Xuân Bính Thân 2016
Cựu tù binh - tù chính trị: "Thép" trui rèn trong lửa
Hội Cựu tù binh - tù chính trị (CTB-TCT) của tỉnh vừa chính thức được thành lập, quy tụ hơn 1.000 CTB-TCT yêu nước Bạc Liêu tham gia. Đó là những người không chỉ cùng với cả dân tộc làm nên những chiến thắng lẫy lừng năm châu, mà còn để lại bài học sáng ngời cho các thế hệ mai sau về lòng yêu nước được trui rèn nơi “địa ngục trần gian”.
* Ra mắt BCH Hội Cựu tù binh - tù chính trị tỉnh Bạc Liêu lần thứ I.
* Những cựu binh ngày ấy vui mừng trong ngày hội ngộ.
* Cô Lâm Tú Nga (bên trái) gặp lại bạn tù sau bao năm xa cách.
Ảnh: T.T
Những năm tháng bị địch giam cầm, tù đày, tra tấn dã man không thể nào phai mờ trong ký ức tự hào của những chiến sĩ kiên cường năm xưa. Chúng tôi đã vô cùng xúc động với câu chuyện của chú Lê Tấn Thanh (tức Bảy Thanh), Chủ tịch Hội CTB-TCT tỉnh. Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, mới 15 tuổi nhưng người thiếu niên Lê Tấn Thanh đã xung phong đi bộ đội, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao tại đơn vị C8, Pháo binh Bạc Liêu. Sau trận đánh Mậu Thân 1968, người chiến sĩ cộng sản 17 tuổi đã bị địch theo dõi và bắt tại nhà Huyện đội trưởng. Bị địch liệt vào danh sách nhóm “lính sữa”, Lê Tấn Thanh bị tra tấn hơn 1 tuần với đủ mọi nhục hình, từ treo người lên xà đẩy đi đẩy lại, nhận đầu xuống nước, đóng đinh vào tay chân, dí điện vào miệng... Sau khi không khai thác được gì, chúng đã đưa Thanh ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, Thanh và hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của ta bị khổ sai, nhục hình, đói khát, bệnh tật, “sống cũng như chết”.
Dù đã 82 tuổi, nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh khốc liệt trong cô Lâm Tú Nga (tức Tư Nga) vẫn vẹn nguyên như mới xảy ra ngày hôm qua. Tham gia cách mạng từ rất sớm (17 tuổi), khéo tay trong may vá, cô Tư ngày ấy đã mở rất nhiều tiệm may trên nhiều địa bàn khác nhau của Bạc Liêu để chuyển tài liệu mật, đồng thời vận động người dân yêu nước, học sinh tham gia cách mạng. Biết tài năng và sự nguy hiểm ở người phụ nữ yêu nước ấy, địch đã quyết giăng bẫy bắt cô. Gần 30 tuổi, chưa một lần dám hò hẹn, ước duyên cùng ai vì sợ khi lập gia đình sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó, nay lại bị bắt khi đất nước chưa thống nhất, chỉ nghĩ đến vậy thôi là cô đã cảm thấy lòng đau hơn cả những đòn roi hành hạ cả tháng trời. Cô đã không biết mình ngất đi từ khi nào vì dùi cui, điện chích, lúc tỉnh lại loáng thoáng nghe tên lính ngụy nói: “Nó tỉnh rồi, khỏi đưa vào bệnh viện, đưa nước cho nó uống”. Sau đó, địch chuyển cô qua nhà tù công an, được người bạn tù cầm bàn tay lên, lau chùi, tắm rửa cô mới biết mình còn sống sau 1 tháng uống nước cầm hơi. Những tưởng mọi chuyện sẽ ổn tại đây, nhưng chuỗi ngày “địa ngục trần gian” lại tiếp tục khi chúng đưa cô ra “chuồng cọp” Côn Đảo. Chính từ lòng yêu nước lớn lao ấy đã giúp cô và hàng vạn tù binh - TCT ngày ấy thà chết rục xương chứ không đầu hàng, không khai báo cơ mật của quân ta.
Chú Từ Văn Bé, cựu TCT từng bị giam cầm ở Côn Đảo chia sẻ: “Khi đưa vào trại giam thì bị bọn địch đàn áp tập thể, lựu đạn cay nó ném vô trong phòng, sau đó lại lôi ra đánh. Đó là những trận đòn thập tử nhất sinh của địch, hòng lung lạc tinh thần của những chiến sĩ cách mạng. Nhưng chúng đã lầm, ở nơi đó sức mạnh của tình đồng chí mà các cựu tù dành cho nhau đã tạo nên động lực mãnh liệt, không nao núng trước những trận đòn thù, các chiến sĩ vẫn kiên trung bất khuất".
Cuộc hội ngộ ngày thành lập Hội CTB-TCT thật xúc động với tay bắt mặt mừng, những cái ôm thắm thiết, nhắc mãi những chuyện ngày xưa. Dù trên thân thể họ vẫn còn đó những vết tích của chiến tranh, những người con yêu nước ưu tú ấy giờ tuổi đã cao, sức yếu, song họ luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với những ngày tháng oanh liệt đã qua: “Sống trong địa ngục kiên trung bất khuất/ Chiến thắng trở về tình nghĩa thủy chung”.
HOÀNG UYÊN