Xuân Bính Thân 2016
Nâng chất trường đạt chuẩn quốc gia
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) từ lâu đã trở thành chủ trương mang tính chiến lược của ngành Giáo dục với mục tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng dạy học trong tình hình mới. Với tỉnh được ví là “vùng trũng” giáo dục như Bạc Liêu, việc xây dựng trường ĐCQG sẽ mang đến cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
* Ban Giám hiệu Trường tiểu học Hộ Phòng A vinh dự đón nhận bằng công nhận của UBND tỉnh. Ảnh: M.Đ
* Trường tiểu học Hộ Phòng A đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: M.Đ
* Văn nghệ chào mừng Trường tiểu học Hộ Phòng A đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ảnh: M.Đ
Thầy trò Trường tiểu học Hộ Phòng A (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) vừa vinh dự đón nhận bằng công nhận ĐCQG mức độ 2. Từ ngôi trường ĐCQG mức độ 1 đầu tiên của tỉnh (năm học 2001 - 2002) với 3 dãy phòng lầu, đủ số lượng phòng học và phòng chức năng phục vụ hoạt động dạy và học, đến nay trường có 28 phòng học, 9 phòng chức năng, 11 khối phòng phục vụ học tập; khuôn viên có tường rào khép kín, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh; 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo (trong đó trên chuẩn chiếm 83,3%)… Không giấu được niềm tự hào, thầy Trần Văn Trực, Hiệu trưởng trường, chia sẻ: “Để đạt được các tiêu chí, tập thể giáo viên, học sinh đã nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, từ năm học 2012 - 2013 đến nay trường đã được đầu tư, hỗ trợ 24,6 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng một số công trình để đủ điều kiện ĐCQG mức độ 2…”.
Ngồi trong ngôi trường khang trang ĐCQG, cô Lưu Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) bồi hồi nhớ lại thời thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất của trường. Ngày mới tiếp quản, cô phải tận tay cầm chổi quét sân trường, nhặt từng chiếc lá, bọc ny-lon… để giúp học sinh nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Còn hệ thống cây xanh trong trường là do phụ huynh nhiệt tình đóng góp. Rồi những khó khăn dần qua đi khi trường được đầu tư xây dựng thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, ĐCQG với 16 phòng học, 14 phòng chức năng. Từ đó đến nay, chất lượng giáo dục của trường ngày càng phát triển.
Năm học 2015 - 2016 cũng là năm học mà ngành Giáo dục tỉnh liên tiếp đón nhận những tin vui về các trường ĐCQG ở các bậc học như: mầm non Sơn Ca 1 ĐCQG mức độ 2, mẫu giáo Tân Hiệp ĐCQG mức độ 1, mầm non Tuổi Thơ ĐCQG mức độ 1, tiểu học Phong Nam ĐCQG mức độ 1 (TX. Giá Rai); tiểu học C (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) ĐCQG mức độ 1; THPT Ninh Quới (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) ĐCQG mức độ 1… Theo đó, đến cuối tháng 6/2015, toàn tỉnh có 114/291 trường mầm non, phổ thông công lập ĐCQG, chiếm tỷ lệ 39,2%.
Trong kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 62,5% trường mầm non và phổ thông công lập ĐCQG. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy - học theo chuẩn quốc gia; từng bước chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo…
Vừa qua, Bạc Liêu đã vinh dự được Bộ GD-ĐT công nhận là tỉnh đầu tiên của khu vực ĐBSCL đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Vinh dự này có sự đóng góp rất lớn của những ngôi trường ĐCQG. Vì vậy, đẩy nhanh lộ trình xây dựng trường ĐCQG cũng đồng nghĩa với việc đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, góp phần sớm “đưa Bạc Liêu trở thành địa phương có chất lượng giáo dục tốt, có những cơ sở giáo dục chất lượng cao có sức thu hút cả vùng” như chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Lê Thị Ái Nam.
KIM TRÚC