Xuân Bính Thân 2016
ĐỜN CA TÀI TỬ: “Mạch sống ngầm” cuồn cuộn chảy
Ra đời từ rất sớm và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đờn ca tài tử (ĐCTT) từ một bộ môn “ao làng” đã làm “cuộc cách mạng” bước lên sân khấu lớn một cách đường hoàng. Để rồi giờ đây, khắp 64/64 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, nơi nào cũng có câu lạc bộ ĐCTT.
Sinh hoạt đờn ca tài tử - nét đẹp văn hóa của nông thôn Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Khi nếp sinh hoạt đờn ca ngày càng phổ biến, ngón đờn dần trở nên chuẩn hơn, nghệ nhân ca cũng “chất” hơn. Và khi ấy, chất lượng phong trào đã bước lên một tầm cao mới. ĐCTT không còn bó hẹp trong ấp, trong xã nữa, mà đã vượt không gian, thời gian, có sức sống mãnh liệt, để rồi trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau thành công của Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, vị thế của ĐCTT đã làm cho những ai yêu thích bộ môn này càng cảm thấy tự hào hơn. Sự quan tâm ấy còn được thể hiện rất rõ qua quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy bằng việc ban hành nghị quyết xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành thành phố du lịch và là trung tâm bảo tồn và phát triển ĐCTT của tỉnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Bạc Liêu lại được xem là một trong những “chiếc nôi” lớn của ĐCTT. Bởi nơi đây có những người con xuất chúng, đóng góp rất nhiều công sức cho việc hình thành, phát triển, cũng như sở hữu một lực lượng kế thừa hùng hậu, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm bảo tồn và phát huy. ĐCTT Bạc Liêu đang dần vươn tới độ “chín muồi” về nghệ thuật lẫn danh tiếng.
Nói như nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn thì, “Chúng ta đừng quy chụp tuổi trẻ đang quay lưng lại với âm nhạc truyền thống. Điều đó không đúng. Mà chúng ta cần phải tạo môi trường để tuổi trẻ tiếp cận loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đó là cách bảo tồn hữu hiệu nhất”. Thực tế, rất nhiều lớp dạy ĐCTT được tổ chức ở nhiều nơi, đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là các bạn trẻ học ĐCTT. Bạc Liêu đã tạo môi trường để ĐCTT phủ khắp, từ đó dấy lên phong trào sinh hoạt thường xuyên và đạt hiệu quả.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chú Lê Minh Tố (thường gọi là Ba Tố, ngụ ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) vẫn miệt mài theo đuổi niềm đam mê tài tử của mình. Từ năm 10 tuổi, chú Ba Tố đã làm quen với cây đờn kìm, và đến hôm nay thì sử dụng thông thạo cả bốn loại đờn (kìm, cò, tranh, bầu). Ngoài việc tự học, tự chơi rồi trao truyền ngón nghề cho bao lớp thế hệ trẻ, hiện tại chú Ba Tố còn rong ruổi đó đây để tìm cảm hứng sáng tác lời mới cho các bài bản tài tử. Danh xưng Nghệ nhân ưu tú dành cho chú Lê Minh Tố quả thật rất xứng đáng!
Những con người cụ thể, những việc làm cụ thể đó, là minh chứng sống động cho thấy Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” đã đi đúng quỹ đạo. Dù chỉ mới manh nha thực hiện, nhưng Đề án đã bộc lộ nhiều tín hiệu vui mừng như thế. Thiết nghĩ phương án thực hiện cơ chế tối ưu nhất là sự quan tâm đầu tư vào những trọng tâm then chốt khi muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ đủ sức tạo ra sự lan tỏa cùng với sự đồng thuận toàn dân thì sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT mới tồn tại và phát triển bền vững. Nói cách khác, chúng ta cần vận dụng theo phương châm: Dân biết, dân làm, dân hưởng thụ: chính dân là người sáng tạo đồng thời cũng là người thụ hưởng.
Không bận tâm ĐCTT xuất phát từ dân dã hay bác học ra sao, chỉ biết rằng, chính loại hình nghệ thuật độc đáo này đủ sức kết nối trái tim tới trái tim và duy trì qua bao thế hệ tiếp nối. Để khi những người trẻ ngồi lại với nhau, ĐCTT sẽ là đề tài để họ khơi mào câu chuyện và cùng nhau tấu lên những giai điệu từ tận đáy lòng!
Ngọc Trân