Xuân Bính Thân 2016

Những bước chuyển quan trọng trong tư duy lãnh đạo phát triển kinh tế

Thứ Năm, 28/01/2016 | 11:00

Những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế mà Bạc Liêu đạt được trong 19 năm tái lập tỉnh do rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó phải kể đến một nhân tố hết sức quan trọng, đó chính là những bước chuyển trong tư duy lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh nói chung, Tỉnh ủy nói riêng, mở đường cho kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển...

Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Nguyễn Bình Tân trao bằng tuyên dương cho cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm 2014. Ảnh: P.T.C

Từ cây lúa đến con tôm

Khi mới tái lập (năm 1997), Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, lạc hậu. Lĩnh vực kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong đó chủ đạo là sản xuất lúa. Do hạ tầng nông nghiệp thấp kém và việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất chưa phổ biến nên năng suất, chất lượng lúa đạt thấp. Đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn... Qua phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nói chung, của từng vùng sản xuất nói riêng; đồng thời nhận thấy giá trị to lớn từ các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu, đặc biệt là con tôm, Tỉnh ủy đã đi đến xác định nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ tạo sự đột phá cho nền kinh tế của tỉnh.

Từ tư duy này, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để quy hoạch lại các vùng sản xuất, chuyển đổi hơn 83.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở vùng Nam Quốc lộ 1A sang nuôi trồng thủy hải sản, chủ yếu là nuôi các giống tôm có giá trị xuất khẩu cao. Nhiều mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao như nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến, tôm - cá, tôm - rừng kết hợp. Vùng Bắc Quốc lộ 1A là vùng ngọt hóa nên quy hoạch trồng các giống lúa có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên phần lớn diện tích trồng lúa vẫn kết hợp nuôi các giống tôm phù hợp, từ đó hình thành mô hình sản xuất lúa - tôm với hiệu quả và tính bền vững cao…

Đặc biệt, những năm gần đây mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của một số doanh nghiệp lớn, bước đầu cho thấy năng suất, chất lượng vượt trội so với các mô hình khác, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nuôi tôm của tỉnh. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt hơn 130.000ha (trong đó có 15.000ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản năm 2015 đạt 290.000 tấn, tăng gấp 6 lần so với năm 1997.

Lễ cắt băng khánh thành chợ Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C

Bước chuyển từ nông nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ

Thực hiện chủ trương của Đảng là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Tỉnh ủy đã xây dựng Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, xác định một trong những nhiệm vụ cơ bản trong lãnh đạo phát triển kinh tế là: “Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Và trong phương hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015 được nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy tiếp tục nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế”. Cụ thể hóa phương hướng này, ngày 6/12/2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về “đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Có thể nói, đây là bước chuyển hướng hết sức quan trọng, vừa đưa nền kinh tế của tỉnh đi đúng “quỹ đạo” chung của cả nước, phù hợp với quy luật khách quan, nâng cao được giá trị các mặt hàng nông, thủy hải sản của tỉnh, vừa giải quyết được bài toán việc làm, nhất là ở khu vực nông thôn của tỉnh. Chính từ bước chuyển đúng đắn này, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh tăng lên nhanh chóng. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 1997; tăng bình quân hàng năm gần 15%, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã đạt 25,44% (theo cách tính cũ).

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh về thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy đã chủ trương: “Khuyến khích phát triển mạnh thương mại, dịch vụ phục vụ sản xuất và nhu cầu đa dạng của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn... Phát triển mạnh du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, nhất là khu vực ven biển và các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu du lịch theo quy hoạch, có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch...”. Từ quan điểm này, ngày 24/6/2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU về “đẩy mạnh phát triển du lịch”, trong đó xác định yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Trong những năm qua, lĩnh vực dịch vụ không ngừng tăng trưởng, đặc biệt là các hoạt động thương mại và du lịch. Năm 2015, tổng giá trị khu vực dịch vụ đã đạt gần 9.000 tỷ đồng. Riêng ngành Du lịch Bạc Liêu năm 2015 đã đón hơn 1 triệu lượt khách, giá trị toàn ngành Du lịch đạt 960 tỷ đồng (năm 1997 là 7,8 tỷ đồng), tăng bình quân hàng năm 20% trong giai đoạn 2011 - 2015.

Cánh đồng mẫu lớn của huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: Cường Thanh

Xóa dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị

Để giảm bớt sự cách biệt giữa nông thôn với thành thị, Tỉnh ủy chủ trương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đây là chủ trương đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn, nâng cao mức sống của người nông dân.

Tuy nhiên, khi hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển, nông, thủy hải sản, hàng hóa sản xuất ra nhiều hơn thì nhu cầu về thị trường đầu ra của sản phẩm đòi hỏi càng phải được mở rộng hơn. Mặt khác, nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng trở nên cấp thiết. Chính từ thực tế đó, Tỉnh ủy xác định phải tăng cường đầu tư cho các trung tâm đô thị nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đồng thời để thu hút khách du lịch, mở rộng và phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại. Mục tiêu của chủ trương này là biến các trung tâm đô thị trở thành “đầu tàu” lôi kéo kinh tế của tỉnh phát triển. Trong Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là: “Xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II; hoàn thiện tiêu chí loại IV đối với thị trấn Hộ Phòng, Giá Rai để đủ điều kiện đề nghị thành lập thị xã vào năm 2015”. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 22/6/2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về “xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh”. Trong đó xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đến năm 2015 đưa thành phố Bạc Liêu đạt được những tiêu chí của đô thị loại II, là thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. (Từ quyết tâm đó TP. Bạc Liêu đã được công nhận đô thị loại II trước một năm, Giá Rai thành thị xã vào năm 2015). Tư duy lãnh đạo mới này vừa phù hợp với chủ trương của Đảng là phát triển đô thị phù hợp với quá trình phát triển kinh tế... không để một khu vực lãnh thổ rộng lớn nào trống vắng đô thị, vừa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thực tế cho thấy, từ khi thị xã Bạc Liêu và các trung tâm đô thị ở các huyện được quan tâm đầu tư đúng mức thì bộ mặt đô thị có bước phát triển vượt bậc, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nông, thủy hải sản, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Đây là những tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh thời gian tới.

Thành quả của trí tuệ tập thể

Trong khoảng thời gian 10 năm đầu tái lập, do nguồn vốn đầu tư từ Trung ương có hạn, lại ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, hơn nữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ... Do đó, gần như không có dự án phát triển kinh tế quy mô lớn nào được triển khai. Kinh tế của tỉnh tuy liên tục phát triển, nhưng thiếu vắng sự “bứt phá” mạnh mẽ để vươn lên ngang bằng với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của các dự án lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc gia đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy chỉ rõ trong phương hướng tới phải “...tập trung triển khai quyết liệt các dự án lớn mang tính động lực... xem đây là khâu đột phá nhằm làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp”. Đây là tư duy mới khá táo bạo của Tỉnh ủy, nhất là đối với một tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa như Bạc Liêu. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu mang lại từ chủ trương này trong những năm vừa qua đã khẳng định hướng đi đúng của Tỉnh ủy. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các tập đoàn kinh tế, từ đó, một số công trình, dự án mang tính động lực đã và đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy sản xuất bao bì, Nhà máy điện gió, Nhà máy chế biến xuất khẩu gạo Vĩnh Lộc, Xí nghiệp may An Hưng, Nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc Hàn Quốc... Các dự án lớn này đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả và có mức đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, một số dự án động lực khác đã được phê duyệt quy hoạch như Cảng biển Gành Hào, Trung tâm nhiệt điện Cái Cùng, các khu công nghiệp: Ninh Quới, Láng Trâm... Trong tương lai, khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo động lực to lớn cho kinh tế của tỉnh phát triển.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 tới đây, nếu những bước chuyển trong tư duy lãnh đạo phát triển kinh tế của tỉnh đã nêu tiếp tục được hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể, tin chắc rằng, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của tỉnh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước đưa Bạc Liêu phát triển ngang tầm với các tỉnh bạn, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đúng như mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Nguyễn Bình Tân, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.