Xuân Bính Thân 2016
Nhớ tết thầy nuôi
Mùa cấy vừa xong là má tôi lo gầy bầy gà nuôi cho kịp tết. Ngoài để nấu nướng cúng ông bà tại nhà, má còn chuẩn bị cặp gà ngon nhất để đi “Tết thầy”. Nói đến Tết thầy, người ta nghĩ đến thầy giáo dạy chữ, dạy nghề, nhưng ở quê tôi có một người thầy đó là “thầy nuôi”. Thầy là người biết y thuật, cất am thờ Phật, chữa bệnh không lấy tiền, mấy xóm mới có một ông thầy như thế.
Hồi đó, đám trẻ trong xóm tôi đứa nào vừa lên 3 tuổi cũng được ba mẹ gửi cho “thầy nuôi”. Mấy anh em tôi cũng không ngoại lệ. Nói là “nuôi” chứ thật sự vẫn ở nhà mình, nhưng mùng 3 Tết thì tập trung tới nhà thầy để “thay tom” (tom là sợ dây bằng chỉ được se chắc chắn để đeo cái túi vải cỡ ngón tay xếp hình tam giác trên cổ). Lớn lên tôi hỏi má, má kể rằng: Ngày xưa xứ này sông sâu nước xiết, nhà cửa thưa thớt, chợ búa xa xôi, thuốc men khan hiến nên khi bệnh thì nhờ vào thầy lang xem mạch, hốt thuốc nam hay tìm thầy cúng, con nít thì 3 tuổi là cha mẹ gửi cho thầy mong được đỡ đầu vì tính ngưỡng dân gian cho rằng có thầy nuôi thì ma quỷ không dám quấy nhiễu, con cháu họ được bảo vệ an toàn. Cũng có sự trùng hợp là đứa nào đeo tom thì ít bệnh hoạn, lớn sân sẩn nên “tiếng lành đồn xa”.
Thầy nuôi luôn phục vụ vô tư, nghèo giàu đối xử như nhau, ai có khó khăn thì ông khuyên những người khá giả giúp đỡ. Vì vậy, những người đem con đến nhờ thầy nuôi đều quý trọng ông và coi như người thân trong nhà. Ngày mùng 3 Tết, xuồng ghe đậu kín bực sông nhà thầy, người đem rau, người đem cá, gà vịt, bánh trái… tựa như đi hành hương ở chùa. Phần hoa quả dâng lên cúng Phật, các loại khác thì đem xuống nhà bếp chế biến món ăn. Tầm 9 - 10 giờ sáng, mọi người tập trung lên nhà trên, dưới nền nhà trải mấy chiếc chiếu bông bày la liệt thức ăn, trên bộ ván cũng dọn một mâm với hương, hoa, trà, quả, ở giữa nhà là mâm cơm chay tươm tất. Thầy mặc áo nâu phủ đến chân, thắp hương khấn nguyện, cả trăm đứa trẻ răm rắp ngồi im lặng. Thầy đọc những câu kệ rất êm tai rồi quỳ xuống lạy, người lớn và trẻ con cũng lạy theo. Xong nghi thức cúng Phật, thầy cầm ly nước trắng có cái bông trang để sẵn, vẫy lên đầu, lên vai chúng tôi từng hạt nước li ti và căn dặn: Năm nay các con thêm một tuổi, càng lớn phải biết vâng lời cha mẹ, hiếu thảo với ông bà, không được nói dối, không được trộn cắp, phải chăm lo học hành, anh em phải biết thương nhau… Các con có hứa với thầy không? Chúng tôi đồng loạt “dạ!”. Sau đó chia ra từng tốp quây quần bên mâm cơm, đám trẻ được dọn mâm riêng, đông như thế nhưng rất trật tự. Xong cơm nước, bọn trẻ tha hồ vui chơi đủ trò. Mấy mươi năm trôi qua, nghĩ lại tôi thấy còn nuối tiếc cái không khí ngập tràn tình yêu thương của thời con nít trong ngày “Tết thầy”.
Bây giờ ở nông thôn, một vài nơi còn giữ thói quen đem con cho thầy nuôi. Nhưng ở thành thị, trẻ đến 3 tuổi thì phụ huynh tất bật chọn trường cho con vào mẫu giáo, lớn chút nữa thì đi học phổ thông, cách mừng Tết thầy của đám trẻ bây giờ cũng khác xưa, hầu như các em chỉ biết ngày 20/11 là tết của thầy cô, các em chúc mừng thầy cô bằng những lời hoa mỹ, bằng những món quà đẹp mắt…; còn trong mấy ngày tết cổ truyền thì các em theo cha mẹ đến những khu vui chơi, giải trí, đi thăm ông bà và được tặng lì xì… Các em đâu hiểu được ngày xưa có ngày Tết thầy thú vị, đậm đà tình quê hương, xóm làng đến như vậy.
Nếu bỏ qua yếu tố dị đoan thì hình thức “thầy nuôi” cũng là nét đẹp dân gian của người dân vùng sông nước Nam bộ. Ở đó, có tình làng nghĩa xóm, có sự tương thân tương ái khi tối lửa tắt đèn, người ta đến với nhau chân chất nhưng chí tình chí nghĩa.
Lời dặn dò của người “cha tinh thần” đã in sâu trong tâm khảm những đứa trẻ quê lớn lên bên dòng sông, cánh đồng bát ngát, là hành trang trên bước đường lập thân, lập nghiệp sau này. Đẹp thay những nét quê mang sắc thái và nghĩa cử lai láng tình người, đọng lại trong tâm tư biết bao thế hệ về ngày Tết thầy của ngày xưa cũ.
Lê Ngọc Diễm