Xuân Bính Thân 2016

Du lịch Bạc Liêu trong mối liên kết du lịch vùng ĐBSCL

Thứ Năm, 28/01/2016 | 15:00

Dẫu không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều tỉnh bạn, du lịch Bạc Liêu nép mình đi sau nhưng đã có một nền tảng khá vững chãi. Trong xu thế cạnh tranh, ngành Du lịch Bạc Liêu phải tự mình tìm hướng đi đặc thù với mong muốn được nhiều du khách tìm đến. 

Du lịch Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Toàn

Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: “Trong bối cảnh ngành Du lịch cả nước đang lấy lại đà tăng trưởng và phục hồi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ĐBSCL tiếp tục phát triển, trong đó có Bạc Liêu. Tôi tin rằng, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới”.

Thời gian qua, Bạc Liêu đã được công nhận nhiều điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 32 điểm du lịch tiêu biểu thì Bạc Liêu đã có 8 điểm. Đó là Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu biển nhân tạo Nhà Mát, Khu Quán âm Phật đài, Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Hùng Vương, Khách sạn Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là lợi thế đặc biệt quý giá để Bạc Liêu nắm lấy thời cơ mời gọi và thu hút du khách. Những công trình lịch sử - văn hóa ở Bạc Liêu được đầu tư ngày càng nhiều, giúp du khách đến với Bạc Liêu có nhiều lựa chọn điểm đến hơn so với trước đây.

Du lịch Bạc Liêu đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch, xây dựng các loại hình, sản phẩm mới nhằm thu hút du khách. Trước bối cảnh mới và xu hướng phát triển du lịch toàn cầu có tính cạnh tranh cao, ngành Du lịch tỉnh đã nhận thức rõ yếu tố phát triển bền vững chính là xu thế tất yếu của thời đại. Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp hướng đến việc thực hiện du lịch phát triển bền vững.

Người ta thường nói “tương lai nằm trong tay ta” - điều này thật có ý nghĩa khi chúng ta thể hiện sự quyết tâm theo đuổi, phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra. Định hướng phát triển du lịch không nằm ngoài chuyện xây dựng và kết hợp các loại hình, sản phẩm văn hóa sẵn có như bản Dạ cổ hoài lang; nhà Công tử Bạc Liêu; công trình Nhà máy điện gió gắn với du lịch sinh thái rừng, biển; du lịch di sản văn hóa… mà phải liên kết với vùng ĐBSCL. Có như vậy, tua du lịch “1 điểm đến - 4 địa phương +” mới thật sự mở ra cho Bạc Liêu hướng đi mới khả quan hơn.

Năm 2015, Bạc Liêu có khoảng 1,1 triệu lượt khách đến tham quan, tăng gấp 2 lần so với năm 2012 (khi mới gia nhập khối vùng kinh tế trọng điểm 4 địa phương +). Qua đó cho thấy du lịch Bạc Liêu đã nỗ lực rất nhiều, không phụ sự quan tâm và kỳ vọng của Tỉnh ủy cùng lãnh đạo địa phương.

Một mùa xuân nữa lại về, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục quyết tâm khẳng định vị thế của mình trong khu vực và toàn quốc.

Ngọc Vũ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.