Xuân Bính Thân 2016
Cải lương - sân khấu và cuộc đời
Hồi nhỏ đi coi cải lương với mẹ, tôi hay thắc mắc không hiểu vì sao chốc chốc lại thấy mẹ kéo vạt áo lên lau nước mắt. Bây giờ đến lượt tôi, khi xem cải lương thấy nhân vật trong vở diễn khóc thì cũng khóc theo, còn thấy người ta cười thì trong bụng cũng vui lây. Sân khấu cải lương luôn hấp dẫn người xem đâu chỉ bởi nghệ sĩ ca mùi, diễn giỏi để lấy nước mắt người xem mà vì nó còn là… cuộc đời của nhiều người.
Vở cải lương "Quê hương và mẹ" của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu đoạt huy chương Bạc tại cuộc thi nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Ảnh: H.T
Cái sức hấp dẫn của cải lương thời trước thì không phải bàn nữa, nói đến cải lương thì giới mộ điệu có thể kể vanh vách những vở Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… với những tên tuổi như NSND Phùng Há - người được xem là một trong những vị Tổ của cải lương Việt Nam, “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết, “Vua vọng cổ” Út Trà Ôn, “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài, những nghệ sĩ sống mãi trong lòng công chúng như Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Thanh Sang… Còn bây giờ, trong cơn lốc thị trường văn hóa - nghệ thuật muôn hình vạn trạng, liệu cải lương có còn đất sống?
Tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - năm 2015 tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 11, phần nhiều khán giả là người lớn tuổi, người dân có, cán bộ hưu trí có… Tuy nhiên người trẻ cũng thấy xuất hiện ở nhiều suất diễn. Buổi sáng thì rạp có vài ghế trống vì nhiều người không thể bỏ việc cơ quan, nghỉ học để đi coi hát, mà dân chúng thì cũng lo việc mưu sinh. Còn buổi tối thì suất nào cũng chật ních khán giả, họ phải đi trước giờ diễn khoảng nửa tiếng để… chiếm chỗ ngồi! Vừa xem vừa quan sát, tôi thấy không ít lần, những người ngồi cạnh tôi lấy khăn lau nước mắt. Ở rất nhiều vở diễn, nghệ sĩ trên sân khấu nhập vai ngọt xớt, dẫu biết rằng họ đang đứng trên sân khấu, mình ngồi dưới này coi họ “diễn”, vậy mà cả khán đài ngập chìm trong nước mắt… Cách chỉ mấy bậc thang, trên kia là sân khấu, phía dưới là cuộc đời nhưng sân khấu và cuộc đời có còn khoảng cách nào nữa đâu khi người xem có sự đồng cảm với người diễn. Người ta chỉ khóc khi họ đặt mình vào hoàn cảnh đó, thấu hiểu tâm trạng đó, xem nó là cuộc đời có thật… Nhưng khiến cho khán giả khóc, cải lương chưa hẳn là sự bi lụy!
“Điều đáng ghi nhận là không có vở diễn nào sa đà hoàn toàn vào những mô-típ tử biệt sinh ly, ái tình dang dở… tạo nên sự bi lụy sướt mướt từng bị dư luận sân khấu và văn học phê phán... Song, những mô-típ ấy đã sử dụng biện pháp mỹ học để phát huy thế mạnh của nghệ thuật cải lương - hiệu quả gây xúc cảm nơi khán giả. Cái hiệu quả ấy được nâng lên ở cấp độ mới, đó là cấp độ trí tuệ, sự kết hợp hài hòa có thể nói nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố tình cảm và lý trí, đó là điều đáng mừng của hiệu quả nghệ thuật mà đa số các vở dự thi đã đạt được, nó đã làm nên tính hiện đại, cái linh hồn của nghệ thuật sân khấu…”, Phó giáo sư Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - năm 2015 đánh giá.
Cải lương cuốn hút nhiều người không chỉ vì nó là sân khấu với đèn màu rực rỡ, với đào kép đẹp, hát hay, diễn giỏi mà nó còn là cuộc đời. Sân khấu phản ánh cuộc đời bằng chính những mỹ cảm, hỉ - nộ - ái - ố của mình, chính vì chạm đến cõi lòng khán giả mà nó mang sức sống mãnh liệt trong mọi thời đại. Giữa cơn lốc thị trường văn hóa - nghệ thuật đa dạng thì sân khấu cải lương vẫn có chỗ đứng cho riêng mình trong lòng khán giả. Nhưng vẫn phải khách quan mà nhìn nhận rằng, sân khấu cải lương phải đối mặt trước những thách thức! Kịch bản hay và nghệ sĩ giỏi là điều kiện tiên quyết.
Tiến sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết nhận định rằng: “Trong thời lao đao chật vật của cải lương, sự vươn lên của từng gương mặt trẻ càng khó khăn hơn, nhọc nhằn hơn, vì thế cũng cần được tôn vinh một cách xứng đáng hơn. Sự tôn vinh không chỉ bằng những tấm huy chương, những bằng khen, huy hiệu mà chính là tổ chức một đời sống sân khấu cho các diễn viên này để hằng đêm họ được sống, sống được với đam mê và tài năng ca diễn của mình… Kịch bản cải lương hay, đó là kịch bản có chất văn chương, cốt truyện hấp dẫn, bài bản phong phú, đề cập đến những điều dung dị có tính nhân bản, giúp con người hiểu và yêu thương nhau hơn. Tôi cũng thích những nhân vật khiến người ta khóc, cười và mơ ước, hy vọng về tương lai ngày một tốt đẹp hơn. Đó là chất liệu để người nghệ sĩ dâng tặng cho công chúng những vai diễn hay”.
Cẩm Thúy
Tìm hiểu về cải lương, tôi được biết rằng con đường hình thành những loại hình sân khấu của Việt Nam như sau: Chèo ra đời từ thời kỳ đầu dựng nước. Tuồng ra đời ở thời kỳ giữ nước và củng cố đất nước. Cải lương sinh ra vào thời kỳ phát triển đất nước trong thời đại hiện nay. Đó là một hành trình quan trọng trong lịch sử văn hóa - nghệ thuật Việt Nam. Chính vì là một bộ môn trẻ nên cải lương đã được kế thừa những loại hình nghệ thuật trước nó. Cái tên “cải lương” có nghĩa là cái gạch nối giữa cũ và mới, vì thế nó có sức hấp dẫn đồng bào công chúng, cả tầng lớp trí thức lẫn tầng lớp bình dân.