Xuân Bính Thân 2016
HƯỞNG ỨNG NĂM DU LỊCH QUỐC GIA 2016: Dạ cổ hoài lang hòa vào dòng chảy du lịch quốc gia
Lễ hội Dạ cổ hoài lang (DCHL) đã được nâng tầm thành lễ hội văn hóa cấp tỉnh từ năm 2009. Hòa vào dòng chảy của hàng loạt hoạt động tưng bừng trong Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL, Bạc Liêu đằm thắm, mặn mà hơn với lễ hội hoài tưởng một khúc nhạc lòng…
Dạ cổ hoài lang - tiết mục văn nghệ xuất hiện phổ biến trong các chương trình nghệ thuật Bạc Liêu. Ảnh: Lê Thái Dương - H.T
Với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, Năm Du lịch quốc gia sẽ có trên 60 sự kiện, hoạt động chính diễn ra suốt năm 2016 với sự chủ trì tổ chức của tỉnh Kiên Giang, đồng tham dự là các tỉnh ĐBSCL, Hà Nội, TP. HCM, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Vùng đất phương Nam giàu truyền thống cách mạng, đậm dấu ấn của những lễ hội văn hóa sẽ đón chân du khách trong và ngoài nước với những lễ hội dâng hoa Đền thờ Bác Hồ, lễ hội truyền thống anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội trái cây Nam bộ…
Khi chọn lễ hội DCHL là sự kiện duy nhất để Bạc Liêu tham gia Năm Du lịch quốc gia, hẳn nhiên những người có tầm nhìn đã công nhận đó vừa là bản sắc văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu, vừa là sản phẩm du lịch đặc biệt của tỉnh này và hơn hết, đó là một “nơi” đáng để khám phá trong hành trình đưa du khách “khám phá đất phương Nam”. Lễ hội DCHL hứa hẹn những gì để hấp dẫn bước chân viễn khách, điều đó tùy thuộc vào sự thết đãi của Bạc Liêu. Nhưng, bản thân cụm từ DCHL thôi thì đã đủ khơi gợi những cảm xúc đặc biệt để nhiều người - nếu có dịp - sẽ về Bạc Liêu để tỏ tường…
Hòa vào dòng chảy du lịch - văn hóa, hàng loạt sự kiện đặc sắc của từng tỉnh, thành tham gia Năm Du lịch quốc gia, Lễ hội DCHL của tỉnh Bạc Liêu như một nốt nhạc trầm mà không thể thiếu trong bản giao hưởng đa cung bậc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là vận hội mới để nâng tầm cho du lịch Bạc Liêu nếu biết chọn “món ngon” để thết đãi du khách. Bạc Liêu đã có Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - một “thánh đường” của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ ở Bạc Liêu, trong đó có bản DCHL được trịnh trọng khắc trên bảng đồng, có sự tôn vinh sâu sắc dành cho người khai sinh bản DCHL và những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ vun đắp, nuôi lớn đứa con tinh thần ấy. Đó là sự tôn vinh bằng hành động thiết thực để khi đặt chân đến nơi này, du khách không chỉ biết thêm một điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia mà còn thẩm thấu để thêm yêu quý cái tình người, tình đất Bạc Liêu, yêu để nhớ và trở lại…
Một Quảng trường Hùng Vương được đánh giá là đẹp nhất ĐBSCL, chắc là không chỉ đẹp bởi cái “nhan sắc” bên ngoài ai cũng nhìn thấy được: sự hài hòa của những biểu tượng nghệ thuật trên quảng trường, nhất là biểu tượng cây đờn kìm đã được công nhận đạt kỷ lục cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam; mà còn là nét đẹp “nội tâm” ẩn bên trong đó: tôn vinh những giá trị lịch sử trong đó có nghệ thuật ĐCTT, và tựu trung lại là tôn vinh văn hóa Bạc Liêu!
Lễ hội DCHL, với những gì hiện có, giống như Bạc Liêu đã tích lũy được vốn liếng là “của để dành”. “Của” riêng ấy của Bạc Liêu sẽ góp vào tài sản chung của ngành “công nghiệp không khói” ĐBSCL nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trong sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu có quy mô tầm quốc gia và quốc tế này. Thông qua việc giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng sẽ tạo ra sự đột phá cho du lịch vùng, từng bước đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của khu vực ĐBSCL.
Một kế hoạch đã được lập ra từ rất sớm để Bạc Liêu đưa lễ hội DCHL hòa vào dòng chảy Năm Du lịch quốc gia, gồm các hoạt động như lễ giỗ Tổ cổ nhạc, sân khấu hóa quá trình hình thành và phát triển bản DCHL, liên hoan ĐCTT Nam bộ, lễ thắp hương viếng mộ, tham quan trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu tại Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, các hoạt động thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực… Và bằng cả tấm lòng chân thành, hiếu khách của người Bạc Liêu, hy vọng lễ hội DCHL sẽ để lại dấu ấn trong hành trình xuôi về phương Nam.
Nhật Anh