Xuân Ất Mùi 2015
Tuổi trẻ Bạc Liêu với tình yêu Tổ quốc
Trước nguy cơ biển đảo quê hương bị xâm phạm cũng là lúc hai tiếng “Tổ quốc” trở nên thiêng liêng trong mỗi trái tim người Việt Nam, hơn bao giờ hết! Đó cũng chính là lúc tình yêu đất nước trỗi dậy mạnh mẽ, thôi thúc các bạn trẻ theo tiếng gọi của “Tổ quốc vọng về từ biển cả”.
Khi “Tổ quốc gọi tên mình”
Giữa năm 2014, Trung Quốc tự ý hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng lãnh thổ nước ta đã làm nóng hơn 90 triệu trái tim người Việt trên dải đất hình chữ S. Bao nhiêu ngày biển đảo quê hương dậy sóng cũng là bấy nhiêu thời gian người Việt trong và ngoài nước sôi nổi những hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về Hoàng Sa và Trường Sa. Trên mỗi diễn đàn, các cuộc mít-tinh, hình đại diện của nhiều tài khoản facebook đều đỏ rực một màu cờ đỏ sao vàng. “Hòa bình nhé Tổ quốc ơi!”, “Bình yên nhé đất nước tôi ơi!”… những lời tha thiết của các bạn trẻ cũng là mong muốn của 90 triệu người dân Việt Nam yêu hòa bình và sẵn sàng hy sinh cho hòa bình như thế hệ cha ông đã từng làm trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trước đây.
* Tuổi trẻ Bạc Liêu xếp hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. * Tuổi trẻ Bạc Liêu quyên góp ủng hộ biển đảo quê hương. Ảnh: C.K |
Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Tình yêu ấy giống như một dòng chảy ngầm, khi đứng trước những biến cố của đất nước lại trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là với những người trẻ. Những lá thư được các bạn trẻ nắn nót từng con chữ gửi ra đảo xa với lời dặn dò và cả niềm tin yêu, hy vọng. Rồi những tin nhắn ủng hộ cho Hoàng Sa và Trường Sa chất chứa tấm lòng của người hậu phương đối với tiền tuyến. Hay dòng tâm sự của một bạn trẻ trên mạng xã hội như nói hộ suy nghĩ của hàng triệu thanh niên Việt Nam: “Trái tim mỗi người trẻ tự mách bảo mình biết hành động theo lẽ phải để bảo vệ quê hương, đất nước một cách tự nguyện nhất mà không cần khẩu hiệu hay bất kỳ hình thức tuyên truyền nào”. Thật xúc động làm sao khi các bạn học sinh, sinh viên dành dụm tiền từ việc nhịn những bữa ăn sáng để chia sẻ những khó khăn với các anh chiến sĩ nơi đảo xa. Cảm động thay những tấm lòng của người hậu phương và đó cũng là động lực giúp cho những người nơi tuyến đầu Tổ quốc vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng - một phần máu thịt không thể tách rời của đất nước. Trong gian khó cả dân tộc cùng sát cánh bên nhau với một ý chí, niềm tin vững chắc: “Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua…”.
Yêu nước theo những cách khác nhau
Không lớn lên trong thời đạn bom ác liệt, nhưng thế hệ trẻ hôm nay vẫn cảm nhận được mất mát, đau thương của chiến tranh và càng tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của đấu tranh chống sự khắc nghiệt của thiên tai, địch họa, từ các Vua Hùng, Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Trãi, Quang Trung… đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Làm sao để xứng đáng là lớp trẻ kế thừa truyền thống vẻ vang của cha anh? Câu hỏi ấy luôn là niềm trăn trở, day dứt và là trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Hà Liên, một công chức trẻ bày tỏ quan điểm một cách nghiêm túc: “Một trái tim nóng giàu tình yêu thương, giàu lý tưởng cách mạng, nhưng phải luôn sáng suốt suy xét mọi vấn đề, biết phân biệt đâu là phải - trái, đúng - sai để tránh âm mưu chống phá của thế lực bên ngoài”.
Yêu đất nước cũng đồng nghĩa với cống hiến cho đất nước. Muốn cống hiến cho đất nước giàu mạnh thì không thể thiếu tri thức. Theo cách suy nghĩ của Nguyễn Hải Đăng, lớp 12T, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu: “Tùy theo điều kiện mà mỗi thanh niên có cách thể hiện tình yêu nước. Với bản thân em thì sẽ đeo đuổi con đường học vấn. Em dự định thi vào ngành Y với mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào công tác khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe bà con ngày càng tốt hơn. Con đường đi tìm tri thức cũng là thông điệp mà lớp trẻ chúng em cho bạn bè thế giới thấy rằng: nước Việt Nam luôn có những con người giàu bản lĩnh và trí tuệ”.
Cũng với những khát khao, hoài bão được mang sức trẻ đóng góp cho quê hương đất nước, bạn Sơn Trọng Nhân, sinh viên Trường đại học An Ninh bộc bạch: “Ngay từ nhỏ tôi đã ấn tượng với những tấm gương chiến sĩ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Hình ảnh các anh đã hun đúc cho tôi ước mơ trở thành người chiến sĩ công an tận tụy phục vụ nhân dân, bảo vệ bình yên cho quê hương”. Và còn biết bao những bạn trẻ vẫn ngày đêm miệt mài nơi giảng đường, công sở, công trường, xí nghiệp… với bầu nhiệt huyết cùng những khát khao cống hiến. Luôn tiên phong trong các mặt trận tình nguyện vì cộng đồng, luôn có mặt kịp thời ở những điểm nóng và luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần… lớp trẻ ngày nay có những cách thể hiện khác nhau nhưng đều hướng về một mục tiêu: lòng yêu nước!
Dù rằng thực tế vẫn có những hành động, cách sống thiếu suy nghĩ, bồng bột của một bộ phận giới trẻ làm cho mọi người cảm thấy hoang mang, nhưng trên hết tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng lấn át mọi hoài nghi, lo lắng. Xin mượn lời cô Ngô Thị Sớm, một cán bộ hưu trí nói về giới trẻ hôm nay để kết thúc bài viết này: “Tôi đã từng có những lo lắng về lối sống, tư tưởng của thế hệ trẻ ngày nay. Nhưng nhìn cách những người trẻ bày tỏ tình cảm, thái độ của mình trước việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất và gần đây là vấn đề chủ quyền biển đảo, tôi cảm thấy phấn khởi và hoàn toàn tin tưởng thế hệ hôm nay có thể kế tục sự nghiệp của cha anh đi trước”.
Tuấn Anh