Xuân Bính Thân 2016
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Gắn bó mật thiết với cử tri
Đảm đương nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả trước cử tri - những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế…
Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
Vai trò và chức năng đại diện của ĐBQH thể hiện xuyên suốt trong các mặt hoạt động chính của từng ĐBQH và Đoàn ĐBQH: xây dựng pháp luật; giám sát; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân… Các mặt hoạt động này thể hiện trách nhiệm của ĐBQH với cử tri, đó là ghi nhận và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri vào quá trình xây dựng pháp luật; chủ trương, quyết sách lớn của Nhà nước; đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật…
Gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của ĐBQH được pháp luật quy định, mà còn là phương thức để ĐBQH và Đoàn ĐBQH thực hiện chức năng đại diện. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi gắn bó mật thiết với cử tri, ĐBQH và Đoàn ĐBQH mới có nhiều đề xuất thiết thực, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội, từ đó tạo được niềm tin của cử tri vào người mà mình bầu ra, làm đại diện cho mình. Nhiều ĐBQH đã tích cực tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, tiếp xúc cử tri tại nơi công tác, tiếp xúc cử tri theo giới, ngành… Nhờ vậy, diện tiếp xúc cử tri diễn ra rộng và sâu hơn, số lượng cử tri tham dự cũng cao hơn. Từ năm 2011 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 250 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với trên 24.000 lượt cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội; ghi nhận, tổng hợp hơn 1.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo, thông báo kịp thời đến cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết... Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã mang tiếng nói và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, các ngành, các cấp của Bạc Liêu đến diễn đàn Quốc hội, thực hiện quyền chất vấn, góp phần cùng với Quốc hội thúc đẩy Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện chức năng tổ chức điều hành, thực hiện, qua đó kiến nghị để nguyện vọng người dân sớm được thực hiện.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH đã tổ chức để ĐBQH, đại diện cơ quan tổ chức và chuyên gia nghiên cứu đóng góp hơn 170 lượt dự thảo luật, bộ luật với hơn 450 vấn đề có liên quan được quan tâm, trong đó có nhiều đóng góp được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu bổ sung hoàn thiện dự án luật.
Từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu lực đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn chủ động tìm nhiều cách làm để thực hiện chức năng giám sát. Trong đó quan trọng nhất là chuẩn bị nội dung giám sát. Việc xây dựng chương trình và nội dung giám sát căn cứ vào Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội. Nội dung giám sát gồm các vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, hoặc nội dung đang được cử tri quan tâm. Qua giám sát, Đoàn ĐBQH có kiến nghị giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thể hiện trách nhiệm trước cử tri; đồng thời ĐBQH không chỉ thể hiện là đại diện của dân, mà còn thể hiện là người trong cuộc, luôn chia sẻ những khó khăn với chính quyền trong việc tổ chức thực hiện. Trong 4 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 24 cuộc giám sát chuyên đề được cử tri và xã hội quan tâm như: Thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công cách mạng, chính sách đối với cán bộ cơ sở; về hội nhập kinh tế quốc tế; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; giáo dục; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng cơ bản... Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị hơn 60 vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tiếp hơn 200 lượt công dân và xử lý hơn 100 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Thời gian tới, để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình trước cử tri, từng ĐBQH và Đoàn ĐBQH tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri, tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cử tri - tùy theo đối tượng tiếp xúc mà đưa ra những chủ đề nhất định làm định hướng để ghi nhận, thu thập những kiến nghị chuyên sâu; chủ đề đó phải là những vấn đề trọng tâm về thời sự, có ý nghĩa chính trị - xã hội đối với địa phương và đất nước, là những vấn đề bức xúc đang được cử tri quan tâm. Định kỳ làm việc với UBND các địa phương, sở, ngành để giám sát việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri. Không ngừng giải quyết kịp thời, có hiệu quả các đề nghị, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và của cử tri, vận động an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Võ Thị Hồng Thoại, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh