đồng… Không chỉ làm giàu cho mình, ông An còn mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng để nông dân cùng nhau làm giàu. Thành công của ông An cho thấy, đất sẽ không phụ lòng người nếu con người cần cù lao động và biết sử dụng khoa học để cải tạo đất.
Bạc Liêu không chỉ có những “lão nông kỹ sư”, mà còn có những nữ nông dân làm khoa học. Tiêu biểu như chị Trần Kiều (ngụ ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Chị Kiều đã mày mò cấy ghép, nhân giống thành công giống Thanh Nhãn cho năng suất và chất lượng cao. Hiện tại, giống Thanh Nhãn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Trên thị trường, trong khi các loại nhãn khác có giá khoảng 20 - 45 ngàn đồng/kg thì Thanh Nhãn có giá hơn 80 ngàn đồng/kg, nên có thể giúp người trồng nhãn làm giàu. Thanh Nhãn đang mở ra tiềm năng cho các nhà vườn trong việc xuất khẩu nhãn Bạc Liêu ra thế giới.
Gió chướng theo mùa xuân về, cây Thanh Nhãn thay nhau đâm chồi, đồng muối kết tinh, con tôm, cây lúa chuyển mình… một phần nhờ vào những phát minh của những người nông dân chân đất. Bằng tình yêu quê hương, yêu lao động, những kỹ sư, “nhà khoa học chân đất” đã và đang không ngừng sáng tạo, cùng chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để đất chết được hồi sinh, để nhà nông không còn cực nhọc, lam lũ.
Đoàn Phạm