Xuân Bính Thân 2016
Nghệ nhân Khmer đa tài
Nét mặt hiền lành, nụ cười dễ mến, cùng với cách nói chuyện chân tình, nghệ nhân Kim Văn Đội (40 tuổi, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu) đã để lại trong lòng chúng tôi ấn tượng khó phai sau những lần trò chuyện. Anh được biết đến là một nhạc công “cừ khôi” nhất đoàn khi sử dụng thành thạo tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, anh còn giỏi chế tác nhạc cụ, từ những chất liệu: gỗ, da, đồng, sắt... anh đã sáng tạo thành những nhạc cụ độc đáo, được sử dụng trong ca múa và các lễ hội văn hóa dân gian của đồng bào Khmer.
Anh Kim Văn Đội (phía trước) chơi nhạc cụ trong một chương trình nghệ thuật Khmer. Ảnh: H.H
Gọi anh là “linh hồn” của dàn nhạc Khmer Bạc Liêu thật không ngoa chút nào. Ngoài sự xông xáo, nhiệt huyết với công việc, anh Đội còn thành thục tất cả các nhạc cụ trong dàn ngũ âm, hòa âm, phối nhạc cho các tuồng tích cổ... nên đồng nghiệp ai cũng thán phục. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), nhưng anh Đội lại chọn Bạc Liêu làm nơi gắn bó và phát triển nghề nghiệp. Những gì anh làm và cống hiến thời gian qua đều không ngoài mục đích khôi phục và đưa âm nhạc Khmer, nghệ thuật Khmer trường tồn và tỏa sáng. Vì lẽ đó, suốt quá trình gắn bó với đoàn, anh Đội luôn tận tâm, tận lực làm việc. Ban ngày biểu diễn, đêm về anh lại say sưa sáng tác, tìm những giai điệu mới lạ, độc đáo để phối cho các vở Dù kê, những bài hát Khmer truyền thống... nhằm tạo sự hấp dẫn đối với người xem. “Tôi luôn cố gắng học hỏi, nghiên cứu và tìm tòi để góp phần mang đến cho âm nhạc truyền thống Khmer thêm nhiều điều mới lạ”, anh Đội chia sẻ.
Vũ điệu Apsara. Ảnh: Thanh Toàn
Năm 2008, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu gặp rất nhiều khó khăn cũng là thời điểm anh Đội mới vào Đoàn. Vì vậy, anh tự nhủ, nếu bản thân không phấn đấu học hỏi, trau dồi nghề nghiệp để đáp ứng tốt công việc thì rất khó có thể trụ vững. Và rồi với sự nhất trí, đồng lòng của tập thể anh em, trong đó có tấm gương tận tụy của anh Đội đã giúp Đoàn vượt qua trở ngại, nhanh chóng định hình và phát triển. Nhiều thành tích của Đoàn tại các kỳ liên hoan, hội diễn của đồng bào Khmer trong và ngoài tỉnh đều có công đóng góp thầm lặng của anh. Còn riêng anh cũng vinh dự nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hóa - văn nghệ tỉnh nhà.
Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn hết là anh Đội không chỉ giỏi đờn ca, mà còn có biệt tài sửa chữa và chế tác nhạc cụ dân tộc. Hơn 7 năm trong nghề, anh Đội đã làm được 4 loại nhạc cụ dân tộc gồm: đờn gáo, đờn cò, sáo, ngũ âm. Không chỉ sử dụng phục vụ công chúng mà anh còn tặng những nhạc cụ ấy cho Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để trưng bày và giới thiệu với khách tham quan.
Bên cạnh nhiệt huyết cống hiến cho nghệ thuật Khmer nói riêng, phong trào văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu nói chung, anh Đội còn có tâm nguyện truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ để cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Khmer Nam bộ.
Hiếu Minh
- Bạc Liêu đoạt 20 huy chương tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên quốc gia năm 2025
- Sở Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu: Trao đổi thông tin hợp tác với Trường đại học Cần Thơ về các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Bộ Công an bàn giao 42 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tỉnh Bạc Liêu
- Tổ chức các hoạt động mừng Tết Chôl-chnăm-thmây năm 2025
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 giáo viên được công nhận giáo viên giỏi năm học 2024 - 2025