Xuân Bính Thân 2016

Đưa sản phẩm làng nghề xuất ngoại

Thứ Tư, 03/02/2016 | 08:43

Dưới ánh nắng hanh vàng của tháng Chạp, hàng trăm người dân ở huyện Hồng Dân tập trung ra sông Cái thu hoạch lục bình về để đan lát. Còn ở huyện Phước Long, những người thợ cũng hối hả sản xuất, vận chuyển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để kịp đưa hàng ra nước ngoài trước tết. Đó là bức tranh làng nghề của tỉnh với những gam màu tươi sáng.

Nghề truyền thống. Ảnh: Đặng Quang Khương

Người dân ở xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) thu hoạch lục bình làm nguyên liệu đan lát. Ảnh: P.Đ

Một gia đình sống bằng nghề đan lát cần xé ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Ảnh: P.Đ

Mùa xuân trên dòng sông tím

Con sông Cái hiền hòa mang dòng nước ngọt tưới mát những cánh đồng lúa bạt ngàn ở huyện Hồng Dân giờ lại ban tặng cho người dân nơi đây thêm một nguồn sống mới. Từ dòng sông Tiền, sông Hậu, cây lục bình theo con nước trôi về, sinh sôi quanh năm, cung cấp nguồn nguyên liệu cho nghề trồng và đan lục bình phát triển. Người dân địa phương đã bao chắn lại, hình thành những "cánh đồng" lục bình trên sông. Hằng ngày, sau khi xong việc đồng áng, bà con đi cắt lục bình về phơi khô rồi đan thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chị Phạm Mỹ Duyên (ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Nhờ có nghề đan lục bình mà mấy năm nay bà con ở đây khá hẳn lên. Thu nhập mỗi người hơn 100.000 đồng/ngày. Hàng hóa làm ra được các doanh nghiệp thu mua tận nơi”. Nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên mà giờ đây hàng trăm hộ gia đình có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Điều đặc biệt của làng nghề này chính là bà con đã chuyển từ hình thức làm ăn nhỏ lẻ sang sản xuất tập thể - theo kiểu hợp tác xã (HTX). Chị Lê Thị Mực, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) ấp Vĩnh Bình - thuộc HTX Hương Thịnh, cho biết: “Trước đây, bà con mạnh ai nấy làm nên thu nhập bấp bênh. Sau khi thành lập HTX với nhiều THT, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng và sản phẩm bán ra cũng được giá hơn. Đơn cử như THT của tôi có hơn 20 lao động, hoạt động gần như quanh năm nên tổ viên có thu nhập ổn định. Với hình thức HTX, chúng tôi mua bán trực tiếp với doanh nghiệp, không thông qua thương lái nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn”.

Những "cánh đồng" lục bình nở tím dòng sông Cái đã mang về cho người làm nghề đan đát ở huyện Hồng Dân một sức sống mới. Rồi đây, ngoài các sản phẩm thủ công nổi tiếng như chiếu, dao Ngan Dừa, Hồng Dân cũng có các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được nhiều người biết đến. 

Vươn tầm ra thế giới

Tạm chia tay với Hồng Dân, chúng tôi về huyện Phước Long - nơi có một thợ giỏi đã đưa sản phẩm của làng nghề vượt nửa vòng trái đất để quảng bá, buôn bán ở nhiều nước trên thế giới. Người thợ ấy chính là chị Trần Thị Hồng Xuyên, Trưởng ban Làng nghề đan đát truyền thống xã Vĩnh Phú Đông.

Xuất thân trong một gia đình 4 đời làm nghề đan lát, lớn lên chị Xuyên sớm tâm huyết với nghề mà cha ông truyền lại. Mang trong mình ước mơ giúp bà con làng nghề giữ nghề và làm giàu nên từ bé chị đã chăm chỉ học nghề và rất thành thạo trong việc đan nhiều sản phẩm phức tạp. Chứng kiến biết bao thịnh suy của nghề đan lát, nhưng điều ấy không làm chị nản lòng. Những năm gần đây, cây trúc nguyên liệu khan hiếm, sản phẩm làng nghề bị cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng công nghiệp càng hun đúc thêm cho chị ý chí, quyết tâm vượt khó giữ nghề. Những năm "vật lộn" với nghề, chị thường trăn trở một vấn đề gần như nan giải: chẳng lẽ sản phẩm của làng nghề cứ mãi là những chiếc mê bồ, cái cần xé hay bội úp gà?… Công đan thì vất vả mà giá thì rẻ bèo - chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/cái. Vậy là chị Xuyên bắt đầu lặn lội tìm kiếm đầu ra và tự thiết kế nhiều mẫu mã mới. Một bước đột phá lớn của chị trong những năm qua là thiết kế thành công mẫu trần nhà có hoa văn cho những công ty xây dựng nhà gỗ ở Tây nguyên. Theo các doanh nghiệp thu mua, sản phẩm trần nhà được đan từ cây tre, cây trúc của chị Xuyên dùng để xây dựng nhà gỗ phục vụ du lịch được khách châu Âu ưa chuộng.

Dù thành công từ sản phẩm mới nhưng chị Xuyên vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình là giúp đỡ bà con làng nghề. Thế là, dù đã được công nhận thợ giỏi, nhưng chị quyết tâm tìm một hướng đi mới cho làng nghề. Làng nghề ở xã Vĩnh Phú Đông có một bậc cao niên là ông Quách Văn Lái đã gần 80 tuổi giữ bí quyết kỹ thuật về đan cần xé đặc biệt. Mỗi chiếc cần xé ông Lái làm ra bán với giá từ 150.000 - 180.000 đồng chứ không phải từ 10.000 - 20.000 đồng như thông thường. Từ đó chị Xuyên đã tìm đến ông Lái để học hỏi kỹ thuật làm chiếc cần xé đặc biệt đó. Được sự truyền dạy tận tình của ông Lái cùng với lòng yêu nghề, cuối cùng chị cũng học được bí quyết để đan ra chiếc cần xé mà độ bền gấp 10 lần chiếc cần xé thông thường. Giờ đây, vấn đề còn lại chỉ là phổ biến kỹ thuật đan đát cho các thợ trong làng nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Gìn giữ hồn quê

Làm sao để chiếc cần xé đặc biệt kia được người tiêu dùng chấp nhận? Đó là câu hỏi mà chị Xuyên phải đi tìm lời giải nhiều năm. Một mặt, chị thành lập HTX làng nghề, thu gom hàng hóa để giúp những người thợ có cuộc sống ổn định, bám trụ được với nghề. Mặt khác chị phải tất bật tìm đầu ra để nuôi sống làng nghề. Sau nhiều nỗ lực, chị đã tìm được nhiều khách hàng ở Anh quốc và nhiều quốc gia khác. Họ chấp nhận chiếc cần xé đặc biệt của bà con làng nghề xã Vĩnh Phú Đông vì độ đẹp, bền. Chiếc cần xé của bà con được khách hàng phương Tây dùng để đựng củi đốt lò cho mùa đông và rất thân thiện với môi trường. Thế là cứ vài tháng một lần, sau khi tập trung đủ số lượng hàng mà đối tác yêu cầu, chị Xuyên lại làm đầu mối giúp bà con chuyển hàng xuất khẩu.

Nhìn lại một chặng đường gian nan, chị Xuyên chia sẻ: “Tôi nghĩ, nếu người không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ người. Làng nghề giờ đây đã phát triển ổn định, nhưng để mở rộng quy mô sản xuất vẫn rất cần sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp. Ở các quốc gia phát triển, hàng mây tre được đánh giá rất cao, vì thế cơ hội của làng nghề Bạc Liêu rất lớn. Cái mà những người lao động làng nghề cần nhất hiện nay là được hỗ trợ máy móc để sản xuất theo hướng công nghiệp. Có vậy, sản phẩm làng nghề với mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.

Câu chuyện về cái cần xé vượt đại dương cho thấy sức hút của sản phẩm làng nghề truyền thống là rất lớn. Trong xu thế phát triển chung, làng nghề không chỉ giúp người lao động nông thôn có thu nhập, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, là tiềm năng phát triển du lịch và cơ sở phát triển kinh tế.

Tin rằng, trong tương lai, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cha ông sẽ mãi còn vẹn nguyên. Bởi, với người dân Bạc Liêu, gìn giữ làng nghề là giữ nét đẹp của hồn quê. Tết này, nếu khách thập phương có dịp về quê hương Hồng Dân, xuôi thuyền trên dòng sông Cái nhìn hoa lục bình nở tím trong nắng xuân, sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt của các làng nghề ở Bạc Liêu.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.