Xuân Ất Mùi 2015
Vĩnh Lợi: nhìn lại 10 năm chia tách huyên
PHẠM VĂN THIỀU, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi
Đã gần 10 năm kể từ ngày huyện Vĩnh Lợi được chia tách và đi vào hoạt động. 10 năm không phải là khoảng thời gian dài, nhưng cũng đủ cho một địa phương ít lợi thế như Vĩnh Lợi vượt qua khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm.
Khắc phục khó khăn
Là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, nhưng Vĩnh Lợi lại đi lên từ xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp mà cũng chỉ là độc canh cây lúa. Mặt bằng dân trí thấp, kết cấu hạ tầng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của huyện, lại ít tiềm năng phát triển so với các huyện khác trong tỉnh. Ở thời điểm mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người chỉ 5,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 20%, thu ngân sách cả năm chỉ đạt 11,7 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lợi càng đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong nhân dân là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi chia tách, Huyện ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng tạo được nhiều chuyển biến, tiến bộ về nhận thức và hành động. Cùng với đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được củng cố, sắp xếp, kiện toàn theo sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy và phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Các chủ trương cho từng giai đoạn được Đảng bộ xác định một cách đúng đắn và phù hợp như: khắc phục khó khăn, thiếu thốn trong giai đoạn 2005 - 2008; giai đoạn 2008 - 2010, công tác giảm nghèo được tập trung tối đa; giai đoạn 2010 - 2015 là thời gian tập trung các nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường.
Phát triển năng động
Sau 10 năm chia tách, Vĩnh Lợi hôm nay đã đổi thay toàn diện. So với thời điểm mới chia tách, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ (tăng 13,98% so với năm 2005), giảm tỷ trọng các ngành Nông nghiệp (từ 77% năm 2005 xuống còn 63,02%). Sản lượng lúa đã tăng gấp 1,5 lần, trong đó lúa chất lượng cao chiếm hơn 90%. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Nhãn hiệu gạo Tài Nguyên đã được công nhận. Các công trình xây dựng cơ bản đã đưa vào sử dụng và đang gấp rút thi công tạo ra diện mạo mới cho huyện. Bộ mặt nông thôn ngày càng tươi đẹp hơn nhờ sự chung sức của nhân dân cùng chính quyền thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu. Với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục, từ chỗ còn thiếu thốn trường học, đến nay huyện đã có 8 trường đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa - thông tin phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, đời sống của các đối tượng chính sách ngày càng đầy đủ hơn, tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đã giảm còn 4,2%.
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, liên tục 5 năm liền, huyện Vĩnh Lợi đều được tỉnh xếp hạng Nhất trong công tác tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn ổn định.
Khó khăn trong những năm đầu tách huyện và yêu cầu của sự phát triển đã tạo ra động lực cho đội ngũ cán bộ cố gắng vươn lên trưởng thành, đã xuất hiện nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng nền nếp, phát huy được hiệu lực, hiệu quả; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; vai trò của HĐND các cấp và các vị đại biểu được thể hiện đầy đủ, trách nhiệm hơn đối với những vấn đề bức xúc mà cử tri đặt ra.
Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lợi đạt được trong 10 năm qua đã ghi thêm vào truyền thống quê hương anh hùng những trang sử vẻ vang mới. Được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 16 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; hơn 50 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương.
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: M. Đạt |
-------------------------------------------
Nâng tầm hạt gạo Tài nguyên
NGUYỄN MẠNH NIÊM, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi
Có hơn 9.000ha đất trồng lúa Tài nguyên, sản lượng hằng năm hơn 54.000 tấn, Vĩnh Lợi là quê hương của đặc sản gạo Tài nguyên. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, thời tiết, khí hậu và có kỹ thuật canh tác độc đáo đã làm cho hạt gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi đục, dẻo, thơm ngon và có giá thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Tuy là đặc sản, nhưng người trồng lúa Tài nguyên nhiều năm qua vẫn chưa thể làm giàu trên đồng ruộng của mình. Là một huyện có thế mạnh về trồng lúa, Huyện ủy, UBND huyện rất trăn trở trong việc làm sao cho người nông dân có lợi nhuận cao, thương hiệu gạo Tài nguyên xâm nhập vào được các thị trường.
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự hỗ trợ của Sở KH-CN cùng với Viện Lúa ĐBSCL, năm 2006, giống lúa Tài nguyên đã được phục tráng. Năm 2008, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện Đề tài “Xây dựng quy trình canh tác lúa Tài nguyên” để chuyển giao cho người sản xuất. Cũng trong năm 2008, UBND huyện Vĩnh Lợi ban hành Quyết định thành lập Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi.
Bước tiến quan trọng tiếp theo là tháng 10/2010, gạo Tài nguyên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 152661. Đây là cơ hội tốt nhất để gạo Tài nguyên mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ khi có nhãn hiệu, UBND huyện đã chỉ đạo Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi đẩy mạnh việc quảng bá nhãn hiệu ra thị trường. Năm 2014, UBND huyện đã phối hợp với Sở KH-CN làm việc với Viện Lúa ĐBSCL nhằm thay đổi giống lúa thuần chủng để tăng phẩm chất hạt gạo Tài nguyên. Những động thái tích cực của UBND huyện đã mang đến kết quả đáng kể, thị trường gạo Tài nguyên được mở rộng, giá gạo ngày càng cao. Người nông dân đã có thể tự tin làm giàu từ hạt lúa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục nâng tầm hạt gạo Tài nguyên, UBND huyện xác định cần tập trung vào những giải pháp khả thi trong thời gian tới. Đó là giữ vững diện tích sản xuất lúa Tài nguyên ổn định 9.000ha. Chuyển đổi hơn 90% diện tích lúa bằng giống thuần chủng; chuyển giao mạnh mẽ quy trình sản xuất lúa Tài nguyên theo Đề án. Thành lập Tổ hợp tác - Hợp tác xã sản xuất lúa Tài nguyên. Phối hợp chặt chẽ với Viện Lúa ĐBSCL đưa quy trình nhân giống, sản xuất giống vào cánh đồng mẫu lớn xã Châu Hưng A nhằm mục đích cung cấp giống cho cả vùng và bảo tồn nguồn gen quý hiếm của lúa Tài nguyên.
Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi cũng phải mạnh dạn đầu tư dây chuyền xay xát, lau bóng hạt gạo để đáp ứng nhu cầu thị trường; tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì, liên kết với các đơn vị để tìm kiếm thị trường mới, xúc tiến hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi. Với người trồng lúa, việc áp dụng các mô hình như trồng nấm trên giá thể rơm rạ Tài nguyên, đưa hoa màu xuống ruộng sẽ vừa giúp tăng thu nhập, vừa cải tạo được đất, vừa làm phong phú sản phẩm trong nông nghiệp.
Để hỗ trợ cho huyện, tỉnh và các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho Hội Sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi và những hộ có điều kiện, có kinh nghiệm để dự trữ lúa sau thu hoạch. Có như vậy, người trồng lúa Tài nguyên mới an tâm giữ lại diện tích sản xuất. Có như vậy, gạo Tài nguyên sẽ đi xa hơn trong tương lai gần.
Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa Tài nguyên. Ảnh: Nguyễn Xuân Hãn |
Một năm thắng lợi trong công tác giảm nghèo
Lấy xóa đói giảm nghèo làm bước đột phá để xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lợi. Nói thì dễ, nhưng để giúp cả ngàn hộ thoát nghèo là sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp, các ngành có trách nhiệm sát cánh cùng người nghèo vượt khó.
Vượt chỉ tiêu đề ra
Mùa xuân này, gia đình bà Triệu Thị Nâu (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội) mới có được cái tết ấm cúng thật sự. Trong căn nhà tình thương được xây cất khang trang còn thơm mùi sơn mới, bà Nâu xúc động cho biết: “Được Nhà nước quan tâm cất cho căn nhà kiên cố như thế này, gia đình tôi rất cảm động và biết ơn. Có chỗ ở ổn định, chúng tôi sẽ yên tâm làm ăn để vươn lên trong cuộc sống”. Gia đình bà Nâu thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm qua, không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định. Đầu năm 2014, gia đình bà được đơn vị đỡ đầu hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, giới thiệu việc làm. Từ việc giúp đỡ chân tình cùng với sự chí thú làm ăn, gia đình bà đã được công nhận thoát nghèo.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh trao tặng quà tết cho hộ nghèo xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M. Đạt |
Nền tảng vững chắc để thoát nghèo bền vững
Xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, trong đó giảm nghèo bền vững là mục tiêu hàng đầu của huyện Vĩnh Lợi. Để mục tiêu trở thành hiện thực, hàng loạt các giải pháp giảm nghèo được triển khai ở các xã, thị trấn. Bên cạnh việc hướng dẫn người nghèo cách làm ăn thông qua các hình thức tạo việc làm ngay tại địa phương như: đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cho hộ nghèo vay vốn... thì một kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo được huyện chú trọng là duy trì tốt việc đỡ đầu hộ nghèo. Năm 2014, có 950 hộ nghèo của huyện được các đơn vị tỉnh, huyện và 8 xã, thị trấn trong huyện nhận đỡ đầu. Giảm nghèo bằng phương pháp “cho cần câu” thay vì “cho con cá” của huyện đã khơi gợi sự tự lực vươn lên của các hộ nghèo. Đây là giải pháp được áp dụng trong nhiều năm qua, nhưng để duy trì tốt thì ngoài ý chí tự lực vươn lên của hộ nghèo, khâu then chốt chính là tinh thần trách nhiệm của đơn vị đỡ đầu. Tinh thần đó đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể huyện thể hiện bằng sự sát cánh, động viên, hướng dẫn kịp thời cho người nghèo trên hành trình vượt khó.
Cùng với việc đỡ đầu, huyện cũng triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo trên các lĩnh vực bảo trợ xã hội, xây cất nhà ở. Hơn 50 căn nhà tình thương, nhà nhân ái cho hộ nghèo được xây dựng; gần 15.000 đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế… là những minh chứng cho thấy huyện Vĩnh Lợi đang xây dựng một nền tảng vững chắc cho người nghèo vươn lên.
Một mùa xuân nữa lại về đánh dấu một bước chuyển mình trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện giàu truyền thống lịch sử này.
NGUYỄN NHI